Công an vào cuộc vụ 'càn quét than bùn'

Thượng tá Trần Sỹ Quỳnh, Phó trưởng công an H.Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng càn quét than bùn ở khu Bàu Voi, xã Gia Tân 3 (H.Thống Nhất), Huyện ủy đã chỉ đạo công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Thượng tá Trần Sỹ Quỳnh, Phó trưởng công an H.Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng càn quét than bùn ở khu Bàu Voi, xã Gia Tân 3 (H.Thống Nhất), Huyện ủy đã chỉ đạo công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Khu vực lấy than bùn của Công ty Lê Sơn Thịnh vào sáng 14.4	 - Ảnh: H.T
Khu vực lấy than bùn của Công ty Lê Sơn Thịnh vào sáng 14.4 - Ảnh: H.T
Theo thượng tá Quỳnh, cơ quan công an sẽ điều tra luôn việc hủy hoại tài sản của người dân để mở đường vào khu vực mà Công ty Lê Sơn Thịnh (đóng tại TP.Biên Hòa) khai thác than bùn.
Côn đồ… mở đường
Bà Đặng Thị Thùy Trang (44 tuổi, ngụ ấp Tân Yên, xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) cho biết vào ngày 30.9.2014, nhân viên địa chính UBND xã Gia Tân 3 đến vận động hiến đất mở rộng con đường (đường mòn cũ khoảng 2,4 m) nhưng bà yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng. “Dù chưa nói gì đến việc bồi thường vậy mà ngay trong chiều 1.10.2014, một nhóm côn đồ kéo đến phá hàng rào chở đất đá đến để san lấp mặt bằng làm đường vào khu vực khai thác than bùn. Nhận được tin báo, 5 anh chị em chúng tôi kéo đến ngăn cản quyết liệt nên nhóm này kéo đi. Sáng sớm hôm sau (ngày 2.10) nhóm người này quay lại dùng cưa đốn hạ hàng loạt cây mít, xoan, lồng mức... rồi chất lên xe cơ giới chở đi. Khi chúng tôi đến nơi thì con đường gần như đã hoàn thành rộng hơn 4 m, kéo dài gần 200 m. Nói họ ngưng ngay việc làm đường thì một người trong nhóm thách thức đi thưa ra xã, ra huyện, ra tỉnh”, bà Trang kể lại.
Ông Đặng Tiên Quang (51 tuổi, anh ruột bà Trang) đã đứng đơn gửi cho Công an xã Gia Tân 3 và Công an H.Thống Nhất tố cáo hành vi hủy hoại tài sản của nhóm côn đồ. “Ngày 3.10, Công an xã Gia Tân 3 có đến hiện trường xác minh và mời anh Quang lên làm việc 2 lần rồi từ đó cho đến nay không có bất cứ động tĩnh gì. Thấy công an xã yên lặng, ngày 17.10.2014, anh tôi tiếp tục làm đơn tố cáo gửi lên Công an H.Thống Nhất và sau đó có điều tra viên về lấy lời khai, rồi đến nay cũng không kết luận gì cả”, bà Trang bức xúc.
Vì sao để kéo dài việc xử lý đơn thư tố cáo của người dân? Thượng tá Trần Sỹ Quỳnh cho rằng: “Do khi nhận đơn của người dân, công an xã không chuyển lên huyện nên cơ quan điều tra không kịp thời thu thập được chứng cứ hủy hoại tài sản. Chính vì thế giờ khó đánh giá hủy hoại bao nhiêu cây, kích thước ra sao. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng thu thập tài liệu lúc xảy ra để đưa lên Sở Tài chính định giá, có hướng xử lý hình sự vụ này”.
Trong khi đó, PV Thanh Niên liên lạc với ông Trần Đình Sơn, Trưởng công an xã Gia Tân 3, để tìm hiểu vấn đề thì vị này hẹn trả lời vào ngày 15.4.
Dọa đập máy ảnh của phóng viên
Trong vai những người đi tìm chỗ câu cá, sáng 14.4, chúng tôi quay trở lại “doanh trại” của khu vực khai thác than bùn của Công ty Lê Sơn Thịnh. Khu vực đào bới đã tạm ngưng nhưng ở bãi chứa vẫn tấp nập xe tải đến lấy than bùn đưa đi nơi khác. Cạnh đó, máy sấy vẫn ầm ĩ hoạt động. Trong lán trại, gần cả chục thanh niên ngồi tụ tập nói chuyện. Khi phát hiện chúng tôi ghi hình, một thanh niên hùng hổ chạy đến hô hào nhóm người trong lán trại ra bắt giữ chúng tôi. Khi nhóm người này không thực hiện theo mệnh lệnh, thì thanh niên này quay sang đòi kiểm tra giấy tờ tùy thân vì "tội" xâm nhập bất hợp pháp vào… dự án. Thấy tình hình căng thẳng, chúng tôi giả vờ nói đi lạc đường rồi rút lui.
Ra bên ngoài khoảng 200 m, khi thấy chiếc xe tải chở than bùn cuốn bụi mờ mịt, chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp hình thì bị một người nhảy xuống xe đòi “đập bể máy ảnh”. Chúng tôi giải thích khu vực này không cấm chụp ảnh cũng như chụp đường hư hỏng chứ không ghi hình chiếc xe thì gã tài xế mới lên xe bỏ đi.
Trong khi đó, trung tá Nguyễn Văn Lý, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy - Công an H.Thống Nhất, cho biết sau khi Báo Thanh Niên đăng bài phản ánh, đội đã cử ngay cán bộ đến hiện trường để kiểm tra sự việc. “Qua kiểm tra thực tế, nơi đây đã ngưng hoạt động, hầu hết trang thiết bị máy móc đã không còn và đã được vận chuyển đi nơi khác. Chúng tôi đang cho anh em phối hợp với Công an xã Gia Tân 3 tiếp tục theo dõi vấn đề này, nếu phát hiện tiếp tục khai thác sẽ xử lý nghiêm không bao che. Riêng phần than bùn đã móc lên trước đó thì cho vận chuyển ra khỏi khu vực”, trung tá Lý nói.
Vì sao tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp ?
Vào năm 2011, ông Nguyễn Chí Hùng (48 tuổi, ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) ký hợp đồng với bà Phạm Thị Hoa (69 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) thuê quyền sử dụng đất diện tích 34.466 m2 (kéo dài 10 năm) với số tiền 1,5 tỉ đồng (đã đưa trước 800 triệu đồng).
Trong khi đang làm thủ tục sử dụng đất thì năm 2014, ông Hùng phát hiện bà Hoa tiếp tục cho bên thứ 3 là Công ty Lê Sơn Thịnh thuê cùng diện tích đất nêu trên nên khởi kiện ra tòa yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trong lúc TAND H.Thống Nhất đang thụ lý thì ông Hùng phát hiện Công ty Lê Sơn Thịnh đưa máy móc vào khai thác than bùn nên gửi đơn yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên khẩn cấp.
Tuy nhiên, phía thẩm phán thụ lý vụ kiện yêu cầu nguyên đơn phải cung cấp chứng cứ. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng (người đại diện theo ủy quyền cho ông Hùng) thì yêu cầu này không sai luật. "Tuy nhiên, khi nguyên đơn chưa cung cấp được chứng cứ thì thẩm phán cũng có quyền xem xét, thẩm định tại chỗ để ra quyết định kê biên. Hơn nữa, hoàn cảnh hiện tại của ông Hùng rất khó vào được khu vực đang tranh chấp thì kiếm đâu ra chứng cứ để cung cấp cho tòa", ông Tùng nhận định.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.