Chuyện ở xã vùng biên có tới 409 giáo viên

Khánh Hoan
Khánh Hoan
18/11/2022 08:45 GMT+7

Tam Quang, một xã vùng núi ở H.Tương Dương, Nghệ An hiện có 409 giáo viên, trong đó có 311 người đang giảng dạy, 98 người đã nghỉ hưu, chưa kể hàng chục giáo viên đã chuyển đi nơi khác sinh sống, giảng dạy.

Điều gì đã khiến con người ở vùng đất gian khó này vượt khổ để đi theo nghiệp trồng người?

Ra ngõ gặp giáo viên

Đứng đầu trong danh sách 7 bản, làng của Tam Quang có số lượng giáo viên (GV) nhiều nhất xã là làng Mỏ với 108 GV, làng Nhùng đứng nhì với 76 GV, bản Khe Bố 70 GV, bản Bãi Sở 46 và ít nhất là bản Tam Bông cũng có tới 26 người đang đứng trên bục giảng.

Tôi tìm đến nhà trưởng làng Mỏ nằm bên thượng nguồn sông Lam. Ông Lê Văn Vỹ (56 tuổi) là xóm trưởng, nhưng được gọi là trưởng làng. Ông Vỹ tự hào nói làng Mỏ hiện có 181 hộ dân nhưng có đến 108 GV đang công tác, và hàng chục GV đã nghỉ hưu, chưa kể khoảng vài chục GV sinh ra ở làng này đã chuyển đi và đang giảng dạy ở nơi khác. Ông Vỹ nắm rất rõ con số vì ông vừa cập nhật lại bảng thống kê số lượng GV để chuẩn bị cho lễ gặp mặt ngày Nhà giáo VN năm nay. “Đây là điều khiến chúng tôi rất tự hào. Theo truyền thống của làng, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo VN, làng lại tổ chức gặp mặt để chúc mừng và tri ân các GV của làng”, ông Vỹ nói.

Làng Mỏ có 181 nóc nhà, nhưng có đến 108 người làm nghề giáo đang công tác và hàng chục GV đã nghỉ hưu

K.HOAN

Cái tên làng Mỏ ra đời từ năm 1985, khi ngôi làng này chính thức thành lập với 50 hộ dân ban đầu, hầu hết đều là cán bộ và công nhân mỏ than Khe Bố có quê quán từ các huyện miền xuôi của Nghệ An. Dù nó là đơn vị hành chính cấp thôn, xóm nhưng cái tên làng Mỏ đã ăn sâu đến mức nó được đặc cách để gọi tên trong các văn bản chính thức của xã này để thay cho xóm. Ông Vỹ quê ở H.Nam Đàn, lên vùng đất Tam Quang này từ năm 1986 làm công nhân mỏ rồi cưới vợ. Vợ ông là GV. Hai con của vợ chồng ông không theo nghiệp của mẹ, nhưng ở làng này, rất nhiều gia đình có truyền thống về nghề giáo. Dẫn tôi đến nhà ông Phan Văn Đạt ở cách đó chừng vài trăm mét, ông Vỹ giới thiệu đây là gia đình có 5 người con gái và 1 người con rể đều là GV. Ở làng này, có nhiều gia đình như thế.

Vợ chồng ông Đạt quê ở H.Đô Lương (Nghệ An), đến mỏ than Khe Bố từ năm 1983 để làm cán bộ kỹ thuật mỏ. Vợ chồng ông sinh được 5 cô con gái, cả 5 đều theo học sư phạm. Ông Đạt kể, hồi đó lương cán bộ, công nhân mỏ thấp nên cuộc sống rất khó khăn. Ngoài làm mỏ, các gia đình ở đây đều phải phát rẫy trồng lúa theo kiểu của đồng bào Thái, ra sông đãi vàng, bắt cá để cải thiện thêm bữa ăn. “Khổ quá, nên chúng tôi phải khuyên con cái học. Học tìm lấy cái nghề để không còn phải chui vào hầm lò như mình”, ông Đạt nói.

Con gái đầu của vợ chồng ông Đạt sinh năm 1973, học hết phổ thông thì thi và học ngành quản lý ruộng đất. Học xong, thấy vùng miền núi Nghệ An đang rất thiếu GV nên ông đã chuyển hướng cho con đi học tiếp trường sư phạm, rồi về dạy học. Những năm trước năm 2000, sự học ở xã vùng biên này vô cùng gian khó. “Học tiểu học và THCS, từ làng này phải đi đò qua sông Lam để đến trường. Lên THPT phải vượt 35 km để đến trường huyện học. Để thành GV, phải vượt 150 km xuống tỉnh, lúc đó đón xe khách từ sáng sớm, xe chạy đến chập tối mới đến nơi. Thời điểm có 3 đứa cùng lúc đang học sư phạm dưới tỉnh, vợ chồng tôi hoa cả mắt vì phải xoay xở kiếm tiền cho con”, ông Đạt kể. Nhưng vợ chồng ông và 5 người con đều vượt qua gian khó để học và trở thành những GV dạy tiểu học, THCS và THPT.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Hoàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Quang 1

Ở Tam Quang, đi học để làm GV đã trở thành truyền thống từ hàng chục năm qua. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước. Có thời điểm, sinh viên sư phạm ra trường khó tìm việc đã khiến nhiều gia đình phải để con cái lựa chọn nghề khác. Nhưng khi thuận lợi trở lại, thế hệ trẻ ở xã vùng núi này lại tiếp tục nối gót bố mẹ.

Bố mẹ thầy giáo Nguyễn Hồng Hoàn (ngụ làng Mỏ) đều là thợ mỏ, từ H.Nam Đàn lên Khe Bố năm 1960. Họ có 6 người con thì có 5 người theo nghiệp GV, 3 con dâu cũng là nhà giáo. 4 cháu ngoại cũng thế, 2 người đang dạy ở Tương Dương, 2 người đang dạy và sinh sống ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Con trai của vợ chồng thầy Hoàn cũng đang theo học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Cô Trần Thị Thiên, Hiệu phó Trường tiểu học Tam Quang 1, sinh ra ở làng Mỏ. Năm 1993, học xong THPT, cô Thiên đi học ngành cơ điện ở Hải Dương. Đang học dở dang thì bố cô gọi về, bắt chuyển sang trường sư phạm. “Ở đây có nhiều người cũng chuyển trường như tôi. Chưa kể, có nhiều người học xong THPT, làm công nhân mỏ một thời gian, thấy vất vả quá thì về ôn thi vào các trường để theo nghề sư phạm”, cô Thiên kể. Nhà cô Thiên có 8 anh chị em thì có 4 người theo nghề giáo, 3 người là dâu và rể cũng làm nghề trồng người.

Một lớp học ở Tam Quang

Lên non gieo chữ

Tốt nghiệp ngành sư phạm, năm 1993, thầy giáo Nguyễn Hồng Hoàn được điều động từ xã Tam Quang đến xã Luân Mai (H.Tương Dương) để dạy tiểu học. Ngôi trường nằm tít trong rừng sâu, cạnh sông Nậm Nơn, một nhánh thượng nguồn của sông Lam. Từ nhà đến trường phải mất 4 ngày đi qua 3 chặng: xe khách, đi bộ và đi xuồng ngược sông. Điểm trường chính chỉ có 3 GV và hiệu trưởng, hiệu phó nên các thầy cô ở đây phải dạy 2 ca mỗi ngày. Nhưng lương GV mới ra trường hồi đó chưa bằng nửa lương của công nhân thợ mỏ. Mỗi năm học, thầy Hoàn chỉ về nhà 2 lần vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ hè.

4 năm sau, thầy Hoàn được chuyển đến trường gần nhà hơn và không còn phải đi xuồng, nhưng từ nhà cũng phải đi bộ mất một ngày mới đến được trường. Thầy Hoàn gặp và cưới vợ, một GV cùng trường. Sau gần 30 năm dạy xa nhà, năm 2021, thầy Hoàn mới được chuyển về gần nhà với chức vụ hiệu trưởng. Với diện tích của một đơn vị hành chính cấp huyện lớn nhất VN (hơn 2.800 km2, gấp hơn 3 lần tỉnh Bắc Ninh), địa hình cách trở sông núi, Tương Dương là huyện rất gian khó đối với GV. Không chỉ thầy Hoàn, nhiều GV ở Tam Quang cũng phải trải qua nhiều năm cắm bản ở các xã vùng sâu, sau đó mới được quay về dạy ở gần nhà.

Tam Quang là xã biên giới, nhưng chế độ vùng biên của GV bị cắt từ năm 2019. Đồng lương ít ỏi của nghề giáo khiến cuộc sống của những người thầy vùng cao này vẫn còn rất chật vật. Tuy nhiên, điều mà họ luôn cảm thấy hạnh phúc là đã chấp nhận và vượt qua gian khó để gieo chữ và mang được tri thức đến với học sinh ở những vùng sâu.

Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho biết xã có 4 trường học gồm 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS với gần 150 GV, đều là công dân của xã. Đây có lẽ là điều đặc biệt nhất khó có nơi nào có. Tam Quang có hơn 8.000 dân, trong đó 70% là người dân tộc Thái. Xã về đích nông thôn mới năm 2017, là xã thứ hai của huyện cán được đích. Nhờ quan tâm đến sự học nên Tam Quang trở thành xã hình mẫu về xây dựng đời sống văn hóa ở các bản, làng. Dù chưa sánh được với nhiều nơi khác, nhưng đời sống của nhiều người dân Tam Quang cũng an nhàn hơn khi số lượng người hưởng lương hưu của cán bộ, công nhân mỏ và GV hiện nay là gần 500 người với khoảng 22 tỉ đồng mỗi năm.

H.Tương Dương hiện có 1.400 GV thuộc công dân của huyện và nhiều địa phương khác đang giảng dạy ở các trường học thuộc 17 xã, thị của huyện, nhưng riêng xã Tam Quang đã đóng góp 311 GV đang công tác. Xã này hiện có 22 người đang là hiệu trưởng và hiệu phó các trường học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.