Chuyện vui đùa trẻ dại sao lại xé ra to?

07/07/2016 07:27 GMT+7

Một cái clip nghịch ngợm đùa vui tếu táo về kỳ thi THPT liệu có đáng để một vị giám đốc Sở phải gửi công văn yêu cầu công an vào cuộc?

Không đến mức phải nhờ đến công an
Tôi đã xem đi xem lại nhiều lần cái clip của các em học sinh ở Huế làm để vui cười với nhau về chuyện thi cử thời học trò, tôi không tìm thấy lý do nào, vi phạm pháp luật nào mà lại phải vời đến các cán bộ điều tra thuộc lực lượng công an cả. Hay là do trong clip có nhân vật nói tục chửi thề, nhưng cái đó thuộc đạo đức, văn hóa, không ai đi điều tra người nói tục cả.
Một từ rất hot gần đây là “động cơ gì?”, chia sẻ lên mạng xã hội với động cơ gì, làm từ thiện với động cơ gì? … “Động cơ gì” đang là cái được biện minh cho những việc săm soi vào hành động của mỗi người. Trong các bài báo, giám đốc Sở đã nói về chuyện yêu cầu công an điều tra động cơ của nhóm bạn làm clip. Tôi nghĩ, động cơ là để trào phúng vui cười với nhau, chẳng lẽ bây giờ chúng ta vui cười cũng không dám, cũng không được.
Đến tận giờ này tôi vẫn không hiểu “động cơ” của ông giám đốc Sở khi nhờ công an điều tra một cái clip vui đùa vô thưởng vô phạt là để làm gì, có lẽ cũng có rất nhiều người không hiểu được điều đó giống như tôi.
Ai trong chúng ta cũng từng trải qua thời học sinh nghịch ngợm, dưới lăng kính tuổi trẻ có góc nhìn khác, diễn đạt khác. Người lớn đem cái suy nghĩ phải theo khuôn khổ, phải đúng chuẩn mực thì e rằng chưa được chuẩn xác, mà người lớn dùng đến cơ quan hành pháp để áp đặt những điều đó thì lại càng không nên.
Đừng làm thui chột sự tự do sáng tạo
Có câu nói rằng, “người có khiếu hài hước chắc chắn là rất thông minh”, sự tự do sáng tạo là thứ kiến tạo nên cả thế giới kỳ vĩ này. Những câu nói vui về chuyện thi cử được thể hiện trong clip đều là những câu nói có từ rất lâu, học sinh nói chuyện cười đùa với nhau hằng ngày. Có chăng làm video với những nhân vật, những tình huống là cụ thể hóa những câu nói, khiến nó sinh động hơn, vui hơn. Đấy chính là sự năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người trẻ. Nếu có sai, có chệch hướng thì người lớn góp ý, khuyên nhủ, động viên, uốn nắn, sao lại đe dọa bằng pháp luật khi không có sự vi phạm pháp luật nào.
Những clip diễu nhại, trào phúng, châm phiếm xã hội như thế này có rất nhiều trên internet, youtube, facebook … Nếu cứ thấy chuyện vui đùa là lại nhờ đến công an vào cuộc thì chắc có lẽ lực lượng hành pháp phải bỏ hết việc khác để đi điều tra “động cơ gây cười” của từng cái video của các blogger.
Đến tận giờ này tôi vẫn không hiểu “động cơ” của ông giám đốc Sở khi nhờ công an điều tra một cái clip vui đùa vô thưởng vô phạt là để làm gì, có lẽ cũng có rất nhiều người không hiểu được điều đó giống tôi. Kỳ thi THPT đâu phải là an ninh quốc phòng, đâu phải thuần phong mỹ tục, đâu phải là không được nói đến, hoặc chỉ đơn giản là vui đùa chuyện học trò đi thi. Từ bao giờ chúng ta lại sợ nhắc đến những hạn chế trong giáo dục, nếu sợ, là chúng ta đã thua, thua đến cả những thế hệ sau.
Chuyện vui đùa của trẻ nhỏ, nhưng lại bị xé ra to, chuyện chẳng có gì nhưng lại dễ mang đến những hệ lụy tiềm tàng, khi mà việc yêu cầu điều tra lại được thực hiện không theo một quy chuẩn nào cả. Thiết nghĩ, người lớn nên cười ha hả khi thấy trẻ con vui đùa như thế, nếu nói đúng thì nghe, thấy sai thì dạy, đâu cần phải nóng giận làm quá. Oai nghiêm không đến từ sự áp đặt chuyên chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.