Cửa biển bị bồi lấp, tàu cá khó ra biển

29/04/2023 11:21 GMT+7

Cửa biển Lý Hòa (H.Bố Trạch, Quảng Bình) và cửa biển Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đang trở thành "nỗi ác mộng" của ngư dân bởi nguy cơ mắc cạn vì bồi lấp, tàu phải nằm bờ gây khó cho kế sinh nhai.

MẮC CẠN NHƯ…"CƠM BỮA" !

Cửa biển Lý Hòa (giáp ranh giữa xã Đức Trạch và xã Hải Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) nhiều năm qua bị bồi lấp nặng nề, có nơi có lúc mực nước chỉ hơn 1 m. Theo ngư dân, cách duy nhất để thuyền ra biển là chờ con nước lên.

Không chỉ với thuyền trọng tải lớn, mà ngay thuyền nhỏ cũng rất khổ sở bởi mắc cạn như "cơm bữa". Tại thời điểm PV Thanh Niên có mặt ở cửa biển Lý Hòa, có 2 chiếc thuyền nan không thể ra khỏi cửa biển Lý Hòa để đi đánh bắt vùng ven bờ, dù công suất khoảng 30 CV. Ngư dân Nguyễn Hải Nam (thôn Nội Hải, xã Hải Trạch) than phiền: "Chúng tôi đã mắc cạn hơn 1 tiếng đồng hồ. Bị mắc cạn thế này phải chờ 5 - 6 giờ chiều, khi nước lên mới có thể ra được cửa".

Từ đơn thư bạn đọc: Cửa biển bị bồi lấp, tàu cá khó ra biển - Ảnh 1.

Cửa biển Lý Hòa bị bồi lấp nghiêm trọng, nhiều nơi chỉ sâu 1 m

THANH LỘC

Cách cửa biển Lý Hòa chừng 100 km, những ngày cuối tháng 4 này tàu cá QNg 96598 cũng mắc cạn tại cửa biển Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Thuyền trưởng Nguyễn Bá Tài (trú thôn Tây, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết tàu của ông mắc cạn suốt 3 ngày, may mắn nhờ các tàu cá của ngư dân Cửa Tùng hợp sức kéo mới vừa thoát ra được.

Những vụ việc vừa liệt kê ở các cửa biển Lý Hòa, Cửa Tùng không phải là cá biệt. Thời gian qua, đã có hàng trăm vụ tàu cá lớn nhỏ mắc cạn tại đây. Nhiều tàu hư hỏng nặng, có tàu không thể ra khơi được nữa.

"CỨU" TÀU CÁ NẰM BỜ

Cửa biển bị bồi lấp khiến nhiều tàu cá lớn nhỏ của ngư dân phải nằm bờ. Ông Nguyễn Hùng Cương, chủ tàu đánh cá QT 91091 (TT.Cửa Tùng), cho biết hơn 8 tháng qua ông mới chỉ ra biển đánh bắt được vài lần. "Như mọi năm, chúng tôi đi biển mỗi tháng 30 ngày, nhưng năm nay cửa cạn, gần như bó chân bó tay", ông Cường ngao ngán.

Tàu càng lớn thì càng "hết đường" ra khỏi cửa biển. Ông Nguyễn Tiến Long, Cảng trưởng Cảng cá Cửa Tùng, lo lắng vì những tàu dài trên 24 m không vào được cảng Cửa Tùng suốt 2 năm nay, tàu 15 m có thể vào ra được nhưng rất khó khăn. Ngư dân vay hàng chục tỉ đồng để đóng tàu thì nay phải chấp nhận để nằm bờ và gần như mất khả năng trả nợ. Các cửa biển cạn kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là kéo chậm sự phát triển kinh tế của các địa phương ven biển. "Lưu lượng tàu thuyền ra khơi giảm, sản lượng hằng tháng, hằng quý cũng giảm do tàu không ra khơi được. Thị trấn rất mong các cấp, các ngành quan tâm, có kế hoạch, phương án để nạo vét luồng lạch, đảm bảo cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển", ông Nguyễn Bá Tuyến, Phó chủ tịch UBND TT.Cửa Tùng, kiến nghị.

Về vấn đề này, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết một số cửa sông, cửa biển thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT, quá trình tìm giải pháp chính quyền địa phương phải xin ý kiến của Cục Hàng Hải và Bộ GTVT, rất phức tạp. "Chúng tôi cũng tìm mọi giải pháp, lấy tàu nhỏ san tải cho tàu lớn, tiếp dầu ngoài biển, cho nạo vét xã hội hóa… Chúng tôi kiến nghị ngành GTVT cũng nên ngồi lại với địa phương để rà soát tổng thể và phân cấp, phân quyền rõ ràng", ông Đồng nói.

Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, cũng cho hay tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách để nạo vét các cửa biển do tỉnh phụ trách, cũng như kiến nghị Cục Đường thủy nội địa tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức nạo vét các cửa sông thuộc Cục quản lý. "Tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị với Bộ GTVT có kế hoạch nghiên cứu tổng thể, để xử lý tình trạng bồi lấp các cửa sông, cửa biển được bền vững hơn và hiệu quả hơn", ông Lâm đề xuất.

Thực tế, việc vạo vét luồng lạch, hay làm kè chống cát bồi lấp đã được 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị tính đến nhưng nguồn lực địa phương có hạn. Hiện các địa phương đang cần nguồn hỗ trợ từ các bộ, ngành T.Ư, nhất là tìm giải pháp tối ưu để không xảy ra tình trạng bồi lấp trở lại chỉ trong một thời gian ngắn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.