Ngăn chặn hiểm họa từ smartphone

18/08/2011 10:36 GMT+7

Các nguy cơ về lỗ hổng bảo mật trên điện thoại Android trong thời gian gần đây ngày càng đáng báo động. Do vậy bạn cần biết cách phòng chống, bảo vệ cho chiếc điện thoại của mình bằng nhiều cách thức, biện pháp khác nhau.

 Không nên cài những phần mềm khác trên điện thoại khi chưa rõ nguồn gốc

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Phú Nam, Giám đốc siêu thị điện thoại HNam Mobile, cho biết với sự bùng nổ của các smartphone Android như trong thời gian qua thì vấn đề xuất hiện virus, các phần mềm đánh cắp dữ liệu… trên điện thoại là hoàn toàn có thể xảy ra và người dùng cần tỉnh táo khi sử dụng để tránh thiệt hại. 
 

Lookout, hãng bảo mật di động gần đây vừa công bố “Báo cáo hiểm nguy di động Lookout” và phát hiện người dùng Android đang có nguy cơ nhiễm malware gấp 2,5 lần  so với chỉ cách đây 6 tháng. Đã có khoảng 10 triệu điện thoại Android đang được sử dụng và số máy bị virus tấn công tăng gấp 2,5 lần so với 6 tháng trước.
Theo ông Nam, hiện nay người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam khả năng bị nhiễm các phần mềm độc hại trên ĐTDĐ không nhiều bằng trên thế giới, tuy nhiên mối nguy hiểm vẫn chực chờ người dùng hằng ngày. Nguyên nhân phổ biến hiện nay là do kho ứng dụng Android có số lượng phần mềm ngày càng lớn và người dùng rất khó kiểm soát được phần mềm nào tốt, xấu. Với số lượng phần mềm lớn, nhiều người dùng lại thích cài đặt đủ thứ phần mềm mà không kiểm soát, nhất là với những người dùng thích “vọc” máy. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng máy điện thoại bị nhiễm các phần mềm độc hại - ông Nam cho biết.

Khi đã bị nhiễm các ứng dụng độc hại trên điện thoại thì hiện tượng dễ nhận biết nhất là máy bị treo, chạy chậm. Một số trường hợp phần mềm độc hại có thể gây ra hiện tượng tăng vọt lượng dữ liệu tải về khiến người dùng phải trả tiền cước tăng vọt. Một số trường hợp phần mềm độc hại có thể khiến tốc độ xử lý của máy tăng đột ngột, thường xuyên. Còn các dữ liệu cá nhân như thông tin tài khoản, mật khẩu khi bị đánh cắp thì rất khó nhận ra ngay, nhưng trường hợp này thì còn hiếm - ông Nam cho biết.

Một số cách để phòng chống và xử lý khi bị nhiễm các phần mềm độc hại trên điện thoại theo ông Huỳnh Phú Nam gợi ý:

- Không cài đặt lung tung các phần mềm trên điện thoại khi chưa rõ nguồn gốc, chưa được nhà cung cấp có uy tín chứng nhận.

- Cài các phần mềm phòng chống virus, bảo mật mạnh cho máy điện thoại.

- Khi máy đã bị nhiễm các phần mềm độc hại thì nên format, cài đặt lại điện thoại như tình trạng ban đầu mới xuất xưởng.

- Hạn chế cài đặt các ứng dụng được crack, các ứng dụng “chợ đen” được chia sẻ trên mạng.

- Không nên để các thông tin, dữ liệu quan trọng trên điện thoại, tránh truy cập các trang web “đen” trên điện thoại.

- Chỉ cài đặt các ứng dụng cần thiết theo nhu cầu sử dụng; không nên cài các ứng dụng còn quá xa lạ, chưa rõ tính năng.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.