Công nhân dệt may, da giày 'chuyển mình' thích ứng với khó khăn

22/06/2023 14:39 GMT+7

Một bộ phận công nhân các ngành dệt may, da giày đã và đang tìm cách thích ứng với những khó khăn trong công việc. Họ làm thêm việc để kiếm tiền trên hành trình mưu sinh.

Công nhân dệt may, da giày 'chuyển mình' thích ứng với khó khăn - Ảnh 1.

Không ít công nhân dệt may, da giày đang gặp khó khi doanh nghiệp họ làm việc gặp khó khăn trong việc tìm đơn hàng, thu nhỏ quy mô sản xuất

PHONG LINH

"Trong cái khó ló cái khôn"

Nguyễn Phước Vũ (32 tuổi) quê ở H.Phú Tân, Cà Mau, công nhân giày dép ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết thu nhập bốn tháng vừa qua khá bèo bọt. Số tiền nhận được hàng tháng bằng công việc mà anh theo đuổi suốt nhiều năm qua không đủ để trang trải cuộc sống. 

Với những áp lực "cơm, áo, gạo, tiền" đè nặng, Vũ đã nghĩ cách để kiếm thêm tiền nhằm xoay xở chi phí sinh hoạt. Theo đó, sau thời gian đi làm ở công ty, Vũ đăng ký chạy xe ôm công nghệ và bật cùng lúc ba dịch vụ: giao đồ ăn, giao hàng, chở khách. "Nếu được làm toàn ca, thì sau khi rời công ty, tôi bật ứng dụng chạy thêm 3 tiếng đồng hồ, tới 10 giờ đêm. Còn ngày nào nghỉ vì không có đơn hàng, tôi chạy xe ôm công nghệ cả ngày", Vũ kể.

Nhờ vậy, Vũ đã tự mình giải được bài toán thiếu thốn đã gặp phải. Vũ hy vọng thời gian tới được làm việc ở công ty một cách xuyên suốt, được tăng ca nhiều hơn.

Công nhân dệt may, da giày 'chuyển mình' thích ứng với khó khăn - Ảnh 3.

Quỳnh đang làm móng cho khách. Nhờ công việc này giúp Quỳnh có thêm thu nhập

PHONG LINH

Anh Trần Công Trọng quê ở H.Thới Lai, Cần Thơ, công nhân Công ty TNHH giày Nam Việt, H.Bình Chánh, kể trước đây anh được làm từ 8-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khoảng 3 tháng nay, thời gian được ngồi ở xưởng đã rút ngắn lại, có ngày phải nghỉ làm. 

Và "trong cái khó ló cái khôn", chính thu nhập khá thấp khiến đời sống bấp bênh đã trở thành động lực để anh tìm việc làm thêm. Trọng xin làm bảo vệ tại một chung cư ở H.Bình Chánh. 

"Tôi may mắn được trực vào ca tối từ 18 giờ đến 22 giờ nên không ảnh hưởng thời gian làm việc ở công ty. Có những hôm nghỉ công ty thì tôi xin quản lý bộ phận bảo vệ làm thêm ca sáng từ 7 giờ 45 phút đến 11 giờ 30 phút hay ca chiều từ 12 giờ đến 18 giờ. Nhờ vậy mà có thêm đồng ra đồng vào, bù được khoản thu nhập bằng tiền công công nhân bị hụt giảm", Trọng chia sẻ.

"Thợ đụng"

Chị Tạ Thị Thúy Quỳnh (32 tuổi), quê ở H.Lắk, Đắk Lắk, làm việc ở xưởng sản xuất và bán buôn giày dép Thiên Ân, Q.Gò Vấp. Quãng thời gian năm 2022 và ba tháng đầu năm 2023, chị Quỳnh cho biết phải làm việc "đầu tắt mặt tối", công việc nhiều nên thu nhập ổn định, có tiết kiệm. Tuy nhiên, hiện nay công việc khá bấp bênh.

Và rồi cô gái này đã làm "thợ đụng". Vào những ngày không phải làm việc ở Xưởng giày dép, Quỳnh xin phụ việc ở một tiệm nail và spa trên đường Phạm Phú Hòa, Q.Tân Phú. "Chủ tiệm cũng tạo điều kiện để tôi làm nhiều thứ. Có khi hướng dẫn để phụ làm nail, có lúc hỗ trợ gội đầu, sấy tóc cho khác. Tôi rảnh hồi nào thì làm đó, vậy mà cũng có thể có thêm 1,5 triệu đồng - 2 triệu đồng mỗi tháng", Quỳnh cho biết.

Anh Nguyễn Đức Phú (35 tuổi), quê ở H.Bá Thước, Thanh Hóa, là công nhân Công ty CP may thêu Đức Phúc, Q.Tân Phú, kể rằng sau giờ làm công nhân may là anh trở thành thợ sửa xe. Là vì dạo gần đây, đơn hàng của công ty không nhiều như trước nên nhiều công nhân như anh rảnh việc.

Công nhân dệt may, da giày 'chuyển mình' thích ứng với khó khăn - Ảnh 4.

Ngoài làm công nhân may, Phú còn làm "thợ đụng" sửa xe gắn máy

PHONG LINH

Tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị mất việc

Ngày 19.5.2023, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết trong 4 tháng qua tình hình sản xuất công nghiệp có khởi sắc hơn, tuy nhiên doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm.

Tính 4 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP tăng 1,4%; chỉ số lao động giảm 2,2%; mức tăng trưởng thương mại, dịch vụ còn chậm. Dự kiến thị trường lao động trong thời gian tới có thể vẫn trầm lắng.

Theo Sở LĐ-TB-XH, TP.HCM đang có nhiều biện pháp chủ động, tích cực nhằm hỗ trợ DN và NLĐ. Cụ thể, chính quyền các quận, huyện và TP.Thủ Đức thường xuyên nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình quan hệ lao động để hỗ trợ kịp thời, phòng ngừa tranh chấp tập thể, ngừng việc. Sở LĐ-TB-XH phối hợp UBND các địa phương theo dõi sát tình hình và phương án giảm lao động tại các DN có trụ sở đóng trên địa bàn.

Theo Báo Thanh Niên ngày 20.5.2023

Trong khi vật giá tăng cao, anh lại vừa lên chức làm bố nên tốn nhiều tiền để lo cho con, cho vợ. Ở tuổi 35, anh Phú cho biết không dễ để thay đổi công việc. Chính vì thế, Phú xin làm thêm ở một cửa hàng sửa xe gắn máy trên đường Bờ Bao Tân Thắng, Q.Tân Phú. Nhờ có ít kinh nghiệm về vá xe và sửa những vấn đề hư hỏng nhẹ, Phú được nhận làm. 

"Hàng ngày tôi phụ làm từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút. Tùy lượng khách nhiều hay ít mà tôi được trả tiền công. Có hôm được vài chục ngàn đồng, có hôm được trả nhiều hơn. Dù ít hay nhiều thì cũng có thêm tiền phụ vợ", anh Phú tâm tình.

Có thể thấy, ngoài việc "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu, thì một bộ phận công nhân các ngành dệt may, da giày nói riêng và nhiều ngành khác nói chung đang cố gắng tìm cách xoay trở trước bối cảnh công việc gặp những chật vật nhất định.

Với sự cố gắng, cầu tiến, những người công nhân chẳng kêu trời trách đất hay kêu van than thở. Thay vào đó, họ đang từng ngày nỗ lực để lách qua những thiếu thốn, bươn qua những khó khăn để cuộc sống đỡ chật vật, nhằm trụ lại ở thành phố đông dân này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.