Gian nan thu hồi rác thải điện tử

19/07/2015 13:28 GMT+7

(TNO) Theo thống kê của Viện Khoa học công nghệ môi trường, lượng rác điện tử đang ngày một tăng cao do sự phát triển của ngành này và số lượng hàng điện tử tiêu thụ tại VN ngày càng nhiều, từ điện thoại di động, máy tính, máy in, cho đến tivi.

(TNO) Theo thống kê của Viện Khoa học công nghệ môi trường, lượng rác điện tử đang ngày một tăng cao do sự phát triển của ngành này và số lượng hàng điện tử tiêu thụ tại VN ngày càng nhiều, từ điện thoại di động, máy tính, máy in, cho đến tivi. Những loại rác này sau đó được đốt hay đem tiêu hủy tại bãi rác mà ở đó những độc tố như thạch tín, thủy ngân, chì hay cadmium sẽ được thải vào không khí hay lẫn vào nguồn nước. Nếu cứ tiếp tục đà này, trong tương lai lượng rác điện tử sẽ nhiều hơn lượng rác thải nhập khẩu trái phép vào VN nhiều lần.
Tháo ráp linh kiện rác thải điện tử để tái chế tại chợ Nhật Tảo, TPHCM - Ảnh: Round Earth Media
Tháo ráp linh kiện rác thải điện tử để tái chế tại chợ Nhật Tảo, TP.HCM - Ảnh: Round Earth Media
Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, kể từ ngày 1.6.2016, các công ty sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi và xử lý rác thải từ những sản phẩm điện tử của mình. Theo đó, các công ty lớn như Apple, HP, Intel và Panasonic đã sáng lập chiến dịch Vietnam Recycles (Việt Nam tái chế), tài trợ việc thành lập các trung tâm chuyên tái chế an toàn những sản phẩm điện tử đã qua sử dụng. Tuy nhiên, theo thói quen, hầu hết người Việt vẫn ưa chuộng bán ve chai các đồ điện tử đã qua sử dụng. Các sản phẩm này sau đó sẽ được tân trang hoặc tháo ra để lấy linh kiện. Theo các chuyên gia, thói quen này gây ra nguy hiểm rất lớn cho những người tháo ráp linh kiện mà không có những biện pháp an toàn lao động cần thiết.
Anh Duy Phan, một người tiêu dùng, cho biết: “Ai cũng bán ve chai đồ điện tử đã sử dụng của mình. 5 hoặc 10 USD thu được cũng đáng kể”. Chính vì lẽ đó, các cơ sở xử lý rác điện tử của dự án Vietnam Cycles đang nằm trong tình trạng “trùm mền”. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này đã đưa ra một giải pháp tương đối đơn giản.
Tiến sĩ Lê Văn Khoa (khoa Môi trường thuộc Đại học Bách khoa, đồng tác giả của nghiên cứu mới nhất về thu gom rác thải điện tử tại TP.HCM) nói: “Để giúp các cơ sở thu gom rác thải điện tử chính thống có đủ tính cạnh tranh, nên chăng cần nghiên cứu mô hình đặt cọc - bồi hoàn khi người dân mua đồ điện tử. Ví dụ một người mua điện thoại di động sẽ được yêu cầu đặt cọc thêm một khoản. Người này sẽ được nhận lại khoản tiền này khi mang điện thoại của mình đến trung tâm tái chế. Cơ sở pháp lý để quản lý rác thải điện tử đã có sẵn. Sẽ mất thời gian để thực hiện, nhưng hi vọng giải pháp trên sẽ mang lại hiệu quả”.
Theo các chuyên gia, mặc dù mô hình thu mua ve chai các sản phẩm điện tử sẽ vẫn còn tồn tại trong tương lai dài, nhưng hình thức đặt cọc - bồi hoàn nói trên đã mang lại kết quả đáng kể ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, có cơ sở để tin tưởng Việt Nam cũng sẽ áp dụng mô hình này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.