'Không như Apple, Bkav tự lắp ráp thành phẩm Bphone'

28/05/2015 14:00 GMT+7

(TNO) Trước 'nghi án' mẫu smartphone Bphone vừa công bố của Bkav thực chất là được sản xuất tại Trung Quốc và chỉ dán nhãn 'Made in Vietnam' lên trên, phía Bkav cho biết thông tin này là không chính xác.

(TNO) Trước 'nghi án' mẫu smartphone Bphone vừa công bố của Bkav thực chất là được sản xuất tại Trung Quốc và chỉ dán nhãn 'Made in Vietnam' lên trên, phía Bkav cho biết thông tin này là không chính xác.

Lùm xùm việc có phải là sản phẩm "Made in Vietnam"?

Trong buổi ra mắt chiếc Bphone, Bkav không hề nhắc đến việc chiếc Bphone được sản xuất tại đâu và chỉ cho biết sản phẩm được hoàn thiện từ 800 linh kiện cơ khí và điện tử vào trong một kích thước 141 mm x 69 mm x 7,5 mm (kích thước của Bphone - PV). Điều này dẫn đến việc có nhiều thông tin cho rằng Bphone thực tế vẫn là một sản phẩm phải nhờ gia công và sản xuất, sau đó mới được đem về thị trường Việt Nam.
Bphone chưa bán ra thị trường nhưng đã gây nhiều tranh cãi - Ảnh: T.Luân
Nhiều ý kiến còn cho rằng về kiểu dáng thì Bphone khá giống với thiết kế trên iPhone 4, các sản phẩm của Oppo và Sony khi không có nét gì đột phá về sáng tạo và thiết kế, thực chất chỉ là làm thao tác "gom góp" lại rồi tạo thành một sản phẩm mới.
Anh Trần Mạnh Hiệp, quản trị viên diễn đàn tinhte.vn cho biết thiết kế của Bphone không có gì là đặc biệt, nếu so với những điện thoại thông minh cao cấp trên thị trường thì nó thua khá là xa. Còn về hoàn thiện thì càng kém hơn nữa. Nhìn chung, nếu Bkav muốn định hình Bphone là một sản phẩm cao cấp thì cần phải làm việc nhiều hơn.
Tuy nhiên, Bphone cũng có điểm đáng khen là hệ thống settings của BOS (nềng tảng dùng trên Bphone - PV) được mang xuống phía dưới màn hình, trong khi hiện nay tất cả các máy Android đều để bên trên. Tuy điểm này có phần hơi giống với iOS nhưng cũng là một quyết định nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, anh Mạnh Hiệp chia sẻ thêm.
Mẫu smartphone Lotus S1 ra mắt vào năm 2013 của VNPT cũng dán nhãn là "Made in Vietnam" - Ảnh chụp màn hình
Thực tế, Bphone không phải là chiếc smartphone đầu tiên tại Việt Nam tự nhận mình là sản phẩm thương hiệu Việt hoàn toàn. Năm 2013, VNPT cũng đã từng giới thiệu mẫu smartphone Vivas Lotus S1 với tuyên bố sản phẩm được nghiên cứu, phát triển và sản xuất, lắp ráp hoàn toàn trên dây chuyền hiện đại tại nhà máy của VNPT Technology (Hà Nội). Trong đó, linh kiện lắp rắp sản phẩm được đặt mua từ những nhà sản xuất linh kiện bên ngoài Việt Nam.
Lúc đó, sản phẩm này thậm chí còn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là chiếc điện thoại được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, do máy được trang bị cấu hình yếu và chiến lược truyền thông không thực sự nổi bật, nên sản phẩm không được nhiều người quan tâm đến.
Bkav khẳng định Bphone được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam
Trao đổi với Thanh Niên Online, đại diện của Bkav cho biết thực chất nhà máy sản xuất Bphone được đặt ở Phạm Hùng, Cầu Giấy (Hà Nội). Hiện nay, công suất nhà máy ở Cầu Giấy đáp ứng khoảng vài chục nghìn sản phẩm/tháng. Nhưng Bkav cũng đã sẵn sàng cho hạ tầng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích 2,3 ha. Trong trường hợp thị trường phản hồi tốt thì sẽ phải nhanh chóng nâng công suất lên vài trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng.
Hình ảnh công nhân lắp ráp Bphone tại nhà máy của Bkav - Ảnh: Bkav
Bkav lý giải có thể hiểu Bphone là smartphone "Designed by Bkav made in Vietnam". Bởi lẽ, toàn bộ thiết kế kiểu dáng, cơ khí, điện tử, phần mềm thực hiện tại trụ sở chính của tập đoàn. Phần chế tạo cơ khí ở nhà máy cơ khí để ra được sản phẩm mẫu, theo các thiết kế đã đặt ra, sau đó đặt hàng các nhà cung cấp phụ trợ gia công theo thiết kế mẫu của Bkav.
Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ mời giới phóng viên các báo tham quan nhà máy cơ khí và nhà máy điện tử sản xuất Bphone để hiểu rõ quy trình sản xuất sản phẩm
Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc truyền thông của Bkav
Bkav chia sẻ thêm, một số khâu khó, đòi hỏi bảo mật bí quyết cao thì Bkav không đặt đối tác gia công mà sản xuất ngay tại nhà máy để tránh bị nhái. Sau đó, các chi tiết cơ khí cộng với chi tiết linh kiện sẽ được tập hợp tại nhà máy điện tử để lắp ráp thành phẩm. Quy trình này tương tự như quy trình của Apple nhưng khác một điều là Apple thuê cả gia công lẫn lắp ráp thành phẩm. Còn Bkav thì thực hiện cả khâu lắp ráp thành phẩm.
Để hoàn thiện chiếc Bphone, thì sẽ có khoảng 800 linh kiện cơ khí và điện tử được lắp ráp lại với nhau. Các linh kiện chính có thể kể đến là chip xử lý Snapdragon 801 của Qualcomm, RAM Sky Hynic 3GB LPDDR3, bộ nhớ flash eMMC 5.0 của Toshiba, màn hình 5 inch Full HD của Sharp, camera sau 13 Mpx cảm biến Omnivision, hai mặt kính cường lực Gorilla Glass...
Như vậy, với lời chia sẻ của Bkav thì có thể hiểu các linh kiện chính, quan trọng trên máy của Bphone đều được đặt mua từ các đối tác sản xuất linh kiện khác nhau và Bkav thực hiện việc tự lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam chứ không thuê đối tác sản xuất linh kiện thực hiện.
Hình ảnh bên trong nhà máy cơ khí của Bkav - Ảnh: Bkav
Hiện tại, đại đa số các hãng sản xuất smartphone mang thương hiệu Việt đều đặt mua linh kiện và nhờ đối tác đảm trách luôn phần lắp ráp sản phẩm. Cho nên, "ưu thế" của Bkav hiện nay có thể hiểu là đặt luôn "bếp nấu" tại sân nhà và chỉ đảm trách vai trò đi chợ chọn món linh kiện chính.
Lý giải cho việc chỉ bán sản phẩm Bphone qua mạng, Bkav cho biết mục tiêu lớn nhất của hãng khi phân phối sản phẩm qua mạng là để đưa tới tay khách hàng một sản phẩm đẳng cấp thực sự nhưng giá thành lại hợp lý vì cắt bớt được các chi phí trung gian.
Về nền tảng BOS được trang bị trên Bphone, Bkav cho biết phiên bản này được tùy biến từ bản Android 5.1 mới của Google, và hãng cũng đã thực hiện một số cam kết với Google khi áp dụng trên Bphone, khi vẫn phải giữ nguyên một số phần mềm như Google Play, Google Search... trên thiết bị.
Một số quy định với nhà sản xuất thiết bị Android
Các nhà sản xuất thiết bị không thể sử dụng thương hiệu Android của Google trừ khi Google chứng nhận rằng thiết bị của họ phù hợp với tài liệu quy định tính tương thích Android (ODD), với các hướng dẫn OEM phải tuân thủ khi sản xuất thiết bị chạy hệ điều hành Android.
Dưới đây là một số điểm nhấn trong quy định của Google dành cho các thiết bị chạy Android 5.0, phiên bản gốc của hệ điều hành BOS (Bkav Operating System) tùy biến trên Bphone.
1. Các thiết bị với màn hình khóa phải được hỗ trợ khả năng mã hóa toàn bộ ổ đĩa, và các thiết bị mới sẽ phải kích hoạt tính năng mã hóa theo mặc định.
2. Nếu muốn thay đổi giao diện, các OEM sẽ phải tuân thủ về quy định những thứ được hiển thị trên màn hình, cũng như các loại thông tin và màu giao diện làm việc.
3. Các thiết bị phải hỗ trợ theme Material Design của Android mà không được thay đổi bất kỳ thuộc tính theme khi tiếp xúc với các ứng dụng.
4. Nhà sản xuất OEM phải giữ biểu tượng trạng thái màu trắng trên thiết bị Android để duy trì những trải nghiệm cơ bản, thay vì những thanh trạng thái màu khác nhau.
Nhưng trước đó, thiết bị từ các đối tác OEM phải được trải qua bài kiểm tra Compatibility Test Suite, có chức năng kiểm tra sự kết hợp cả các API cài đặt trên thiết bị, độ bền của hệ thống khi tải nặng cũng như hiệu năng hệ thống khi làm việc với các tiêu chuẩn quy định, chẳng hạn số khung hình/giây.
Kiến Văn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.