Công bố đường dây nóng

14/04/2015 10:00 GMT+7

Việc công bố đường dây nóng của người đứng đầu các tỉnh hoặc đứng đầu các ngành là một tín hiệu tốt đối với người dân trong thời gian qua.

Việc công bố đường dây nóng của người đứng đầu các tỉnh hoặc đứng đầu các ngành là một tín hiệu tốt đối với người dân trong thời gian qua. Nó chứng tỏ rằng, những người đứng đầu ở các địa phương không thể dửng dưng trước nhu cầu bức thiết của người dân, họ muốn “nối mạng” với nhà chức trách mỗi khi gặp phải những cản ngại hoặc muốn đề đạt các ý kiến đóng góp mà không biết hỏi ai hoặc không thể “tự xử” được.

Gần đây ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng công bố email để kết nối thông tin giữa lãnh đạo địa phương với báo chí và cộng đồng xã hội. Tiếp theo, ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng công bố số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Rồi trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng công bố số điện thoại của một số lãnh đạo ngành giao thông để tiếp nhận ý kiến về các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn giao thông nhân dịp lễ 30.4.
Việc công bố đường dây nóng như thế đối với Khánh Hòa là hết sức cần thiết vì địa phương này là một trong 13 tỉnh từng bị Thủ tướng phê bình về công tác an toàn giao thông trong thời gian qua. Thế nhưng, điều đáng tiếc là, cái gọi là “đường dây nóng” ấy luôn luôn… nguội. Xin dẫn chứng: Ngay trên cổng thông tin UBND tỉnh Khánh Hòa, vào mục “Văn bản chỉ đạo điều hành” thì thấy toàn những văn bản cũ của tháng trước, còn những văn bản trong tuần, trong ngày thì không thấy đâu cả.
Trái lại, một số tỉnh như Ninh thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi thì thấy các địa phương này luôn công bố văn bản chỉ đạo trong ngày, hoặc chậm nhất là trong tuần để những người dân quan tâm theo dõi và góp ý với nhà chức trách hoặc với ngành hữu quan. Cũng qua những văn bản ấy, người dân sẽ biết được chính quyền đang triển khai vấn đề gì, có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ hay không.
Việc công bố công khai các văn bản hay cho số điện thoại của người lãnh đạo cũng có nghĩa là người dân được can dự vào các quyết định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. Vì thế người dân và báo chí cần được biết những thông tin cấp thiết và nóng hổi từ chính quyền. Ở đây không nói đến khía cạnh luật pháp rằng các địa phương có buộc phải công bố văn bản theo ngày hay theo tuần hoặc theo tháng hay không, mà chỉ nói đến thái độ cầu thị trong chuyện công bố.
Việc công bố đường dây nóng chỉ mang lại hiệu quả khi lãnh đạo xác định được mục đích của nó và thực sự muốn tiếp thu ý kiến của dân chứ không phải là chuyện làm theo phong trào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.