Chặng đua mới của các “tiểu gia”

16/08/2011 15:27 GMT+7

Sau tuyên bố sẽ giành ngôi vị thứ tư của nhà mạng Beeline tháng 6 vừa qua, lại đến những dự đoán quanh việc Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom (Indochina Telecom) sắp sửa cung cấp dịch vụ… Có vẻ như, thị trường viễn thông di động Việt Nam sắp được chứng kiến cuộc đua mới giữa các nhà mạng nhỏ.

Cuộc “Thay tướng, mộ binh” rầm rộ

Cuộc “thay tướng” của Công ty cổ phần Viễn thông Di động Toàn cầu GTEL-Mobile (GTEL-Mobile) cách đây gần 2 tháng tốn không ít giấy mực của báo giới và những người quan tâm. Lý do dễ hiểu, đây không chỉ là việc luân chuyển nhân sự thông thường mà là động thái cho thấy quyết tâm thay đổi mạnh mẽ của Beeline.

Cùng với nguồn vốn được rót từ tập đoàn VimpelCom, việc bổ nhiệm ông Michael Cluzel vào vị trí Tổng giám đốc Beeline Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc khu vực Đông Dương (bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia) còn là sự bổ sung đặc biệt về kinh nghiệm thương trường bản địa. Ông Cluzel được GTEL-Mobile đánh giá khá cao bởi quá trình kinh doanh thành công tại thị trường viễn thông châu Á cũng như khả năng “xoay chuyển tình thế” từng được chứng thực tại vị trí tương tự trước đó.

Ngay sau lễ ra mắt, đại diện Beeline đã công bố một phần kế hoạch của nhà mạng này nhằm củng cố vị trí và phát triển thị phần tại thị trường Việt Nam. Theo đó, hai lĩnh vực được Beeline đặc biệt chú trọng là phát triển nhân lực và phát triển mạng lưới. Cụ thể, mục tiêu của Beeline là trong năm 2011 sẽ hoàn thiện 5.000 trạm phát sóng trên toàn quốc, mở rộng đại lý bán dịch vụ trên toàn quốc lên đến 50.000 điểm, xây thêm trung tâm chăm sóc khách hàng tại TP.HCM và Đà Nẵng, mở rộng tổng số nhân viên lên hơn 1.000 người… Để thực hiện các dự định này, Beeline nhận được khoản vốn cam kết lên tới 500 triệu USD (giải ngân theo lộ trình từ 2011 đến 2013) và tiềm lực hùng hậu của tập đoàn VimpelCom.

“Đấu pháp” mới vẫn là ẩn số

Trong buổi ra mắt, tân Tổng giám đốc Beeline từng đưa ra nhận định tổng quan về thị trường viễn thông Việt Nam cũng như một số định hướng chiến lược của Beeline trong nỗ lực mạnh mẽ khi “trở lại” với sự đầu tư mới. Theo ông Michael Cluzel, mục tiêu đầu tiên của Beeline là giành vị trí thứ 4 trên thị trường, chỉ sau 3 đại gia viễn thông của Việt Nam.

Khi được hỏi về định hướng kinh doanh trong lúc thị trường viễn thông dường như gần đạt tới điểm bão hòa về thuê bao, tân Tổng giám đốc Beeline cho rằng: “Thị trường bão hòa là thuật ngữ được dùng nhiều tại Việt Nam. Theo thống kê thì tỷ lệ dân số trên tỷ lệ thuê bao tới gần 200%. Tuy nhiên, tôi cho rằng con số người dùng thực thấp hơn rất nhiều con số đó và thị trường vẫn còn cơ hội cho những nhà mạng mới”.

Ông cũng cho rằng, thị trường hiện đang cạnh tranh nhưng chưa sáng tạo, cần có những yếu tố mới mẻ hơn để thu hút khách hàng. Ông Cluzel khẳng định, “giá rẻ” sẽ không còn là phương thức cạnh tranh của thương hiệu từng đưa ra gói cước Big Zero. “Chúng tôi sẽ cạnh tranh bằng cách tạo ra những chiến lược tiếp thị, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ thực sự phù hợp với nhu cầu của họ!”, ông Cluzel nói. Một vài ví dụ nhỏ đã được đưa ra, như dịch vụ nạp tiền điện tử (mobile banking) hoặc dịch vụ chuyển mạng giữ số… Tuy nhiên các bước đi dài hơi và chi tiết cụ thể hơn vẫn là “ẩn số”.

Tháng 8 này là thời điểm Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom (Indochina Telecom) chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là nhà mạng thứ 8 tại Việt Nam, ngoài 7 mạng đang hoạt động hiện nay là Viettel, VinaPhone, MobiFone, S-Fone, Vietnamobile, EVN Telecom và Beeline.

Giới quan sát cho rằng, với tham vọng này của Beeline cũng như những động thái gần đây trên thị trường viễn thông, các các nhà mạng khác (đặc biệt là các nhà mạng nhỏ) sẽ phải đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn để đối phó.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.