Mỹ tranh cãi về việc xem internet là 'nhân quyền'

03/07/2015 11:37 GMT+7

(TNO) Theo Digitaltrends, mặc dù CEO Facebook Mark Zuckerberg và nhà sáng lập World Wide Web Tim Berners-Lee cho rằng việc truy cập internet là “cần thiết”, nhưng Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) thì lại cho rằng, internet không nằm trong phạm vi “quyền con người”.

(TNO) Theo Digitaltrends, mặc dù CEO Facebook Mark Zuckerberg và nhà sáng lập World Wide Web Tim Berners-Lee cho rằng việc truy cập internet là “cần thiết”, nhưng Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) thì lại cho rằng, internet không nằm trong phạm vi “quyền con người”, hay còn gọi là “nhân quyền”.

FCC cho rằng mọi người vẫn có thể sống và làm việc mà không cần đến internet - Ảnh chụp màn hình
Ủy viên Michael O'Rielly của FCC trong một bài phát biểu cho biết: “Điều quan trọng cần lưu ý rằng, việc truy cập internet không phải là điều cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của người Mỹ, và thậm chí nó không đến gần với ngưỡng được coi là quyền con người cơ bản”.

“Tôi nhận ra tầm quan trọng của nó (internet) đến các cá nhân và toàn thể xã hội, nhưng điều này đang bị phóng đại bởi lẽ mọi người có thể sống và làm việc mà không cần phải truy cập vào internet, trong đó nhiều người vẫn có cuộc sống khá hạnh phúc. Thay vào đó, thuật ngữ “cần thiết” nên được dành cho những mặt hàng mà con người không thể sống mà không có nó, chẳng hạn như thức ăn, chỗ ở và nước”, vị ủy viên này nói thêm.

Báo cáo của O'Rielly được đưa ra trong bối cảnh FCC đang xem xét việc mở rộng chương trình Lifeline nhằm cung cấp khả năng truy cập internet băng thông rộng đến người dân Mỹ có thu nhập thấp. Nó cũng đặt ông vào vị trí đối lập trực tiếp với nhiều gã khổng lồ công nghệ với các dự án riêng, bao gồm Internet.org của Facebook nhằm mang khả năng truy cập internet cho người dân trên toàn thế giới. Ngoài ra, một số tổ chức nhân quyền tin rằng, được truy cập internet là chìa khóa để dẫn đến thành công cho mỗi người.

Trong năm 2011, một cuộc điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, quá trình tìm hiểu thực tế cho thấy, trong khi internet không phải là một sự “cần thiết” cho quyền con người cơ bản, nhưng nó gián tiếp giúp thúc đẩy những vấn đề cơ bản khác của quyền con người.

Báo cáo đặc biệt của LHQ cho hay: “Internet đã trở thành công cụ không thể thiếu để thực hiện một loạt các quyền con người, đấu tranh chống bất bình đẳng cũng như thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ loài người, do đó đảm bảo phổ cập internet đến người dân là một ưu tiên đối với tất cả các quốc gia”.

Mặc dù vậy, O’Rielly cũng đưa ra nhận xét về vai trò của internet khi ông cho rằng internet như là một “tài sản thực tế” không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.