Chuyện những người thợ dệt

25/04/2006 22:04 GMT+7

Tay se lõi cói, tay quay máy sợi, miệng tủm tỉm cười nói dăm ba câu chuyện hài hước. Đó là cuộc sống hằng ngày của nhiều chị em ở các xí nghiệp nhỏ thuộc huyện Nga Sơn - Thanh Hóa.

Dù rằng họ chỉ quanh quẩn với những công việc đơn giản, chỉ tiếp xúc với đay cói thường xuyên; nhưng với họ mỗi ngày là một niềm vui khi tự tay mình miệt mài hoàn thành sản phẩm; đặc biệt hơn họ là những người phục dựng, giữ gìn linh hồn của làng nghề chỉ với ý nghĩ giản dị: "Nhờ nó mới có công việc ổn định, góp phần nâng cao cuộc sống...".

Thổi hồn cho chiếu

Khác với nhiều nghề truyền thống khác, nghề dệt chiếu chủ yếu gồm chị em phụ nữ và đều là người trong làng. Và đây là những xí nghiệp được mở ra để thu hút những lao động trẻ có ý định đi làm ăn xa. Khắp các con đường, ngõ hẻm đầu thôn cuối xã đều thấp thoáng những xí nghiệp nhỏ, từ của Nhà nước cho đến tư nhân đều mở cửa kinh doanh chiếu cói. Chính nét văn hóa này mà chiếu Nga Sơn được lan truyền rằng bền, tốt và đẹp nhất: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng", câu nói khẳng định rõ ràng thương hiệu. Ngọc Oanh, một cô thợ dệt ở lứa tuổi 18 nói hồn nhiên: "Tính em ham đi đây đi đó, nhưng khi về học nghề chiếu ở quê em như bị một thỏi nam châm hút vào, thấy đam mê nghề và gắn bó với nó lắm...".

Từ khi các làng nghề truyền thống được hồi sinh cả về quy mô sản xuất lẫn chất lượng sản phẩm, các cơ sở thu hút khá đông nữ lao động trẻ. Làng nghề trồng đay, dệt chiếu không chỉ là một nét văn hóa nữa mà đã trở thành niềm tự hào giúp ổn định cuộc sống của con người nơi đây. Nga Sơn là vùng đất được bao bọc bởi núi, các vùng bờ ao đa phần là nước lợ nên thích hợp với trồng đay và cói. Nhờ đó, các thành phần lao động địa phương dần dà đều tự "chuyển mình" sang nghề làm chiếu. Theo lời chị Tú - một công nhân dệt chiếu lâu năm thì: "Nghề này vất vả lắm, ngày nào cũng tiếp xúc với máy quay, may se cói, tất cả các khâu đều làm thủ công tay chân hết. Bởi chiếu mà làm bằng máy thì chỉ đều thôi chứ không đẹp và bền như làm bằng tay được. Vì thế, chị em ở đây dù vất vả mấy cũng đảm bảo chất lượng cho sản phẩm".

 

Mấy năm trước đây, đầu ra trên thị trường xuất khẩu chiếu còn khó khăn nên dẫn đến nhiều lao động rời quê, nhưng từ khi có sự kết hợp của chính quyền và các cơ sở dệt thì chiếu Nga Sơn ngày càng có thị trường ổn định hơn trước, đặc biệt là mẫu mã có nhiều sáng tạo với hình ảnh mới lạ, phong phú hơn. Hồng Tươi, một nữ lao động trẻ sinh năm 1988 cười... tươi như cái tên: "Cả nhà em ai cũng làm nghề dệt chiếu. Ngay khi em 13 tuổi, bố mẹ đã khuyến khích theo nghề. Với bọn em thì cũng đơn giản thôi, chỉ cần hết lòng chú ý nhìn là mình có thể nắm bắt được cái "hồn" của chiếu. Nhưng với người lạ đến chơi thì dù họ có cố học mãi cũng không được (?!). Cho nên bọn em coi đó là cái "duyên" gắn bó người làng với nghề dệt chiếu truyền thống...". Vừa trò chuyện, Tươi vừa xòe đôi bàn tay đầy chất màu riêng của đay cói cho mọi người xem. Quả thật, dệt chiếu tuy không phải là cái gì đó mới lạ nhưng đòi hỏi sự kiên trì và cả tình yêu thương của người tạo ra sản phẩm.

Tình yêu đối với làng nghề

Cũng như Oanh, Tươi, Nguyệt là cô bé vừa mới tròn 18 tuổi nhưng sự chững chạc cũng như hiểu biết về nghề mới thật đáng nể! Cứ nói chuyện về chiếu, cói, đay... về nguồn gốc cũng như cách thức dệt là Nguyệt như mê man bất tận, say sưa kể: "Em làm ở xí nghiệp gần 2 năm rồi, tuy em chỉ làm khâu se lõi cói nhưng nếu chuyển qua dệt chiếu em vẫn có thể làm được. Những lúc rảnh, em cũng thường tự mình làm, chỉ khi được nằm trên chiếc chiếu do tự tay mình dệt lấy mới cảm nhận được hơi thở của nó và ý thức được tình yêu mình dành cho nghề". Theo Nguyệt, chiếu làm từ đay, cói có rất nhiều loại; nhưng cơ bản vẫn là 3 loại chính: chiếu trám, chiếu trắng và chiếu in (đây là loại chiếu in màu, sau khi dập chiếu xong thì dùng dụng cụ in màu hình Long Phụng hay bất cứ hình ảnh nào người mua thích).

Con đường ra bờ đê trồng cói cũng khá gần với các cơ sở sản xuất, cho nên mỗi khi tấm chiếu nào dệt xong là được đem ra đó phơi nắng, tránh ẩm mốc. Chiếu dệt bằng tay và mỗi khâu dệt đều song song hai người làm: một người giữ bàn go bằng gỗ để dập sợi cói vào, còn người kia luồn cói, thỉnh thoảng thì nối lại sợi đay khi bị đứt. Thanh Hồng nhanh nhảu nói: "Mỗi người dệt 5 đến 7 tấm chiếu trong một ngày. Nếu ai chăm chỉ và quen tay nhanh hơn thì có người làm đến 10 tấm. Muốn cho chiếu đẹp và bền thì phải dập bàn go cho thật mạnh, như thế mới không sợ tưa chiếu và bị thưa sau 1 thời gian ngắn sử dụng. Riêng những cuộn cói đẹp thì làm chiếu để xuất khẩu, còn cói xấu thì chỉ làm thảm mà thôi, công đoạn làm thảm rất dễ và nhanh. Song nếu lựa chọn giữa làm chiếu hoặc làm thảm, thì em chỉ xin học cách dệt chiếu mà thôi!".

Những buổi chiều ra về bàn tay cô nào cũng dính đầy cói lẫn màu chiếu, thế mà ai cũng vui vẻ vì được dính đầy người cái "hồn" của làng quê. "Con gái quê ở đây đi làm về mà sạch quá thì không được nên càng chăm chỉ, dính chút bụi của công việc thì mới... xinh xắn và đáng yêu! Có lẽ vì thế mà các bạn đều chân tay lấm lem hết...", Nguyệt lém lỉnh khi cô ra về với những sợi cói vướng người. Công việc khá vất vả và đôi khi cũng... buồn vì phần lớn là đồng giới với nhau, nhưng đó lại tình yêu của mỗi cô nàng dệt chiếu ở Nga Sơn. Họ sống và thở cùng chiếu.

Châu Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.