Cô ấy là Minh Tâm

Song Thu
(Đồng Tháp)
12/08/2023 07:00 GMT+7

Cô gái dáng người cao ráo, mặc chiếc áo phông đỏ có logo trái tim trước ngực. Cô đứng ở sân trường, giờ chào cờ của học sinh, cười tươi nói sẽ kể cho các em nghe về cách mà mình vượt qua nghịch cảnh; và đặc biệt là thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm. Cô là Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên Trường THPT Thiên Hộ Dương, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Có em học sinh đứng lên hỏi cô, cô có biết không, hôm nay em đi học nhưng biết đâu ngày mai em sẽ nghỉ, vì gia đình em nghèo quá. Cô được đi học, vậy là cô hạnh phúc rồi! Giọng nói em nửa hờn tủi, nửa hậm hực.

Cô Tâm lặng người đi trong giây phút, rồi cô mỉm cười với em. Lặng lẽ, cô bước từ sân trường lên hành lang dãy phòng học. Cô ngồi xuống, duỗi thẳng chân rồi vén tà váy. Đôi tay cô chầm chậm tháo chốt gài và từ từ cầm chiếc chân giả của mình giơ lên. Các em học sinh vỡ òa xúc động. Em học sinh khi nãy lấy tay che mặt và quay đi. Rồi chỉ có một chân, cô nhảy lò cò xuống sân trường, đứng đó chia sẻ câu chuyện của mình.

Cô ấy là Minh Tâm - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm

Lau khô nước mắt để ánh nhìn trong veo

Cô Tâm tốt nghiệp đại học ngành sư phạm năm 2008, được phân công dạy học ở trường cấp ba Tân Thành, H.Tân Hồng, một trường biên giới tỉnh Đồng Tháp. Hồi đó, vùng biên còn nghèo khó lắm, các em thường bỏ học. Giáo viên phải làm nhiệm vụ đến nhà thuyết phục học sinh và cha mẹ các em để họ đồng ý cho con tiếp tục đến trường. Trong một lần đi như vậy, một chiếc xe tải mất phanh, tuột dốc cầu đã kéo lê chân trái của cô một đoạn dài. Tâm tỉnh dậy trong bệnh viện, một chân trống trải, đau xé tâm can.

Cô ấy là Minh Tâm - Ảnh 3.

Cô ấy là Minh Tâm - Ảnh 4.

Hành trình lan tỏa lòng tử tế của cô Minh Tâm

Tác giả cung cấp

Đêm. Trang nhật ký đẫm nước mắt. Cái chân hành hạ buốt tận xương tủy. Người bạn trai tưởng gắn bó nhìn cô ái ngại, anh ta lặng lẽ rời đi sau khi cô ở bệnh viện về không lâu. Nỗi tuyệt vọng đôi lúc như sóng triều sẵn sàng dìm cô gái trẻ xuống đáy sông. May mắn, Tâm còn người mẹ yêu thương, an ủi, còn những người bạn tốt sẻ chia. Nước mắt chảy thì không khó, nhưng lau khô nước mắt để ánh mắt trong veo nhìn cuộc đời là điều không dễ.

Cô là Nguyễn Thị Minh Tâm, cô là một người khuyết tật, cô làm được rất nhiều việc, và các em cũng vậy, cô tin các em cũng làm được rất nhiều việc. Hãy tự tin vào mình, các em nhe!.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm

Cô tập làm quen với nạng, chân giả, vì mất khớp gối, chân giả phải lồng vô mỏm cụt rất đau, nhiều lần cô bị té ngã. Nhìn mẹ quay ngang giấu nước mắt, Tâm quyết định "đứng lên". Cô xin đi dạy lại, rồi sức khỏe ổn định hơn, cô đăng ký học cao học.

Khi đau, rất dễ tủi thân, tưởng rằng trên thế giới này chỉ có mình là khổ nhất. Nhưng rồi, qua đau khổ ta mới biết sức chịu đựng thật ra khá hơn mình tưởng. Bước ngoặt đến với cô khi gặp gỡ và tham gia nhóm của những người khuyết tật. "Trời ơi!", Tâm kêu lên khi nhắc lại giai đoạn đó. "Rất nhiều người còn bị nặng hơn em, thậm chí bị cắt hết hai chân, hai tay và còn rất nhiều bệnh khác nữa". Vậy là Tâm đã có nhiều chuyến đi đến nhà, đến các bệnh viện để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vết thương, an ủi, động viên tinh thần cho những người bạn mới này. Nước mắt những bạn bè khuyết tật cùng rơi và sự tự tin, lòng ham sống, ham hoạt động thiện nguyện trỗi dậy mạnh mẽ trong cô.

Thế là, cô thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm vào năm 2015, do cô làm trưởng nhóm, lấy tên của chính cô, với biểu tượng hình trái tim thể hiện sự đồng cảm một lòng.

Kết nối những tấm lòng

Tôi đã từng có dịp cùng đồng hành với cô Tâm từ những ngày đầu làm thiện nguyện. Tôi không thể nào quên hình ảnh cô ngồi sau xe của em học sinh, tay ôm chiếc chân giả gác trên yên xe, đi hết huyện này đến huyện khác để kết nối những tấm lòng.

Ban đầu, cô Tâm tổ chức cho các em học sinh trong nhóm bán hoa hồng gây quỹ. Có được những đồng lời đầu tiên, cô rất mừng. Cô bắt đầu chia sẻ việc thiện nguyện của nhóm trên mạng xã hội, chia sẻ với đồng nghiệp, người quen và nhận được phản hồi tốt. Tiền ủng hộ cô và các thành viên tìm đến hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Khi là em học sinh chuẩn bị bỏ học vì cha bệnh, cụ già neo đơn cần gạo ăn, khi thì anh thanh niên bị tai nạn xe cần thêm tiền đi tái khám. Rồi nhóm đến các bệnh viện, góp tiền, cùng các cô chú ở bếp ăn tình thương nấu những suất ăn nóng hổi tặng bệnh nhân và người nhà…

Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm ban đầu có 3 người, dần dần 10, rồi 15 người. Ngoài ra còn rất nhiều bạn tình nguyện viên là học sinh, sinh viên đồng lòng hỗ trợ, hàng ngàn phần quà đã được nhóm trao đến các hoàn cảnh khó khăn.

Tâm nghĩ có những trường hợp đặc biệt cần nhiều tiền chữa bệnh, sinh viên cần chi phí học hành thì phải vận động có địa chỉ. Với chiếc xe ba bánh, cô đã tìm đến tận các gia đình khó khăn, tìm hiểu gia cảnh và chia sẻ. Nhiều lần cô bật khóc khi nhận được sự quan tâm của bà con gần xa.

Nhớ nhất là trong những đợt dịch bệnh Covid, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư năm 2021, Đồng Tháp bị ảnh hưởng nặng nề, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Cô giáo Minh Tâm đã kết nối thực hiện rất nhiều hoạt động thiện nguyện. Nông sản khó tiêu thụ, Cô kết hợp với Thành đoàn Cao Lãnh tổ chức hàng chục chuyến hành trình "Nghĩa tình trong gian khó" với 200 tấn nông sản được thu mua. Biết các gia đình neo đơn sẽ rất khổ giai đoạn giãn cách, cô phối hợp với hội phụ nữ đi tặng gạo, mì, thức ăn, rồi vận động để cùng có chi phí nấu cơm tặng chiến sĩ trực chốt, đến biên giới tặng quà các chiến sĩ biên phòng. Gần 500 triệu đồng của bà con gửi gắm đã được cô Tâm chuyển hết trong mùa dịch.

Năm 2023 này, sau nhiều trăn trở, cô Tâm đã quyết định cùng nhóm chuyển sang vận động tài trợ học bổng, ươm mầm cho các em hiếu học. Mấy tháng trời tìm hiểu hoàn cảnh các em ở nhiều địa phương trong tỉnh, rồi kết nối các cô bác, anh chị hảo tâm, nhóm đã vận động được 21 phần học bổng, mỗi phần 5 triệu đồng trao các em chuẩn bị cho năm học mới. Niềm vui tràn trong ánh mắt cả người cho và nhận, cô Tâm lặng đi vì xúc động khi thấy có em học sinh run run nhận quà, hay người mẹ lén quệt nước mắt nắm tay con mình, bàn tay nhỏ bé lại được tiếp tục cầm bút thay vì phải đi làm sớm.

Hơn 13 năm bị tai nạn, khoảng gần 10 năm cô Tâm làm công tác thiện nguyện, hàng trăm chuyến đi đến nhiều nơi để thăm hỏi, tặng quà. Hơn 4,5 tỉ đồng cộng đồng giúp, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã trao yêu thương cho người còn khốn khó.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh Tâm được vinh danh ở nhiều lĩnh vực, giáo viên dạy giỏi, rồi thanh niên tiên tiến, phụ nữ ấn tượng…. Gặp Tâm, với nụ cười tươi, cô cho biết mỗi ngày mình đều tự tạo niềm vui cho chính bản thân mình. Nếu mình không thương mình, cứ chiều theo sự yếu đuối của mình thì rất dễ gục ngã. Tôi chợt nghĩ, dù vầng trăng khuyết nhưng ánh sáng vẫn đủ để soi đường cho cô cống hiến sức mình cho cuộc đời này. Hàng trăm bạn trẻ, nhà hảo tâm đã đồng hành cùng cô cho thấy sức lan tỏa của việc tử tế.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ hình ảnh của cô khi đi nói chuyện với học sinh ở 30 điểm trường trong tỉnh dịp hè 2023: Cô là Nguyễn Thị Minh Tâm, cô là một người khuyết tật, cô làm được rất nhiều việc, và các em cũng vậy, cô tin các em cũng làm được rất nhiều việc. Hãy tự tin vào mình, các em nhe!.

Cuộc đời thật đẹp, thật ấm khi có những người như cô. Cô ấy chính là Minh Tâm.

Cô ấy là Minh Tâm - Ảnh 6.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.