Cụ thể hóa các nghị quyết cho Khu kinh tế Vân Phong

16/12/2022 08:00 GMT+7

Với diện tích khoảng 150.000 ha, Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) là nơi tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trên cơ sở những lợi thế hiếm có, khu kinh tế đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ T.Ư, đặc biệt là các cơ chế theo Nghị quyết 55 của Quốc hội.

Khu kinh tế (KKT) Vân Phong sở hữu nhiều lợi thế, nhất là có vịnh Vân Phong kín gió, độ sâu từ 20 - 27 m. Từ khi thành lập đến nay, nơi đây đã thu hút được 150 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỉ USD. Khu kinh tế đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm về các lĩnh vực như: công nghiệp năng lượng, cảng biển, các khu đô thị, dịch vụ, du lịch cao cấp…

Một góc KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa

Hiền Lương

Đại diện Công ty TNHH Điện lực Vân Phong - Chủ đầu tư Dự án nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (TX.Ninh Hòa), cho biết từ khi triển khai dự án tại đây, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. Ở đây điều kiện tự nhiên, giao thông rất thuận lợi, đặc biệt là Cảng nước sâu Nam Vân Phong. Với sự phát triển chung của tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội đầu tư về các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời để góp phần cho sự phát triển chung của tỉnh.

Theo đại diện Ban Quản lý KKT Vân Phong, tỉnh sẽ công bố các danh mục để các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất và tỉnh xem xét lựa chọn theo Nghị quyết 55. Qua định hướng các danh mục dự án, Tỉnh ủy đồng ý chủ trương khoảng 40 dự án thuộc danh mục ưu tiên. Nếu thực hiện được các dự án này, KKT Vân Phong sẽ được đầu tư hàng chục tỉ USD trong thời gian tới.

Trước đó, qua đánh giá về tiềm năng của Khánh Hòa, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 09 (ngày 28.1.2022) về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, có hiệu lực từ ngày 1.8.2022. Trong đó, ưu đãi thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược vào các dự án ưu tiên tại khu kinh tế như: công nghiệp năng lượng, sân bay, bến cảng, logistics dịch vụ, du lịch,… Đồng thời, tiến hành xây dựng quy định chi tiết về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược tại KKT Vân Phong. Thời gian tới, khi đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, đây là cơ sở để Khánh Hòa kêu gọi, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tạo bước đột phá cho khu kinh tế.

Một góc KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa

Hiền Lương

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã có chỉ đạo giao cho các địa phương và các sở ngành bám sát 6 nội dung của Nghị quyết 55 đặt ra cho cơ chế đặc thù của tỉnh. Tỉnh cũng đã phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan tham mưu, tuy nhiên, để triển khai được Nghị quyết, lãnh đạo tiếp tục có báo cáo đến các cơ quan chuyên môn T.Ư, các bộ ngành để sớm có các thông tư, nghị định hướng dẫn về tài chính, đất đai, quy hoạch và kể cả việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào KKT Vân Phong.

Box: UBND TX.Ninh Hòa và UBND H.Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) vừa tổ chức lễ bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án 7 - đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Theo đó, 2 địa phương trên đã bàn giao trên 70% mặt bằng theo như cam kết của tỉnh Khánh Hòa với Chính phủ và Bộ GTVT. Cụ thể, TX.Ninh Hòa bàn giao 78% và H.Vạn Ninh bàn giao 70,9% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Dự án qua địa bàn H.Vạn Ninh có tổng chiều dài 32,255 km; tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 255,94 ha, có 2.930 thửa đất bị ảnh hưởng. Chiều dài tuyến đi qua TX.Ninh Hòa là 28,99 km, tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 199 ha với 1.830 thửa đất, có 720 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.