Công ty khen thưởng vô tội vạ sẽ khiến nhân viên xung đột nhau?

Thái Thanh
Thái Thanh
18/04/2024 04:54 GMT+7

Sự công nhận trong môi trường công ty được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tinh thần, nâng cao hiệu suất làm việc của nhiều nhân viên.

Sự công nhận trong công ty không chỉ đơn thuần là việc nhận biết và khen ngợi thành tựu của các cá nhân, mà còn là việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực, xem trọng nỗ lực của cả tập thể.

Sự công nhận là liều thuốc tinh thần

"Sự công nhận không chỉ là một phần thưởng mà đó là sự ghi nhận những nỗ lực đóng góp, cống hiến cho công ty của mỗi người. Bản thân tôi cảm thấy mình có giá trị và được xem trọng khi sếp và đồng nghiệp công nhận quá trình cố gắng của mình”, chia sẻ của anh Trần Viết Hùng (34 tuổi, ở TP.Thủ Đức).

Cũng theo anh Hùng, sự công nhận không nhất thiết phải là tiền bạc, thăng chức… Đó đơn giản chỉ là một cái gật đầu, một lời khen ngợi của sếp hay vinh danh trước tập thể.

“Tôi là một nhân viên bán hàng, đã làm việc ở nhiều công ty. Ở thời điểm hiện tại, hiệu suất làm việc của tôi ngày càng tốt là nhờ có sự công nhận đến từ sếp. Tháng nào vượt chỉ tiêu, tôi cũng đều được công ty trao giấy khen kèm với một vé ăn uống, mua sắm hay xem phim miễn phí. Tuy không phải món quà lớn nhưng nó rất có ý nghĩa. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực, gắn bó với công ty lâu dài”, anh Hùng bộc bạch.

Tương tự, chị Nguyễn Anh Minh (27 tuổi, ở Q.Gò Vấp) cũng cho rằng nếu một công ty không chịu công nhận năng lực của nhân viên thì khó mà giữ chân họ ở lại lâu dài với mình.

Chị Minh nói: “Sự công nhận nên được xem là một phần của văn hóa doanh nghiệp, đó là cách để sếp và nhân viên gắn kết với nhau hơn... Điều đó cũng sẽ tạo nên nhiều tín hiệu tốt đối với nhân viên chúng tôi, để chúng tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng, có trách nhiệm với công ty nhiều hơn nữa”.

Công ty khen thưởng vô tội vạ sẽ khiến nhân viên xung đột nhau?- Ảnh 1.

Sự công nhận trong môi trường làm việc góp phần thúc đẩy tinh thần và hiệu suất làm việc của nhân viên

THÁI THANH

Chị Minh nói thêm, phía công ty của chị không chỉ công nhận người giỏi mà bất kỳ ai có thái độ tốt, cố gắng phấn đấu cũng đều được ghi nhận.

“Ai cũng xứng đáng nhận được sự công nhận từ mọi người. Sẽ tốt hơn nếu công ty đặt ra những tiêu chuẩn chung cho sự công nhận để mọi người theo đó mà phấn đấu. Ví dụ như vượt chỉ tiêu bao nhiêu phần trăm thì được thưởng, phân cấp các món quà, tiền thưởng tùy theo thành quả của mỗi người…”, chị Anh chia sẻ.

Muốn được công nhận thì cần nỗ lực cống hiến

Anh Cao Thái Mào, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch và sự kiện Newtour, cho biết các bạn nhân viên nếu muốn được công ty công nhận năng lực, trước hết bản thân các bạn phải luôn cố gắng.

“Chúng ta nên có thói quen chủ động trong công việc, không phải ngồi chờ sếp giao việc để làm mà nên có những đề xuất, đóng góp để phát triển công ty. Đối với những bạn có năng lực, có sự cố gắng, đừng sợ mình sẽ không được công nhận. Người sếp, người lãnh đạo hiểu và biết rất rõ những nỗ lực của các bạn. Họ sẽ âm thầm quan sát, ghi nhận, chờ đợi đến thời điểm thích hợp để khen thưởng, tuyên dương”, anh Mào nói.

Anh Cao Thái Mào cũng nhấn mạnh, sự công nhận chỉ dành cho những người thật sự biết cố gắng để thay đổi, hoàn thiện mình mỗi ngày. Về lâu về dài, sự công nhận của công ty không chỉ dừng lại ở những món quà, phần thưởng mà đó còn là sự thăng tiến, đề bạt lên những vị trí cao hơn.

Anh Lê Minh An, Quản lý bộ phận tuyển dụng của khách sạn New World Saigon cũng đồng quan điểm, phía lãnh đạo của các công ty luôn biết cách để công nhận nhân viên của mình.

“Có làm thì sẽ có thưởng, đó có thể là phần thưởng về tinh thần cũng như vật chất nhằm động viên và giữ lửa nhiệt huyết cho các bạn. Khi mà nhân viên được công nhận thì người ta sẽ cảm thấy phấn khích, hứng thú và thấy mình được doanh nghiệp tôn trọng, công sức mình bỏ ra là không hề uổng phí”, anh An cho hay.

Tuy nhiên, anh An có lưu ý rằng sự công nhận nên được đặt để đúng người, đúng thời điểm. Không nên công nhận, khen thưởng vô tội vạ để tránh xích mích, xung đột giữa các nhân viên. Sự công nhận phải đi kèm với công bằng, bảo đảm tôn trọng công sức của tất cả mọi người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.