Cơ chế tránh tiêu cực trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/04/2023 07:30 GMT+7

Dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi đã chỉnh lý nhiều điều, khoản nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư y tế, song nhiều đại biểu Quốc hội vẫn mong luật phải 'chặt chẽ, rõ và khả thi hơn'.

ĐỀ NGHỊ ĐỂ BỆNH VIỆN TỰ đấu thầu THUỐC, VẬT TƯ SỐ LƯỢNG LỚN

Ngày 5.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khai mạc hội nghị đại biểu (ĐB) QH chuyên trách cho ý kiến về một số dự án luật trước khi trình QH tại kỳ họp tháng 5 tới.

Góp ý dự án luật Đấu thầu sửa đổi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục QH Tạ Văn Hạ đề nghị xem xét quy định về đấu thầu mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế. Theo ông Hạ, việc các đơn vị đấu thầu mua sắm tập trung rồi cấp phát cho các bệnh viện (BV) dẫn đến tình trạng một số địa phương vì nhiều lý do chậm trễ trong đấu thầu khiến cả tỉnh không có thuốc.

Cơ chế tránh tiêu cực trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế - Ảnh 1.

Các bệnh viện cần có cơ chế giúp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế để cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân

DUY TÍNH

"Vừa rồi chúng tôi đi giám sát có những sở y tế chỉ có 2 anh phụ trách đấu thầu mua sắm thuốc thôi, cuối cùng anh ta ốm, hoặc có vấn đề gì đó thì thuốc cho các BV bị chậm trễ. Ở cấp bộ cũng vậy, khi bộ gặp vấn đề gì là việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư cho BV ách tắc. Trong khi có những thuốc rất cần, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân", ông Hạ nói.

ĐB Hạ cũng cho rằng hiện nay các BV đủ năng lực mua thuốc, vật tư, phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ sở, bộ đấu thầu, trình các ban, ngành. "Như vậy là bất cập. Tôi đề nghị riêng ngành y tế đặc thù nên cần xem xét quy định đấu thầu tập trung thế nào cho phù hợp", ông kiến nghị.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng việc đấu thầu mua sắm tập trung với thuốc, vật tư y tế dùng nhiều, phổ biến sẽ rất "cồng kềnh, mất thời gian và lãng phí". "Tôi từng gặp một giám đốc sở y tế quay quắt mấy tháng mà vẫn chưa tập trung đủ số lượng để đấu thầu mua sắm tập trung. Cùng là băng, gạc thôi nhưng tùy bệnh nhân, mục đích sử dụng lại có các loại khác nhau mà để tập hợp đủ số lượng để đấu thầu mua sắm tập trung thì cực kỳ tốn kém, tốn thời gian. Rồi nhiều khi mua sắm tập trung đúng tên nhưng chủng loại khác cũng không dùng được, thực tế phải bỏ", ông Trí nêu và đề nghị với thuốc, vật tư số lượng lớn nên quy định để BV tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung.

Tuy nhiên, ĐB Trí đề nghị với những thuốc, vật tư y tế số lượng ít, thuốc hiếm lại nên đấu thầu tập trung. Theo ông, khi số lượng quá ít mà từng đơn vị BV mua thì "không ai bán cả". Bên cạnh đó, việc một số loại thuốc hiếm cũng cần được đấu thầu mua sắm tập trung để phục vụ cho bệnh nhân tất cả các BV, giảm tải cho tuyến trên, đồng thời hạn chế được tiêu cực cho cả người mua lẫn bệnh nhân.

QUY ĐỊNH RÕ, CHẶT CHẼ, KHẢ THI ĐỂ KHÔNG LÚNG TÚNG, BỊ SAI

Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra) Nguyễn Hữu Toàn cho biết cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý nhiều điều, khoản tại dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.

Cụ thể, điều 23 cho phép áp dụng chỉ định thầu với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay. Cùng với đó, điều 28 quy định cho phép đàm phán giá với các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 - 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác…

Góp ý với các quy định này, ĐB Lê Văn Khảm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội QH, kiến nghị bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu là bác sĩ chỉ định thuốc, vật tư y tế điều trị nhưng cơ sở không có hoặc không mua được. Bên cạnh đó, ĐB Khảm cũng kiến nghị QH nghiên cứu cho đàm phán giá với thiết bị, vật tư y tế thay vì chỉ đàm phán với thuốc biệt dược hoặc thuốc có 1 - 2 nhà sản xuất.

ĐB Khảm phân tích thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn như máy xạ trị, nội soi, can thiệp tim mạch, siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm miễn dịch… thường chỉ có 1 - 2 nhà sản xuất. Tương tự, vật tư y tế sử dụng trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh. Do đó, cần phải đàm phán để mua sắm với giá tốt nhất. "Điều này có lợi cho cả bệnh nhân và cho Quỹ bảo hiểm y tế. Bởi vì chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám chữa bệnh và chi phí khám chữa bệnh", ĐB Khảm nêu.

Khẳng định việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế là khó, dễ sai sót, hay bị lợi dụng, tiêu cực, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị QH xem xét quy định chặt chẽ, rõ và khả thi. "Nếu được, mong ban soạn thảo quy định dễ hiểu, đặc biệt là về giá để khi áp dụng vào thực tiễn không bị lúng túng, bị sai", ông Trí kiến nghị.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhìn nhận tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, ĐB Tạo đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế

Ngày 5.4, Sở Y tế TP.HCM giao ban các bệnh viện (BV) có thực hiện các kỹ thuật về tim mạch sau hơn 3 tuần triển khai Nghị quyết 30/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định 07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Báo cáo với Sở Y tế, đại diện các BV cho biết đang gặp một số khó khăn nhất định như không có nhà thầu báo giá trang thiết bị y tế, một số mặt hàng không có nhà thầu tham dự. Một số BV đang khan hiếm thuốc hen suyễn dạng xịt, thuốc albumin, thuốc gamma globulin… Các vấn đề vật tư, trang thiết bị y tế, thiếu thuốc của các BV đã được Sở Y tế hướng dẫn mua sắm, tháo gỡ. TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề nghị các BV phải đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị y tế để cấp cứu và khám chữa bệnh.

Liên quan vấn đề trên, Sở Y tế TP.HCM vừa báo cáo Bộ Y tế tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2023 và Nghị định 07/2023. Theo Sở Y tế, tại điểm 7, khoản 18, điều 1, Nghị định 07/2023 quy định: không bắt buộc áp dụng quy định "không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán" đối với những gói thầu đã mở thầu trước ngày 1.4.2022. Với quy định này thì các gói thầu sau ngày 1.4.2022 đến trước ngày 3.3.2023 (ngày có hiệu lực của Nghị định 07/2023) thì thực hiện theo văn bản, quy định nào?

Bên cạnh đó, về xác định giá các gói thầu mua sắm phụ kiện, linh kiện thay thế cho trang thiết bị y tế và các gói thầu phi tư vấn như bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế thì có được áp dụng theo khoản 3, Nghị quyết 30/2023 hay không? Vì hiện nay, các đơn vị chưa thực hiện xác định giá 2 gói thầu trên (phụ kiện, linh kiện) theo Nghị quyết 30/2023, do Nghị định 98/2021 của Chính phủ quy định phụ kiện không phải là trang thiết bị y tế. Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, sớm có hướng dẫn thực hiện các nội dung trên để các đơn vị khẩn trương đảm bảo trang thiết bị y tế trong công tác khám chữa bệnh.

Dự kiến trong tuần sau, Sở Y tế TP.HCM sẽ sơ kết sau 1 tháng thực hiện Nghị quyết 30/2023 và Nghị định 07/2023 của Chính phủ.

Duy Tính



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.