Bóc lột người lao động, Apple bị thanh tra

15/02/2012 09:23 GMT+7

Sau nhiều năm bị phàn nàn về vấn đề quyền lợi người lao động cùng hàng chục vụ công nhân tự tử tại Trung Quốc, Apple, hãng sản xuất hàng điện tử của Mỹ, đang phải đối mặt với một cuộc thanh tra liên quan đến bóc lột nhân công.

Liên tiếp bị tố bóc lột người lao động

Hàng ngàn công nhân tại các nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử cho Apple tại Trung Quốc đang có cơ hội được nói lên những bức xúc về điều kiện làm việc tại các nhà máy có dây chuyền sản xuất các sản phẩm iPad và iPhone của Apple. Lần đầu tiên, Apple đã phải chùn bước trước dư luận khi cho phép Hiệp hội Lao động công bằng (FLA) của Mỹ thanh tra độc lập các cơ sở sản xuất các sản phẩm của Apple tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái này chính là một sự thừa nhận của Apple về hệ thống giám sát các nhà cung cấp thiết bị điện tử do Apple lập ra đã thất bại trong việc kiểm tra và loại bỏ sự lạm dụng lao động. Hành động của Apple diễn ra sau khi các nhà hoạt động vì quyền lợi công nhân Trung Quốc liên tục chỉ trích Apple về giờ làm quá dài, điều kiện làm việc khắc nghiệt và an toàn cho người lao động không được đảm bảo đã khiến nhiều công nhân bị ức chế, tìm đến cái chết. Các nhà hoạt động cũng cảnh báo Apple rằng nếu tình hình không có chuyển biến trong thời gian tới, “trái táo” sẽ phải đối mặt với làn sóng tẩy chay sản phẩm từ người tiêu dùng Trung Quốc.

 
Một nhóm công nhân biểu tình phản đối Apple và Foxconn tại Hồng Công (Trung Quốc) năm 2011.

Đại diện của Apple cho hay các thanh tra viên của FLA đã bắt đầu công việc từ ngày 14-2 tại nhà máy sản xuất của Tập đoàn Foxconn (nơi đặt các dây chuyền sản xuất iPad) ở gần TP Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc. Năm 2010, 13 vụ tự tử hoặc tự tử bất thành đã xảy ra tại công ty này. Chính từ những sự vụ trên mà dư luận bắt đầu để mắt đến các nhà sản xuất như Apple. Một cơ sở sản xuất khác của Foxconn tại Thành Đô cũng sẽ bị điều tra trong vài ngày tới. FLA dự kiến sẽ công bố các kết quả điều tra đầu vào tháng tới. Apple cho biết các nhà cung cấp thiết bị cho hãng sẵn sàng hợp tác toàn diện với FLA và để cho công nhân trình bày ý kiến một cách thoải mái.

FLA được thành lập vào năm 1998 để giám sát các nhà máy trong ngành sản xuất dệt may với nỗ lực loại bỏ tình trạng bóc lột sức lao động của công nhân, sau khi có các phản đối từ dư luận và tẩy chay hàng hóa từ người tiêu dùng

Cần kiên quyết cải thiện điều kiện lao động

Dư luận Trung Quốc từng chỉ trích mạnh mẽ rằng “trái táo” đã xây dựng đế chế điện tử dựa trên sự bóc lột sức lao động các công nhân. Người lao động cho Apple chỉ được nhận 0,3 USD/giờ. Rất nhiều công nhân phàn nàn rằng một ca làm việc quá dài, đến 10 giờ/ngày; trong khi đó họ chỉ được phép nghỉ giải lao một lần trong ca làm việc. Do phải đứng làm việc lâu tại các dây chuyền sản xuất, chân của họ bị sưng phù. An toàn cho người lao động tại nhiều nhà máy không được đảm bảo.

Năm 2011, có 2 vụ nổ tại các nhà máy sản xuất sản phẩm của Apple, trong đó có một vụ bắt nguồn từ máy sử dụng để đánh bóng iPad phát ra tia lửa gây cháy nổ. Chính vì vậy, trong đợt thanh tra lần này, FLA sẽ tập trung hỏi các công nhân về các vấn đề chăm sóc sức khỏe, an toàn lao động, lương và giờ làm. Ngoài ra, FLA cũng kiểm tra gắt gao các khu vực sản xuất, khu ký túc xá cho công nhân và nhiều cơ sở vật chất khác.

Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, tuyên bố người lao động ở bất kỳ nơi nào đều có quyền sống trong môi trường làm việc công bằng, được thụ hưởng các điều kiện làm việc an toàn. Apple sẵn sàng để FLA tiến hành một hoạt động chưa từng có từ trước tới nay trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử. Tuy nhiên, Tổ chức theo dõi lao động của Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ việc làm của Apple.

Fan Yuan, một nhà hoạt động của tổ chức trên, nói: “Cái mà Apple cần giải quyết ngay đó là điều kiện làm việc tại các nhà máy ở Trung Quốc. Việc mời đoàn kiểm tra độc lập đến các nhà máy thanh tra không giải quyết được vấn đề. Đây chỉ là chiêu thức để Apple đánh bóng tên tuổi, xây dựng một hình ảnh tích cực đối với công chúng mà thôi”. Tuần trước, tổ chức này cũng đã viết thư ngỏ đến ông Cook yêu cầu Apple chấp nhận lợi nhuận thấp để các nhà cung cấp sản phẩm cho Apple có thể tăng lương, tuyển người làm nhiều hơn và tăng chi phí nâng cấp an toàn lao động cho công nhân.

Kể từ sau khi tiếp quản chức Giám đốc điều hành từ người tiền nhiệm Steve Jobs, ông Cook tiếp tục tập trung vào chiến lược sản xuất hàng hóa với chi phí thấp nhất. Đây là một trong các lý do đưa Apple lọt vào danh sách các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đạt mức lợi nhuận “khủng” nhất thế giới. Giá một cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ của Apple đạt mức giá lịch sử 500 USD trong ngày 13-2, phá vỡ kỷ lục 400 USD/cổ phiếu lập ra 7 tháng trước đó. Apple cũng là một trong các công ty có giá trị nhất trên thế giới với tổng trị giá ước tính vào khoảng 460 tỷ USD.

Tháng 7-2009, một nhân viên của Foxconn đã nhảy lầu sau khi để mất mẫu điện thoại iPhone. Hơn 2 năm qua, ít nhất 18 công nhân của công ty này đã tìm cách tự tử.

Năm 2010, 137 công nhân tại cơ sở sản xuất của nhà cung cấp thiết bị cho Apple Wintek tại Tô Châu bị thương sau khi bị yêu cầu sử dụng các loại hóa chất độc hại như n-hexane để tẩy sạch màn hình iPhone. Tháng 5-2011, 4 công nhân bị thiệt mạng và 18 người bị thương trong một vụ nổ tại nhà máy sản xuất của Foxconn tại Thành Đô, nơi sản xuất iPad.

Tháng 12-2011, 61 công nhân khác bị thương trong một vụ nổ tại công ty sản xuất phụ kiện máy tính Riteng ở Thượng Hải, nơi sản xuất mặt sau bằng nhôm của iPad 2. Các công nhân cho biết rất nhiều các ký túc xá của Foxconn, nơi có 70.000 công nhân cư trú, đang bị quá tải, với khoảng 20 công nhân bị ép phải ở trong một căn hộ 3 phòng.

Theo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.