Giấc mơ 83 triệu USD của ngành công nghiệp game Việt Nam

30/04/2006 20:28 GMT+7

Sự bùng nổ trò chơi trực tuyến (game online) tại Việt Nam trong năm 2005 được xem là "đột biến" khiến Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasa) đưa ngay game vào trong chiến lược phát triển của mình giai đoạn 2006-2010.

Hội thảo "Phát triển công nghiệp giải trí Việt Nam" diễn ra trung tuần tháng 4.2006 tại TP.HCM do Vinasa và Cơ quan Xúc tiến công nghệ thông tin Hàn Quốc (KIPA) tổ chức, một lần nữa lại xới lên vấn đề phát triển game, đặc biệt game online. Ông Myong You, Giám đốc phụ trách marketing của KIPA cho biết, đến quý 3/2005, game online của Hàn Quốc đã đạt tốc độ phát triển hơn 30% và mục tiêu đến năm 2007, Hàn Quốc sẽ là một trong ba quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và cung cấp dịch vụ game. Chỉ sau 5 năm phát triển, doanh thu từ công nghiệp game của Hàn Quốc đã vượt qua doanh thu từ công nghiệp điện ảnh - một lĩnh vực vốn được xem là mỏ vàng của nước này. Do đó, thị trường Việt Nam nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp (DN) nước này không phải là chuyện lạ.

Theo ước tính của Vinasa, mỗi người chơi game tại Việt Nam sẽ chi ra 4 USD/tháng/game (gần 50 USD/năm/game). Như vậy, nếu mỗi công ty kinh doanh ít nhất 1 game (dự kiến năm 2010, Việt Nam có 83 công ty) và mỗi game thu hút được 20.000 người chơi thì doanh thu sẽ là 1 triệu USD/game/năm. Trong số đó chỉ có khoảng 25% là game sản xuất trong nước, số còn lại là nhập khẩu.

Theo ước tính của Vinasa, hiện tại Việt Nam có 10 công ty kinh doanh game online và con số này sẽ tăng lên hơn 80 công ty vào năm 2010. Tham dự hội thảo, một số công ty cho biết thị trường game online ở Việt Nam có tiềm năng. Nhưng điều quan trọng là không phải ai cũng thành công. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí trực tuyến, sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) đang là chuyện nhức đầu nên số lượng người chơi cho mỗi game còn khá hạn chế (ví dụ khách hàng sử dụng internet của FPT khó khăn khi kết nối chơi game Võ lâm truyền kỳ của Vina Game, cũng như khách hàng của VDC sẽ khó khăn khi chơi MU...). Hơn nữa, vốn đầu tư để kinh doanh game rất lớn, khoảng vài triệu USD, chủ yếu để đầu tư hạ tầng viễn thông. Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Internet Viettel khu vực phía Nam cho rằng hành lang pháp lý của Việt Nam về game online chưa có, việc bảo vệ bản quyền chưa được tốt sẽ làm cho nhà đầu tư lo ngại. Ông Quách Đông Quang, Giám đốc phát triển kinh doanh của Asiasoft Việt Nam cũng cho rằng đừng có quá nhiều giấy phép và thủ tục vì sẽ làm nản lòng các nhà kinh doanh trong lĩnh vực này.

Một yếu tố được xem là khó khăn nhất nhưng chưa được đề cập rõ là nội dung của game. "Các công ty game vẫn đang loay hoay cạnh tranh với nhau nhưng không dám đưa nhiều game mới vào Việt Nam vì chưa tin chắc được vào sức hút của nó", giám đốc một DN nói. Dựa trên lợi thế sẵn có về hạ tầng mạng và khách hàng sử dụng internet của mình, Viettel có kế hoạch sẽ tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên, trái ngược với các đơn vị khác, Viettel khá thận trọng khi cho biết sẽ không tham gia sản xuất game vì điều đó còn quá nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhiều DN khác vẫn đang cân nhắc, thận trọng trước khi quyết định tham gia vào thị trường này là điều dễ hiểu. Và dự đoán ngành công nghiệp game Việt Nam sẽ đạt doanh thu 83 triệu USD vào năm 2010 theo một số công ty chỉ là "giấc mơ".

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.