Chuyện người đóng thế Stalin

12/04/2008 22:58 GMT+7

Sau nhiều năm im lặng, mới đây, người đóng thế nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã tiếp cận với báo giới và tiết lộ một số thông tin về nhiệm vụ bí mật của mình.

Sự thận trọng có thừa

Hơn 55 năm trôi qua kể từ ngày Joseph Stalin tạ thế (3.1953 - 3.2008), các nhà sử học vẫn đi tìm câu trả lời: Người đứng đầu nhà nước Xô Viết có sử dụng người đóng thế hay không? Theo đồn đại thì Stalin có vài người đóng thế, nhưng nếu có thì đó là ai và cuộc sống của những người đó như thế nào? Mới đây, phóng viên của Báo Sự Thật Thanh Niên (Nga) đã có cơ hội tiếp cận với một người đóng thế Stalin. Người này sống tại Moscow và chưa bao giờ tiết lộ vai trò làm người đóng thế Stalin của mình. Trước khi thực thi nhiệm vụ nguy hiểm này, ông ta buộc phải ký với Ủy ban An ninh Liên Xô (KGB) một văn bản có đóng dấu “tuyệt mật” và đã im lặng suốt hơn 50 năm qua.

Người đóng thế là Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Phelix Dadaev. Sau này khi lập gia đình, ngay cả với người thân, Phelix Dadaev cũng không một lời nào nói về vai trò bí mật chứa chất đầy rẫy những hiểm nguy của mình. Ông im lặng để bảo toàn cuộc sống cho mình. Đến trước năm 1996, khi mà người ta cho phép tiếp cận hồ sơ lưu trữ của Dadaev, thì chỉ có một vài người ở KGB biết về vai trò đóng thế của ông. Giờ đây thì trong tiểu sử của vị thiếu tướng, anh hùng lao động, giáo sư viện sĩ này đã được bổ sung thêm quãng đời mà ông “tự nguyện dấn thân”.


Phelix Dadaev khoe tấm ảnh mình đóng thế Stalin và bìa cuốn sách Những người lính thế kỷ 20 - Ảnh: ITAR-TASS & RIA-Novosti
Trong tập 2 biên niên sử Những người lính thế kỷ 20 của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn viết về Dadaev: “Có một điểm đặc biệt trong tiểu sử của Phelix Dadaev: Vào năm 1996, chúng ta mới chính thức được biết rằng trong một thời gian dài các phim tài liệu quay về Stalin thực ra là do ông đảm nhiệm vai trò đóng thế vị đại nguyên soái. Điều này chắc chắn là có sự đồng ý của Stalin. Có ngoại hình cực giống Stalin, Dadaev đọc diễn văn và bắt chước giọng nói của ông ta...”.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã được phép công bố sự thật, Dadaev cũng không mong muốn đề cập đến nhiệm vụ của mình. Ông không muốn trả lời phỏng vấn báo chí. Trong một bài thơ ông đã viết: “Lại lần nữa tôi nếm trải điều này, rằng tôi vẫn còn sống sót”. Sự thận trọng đã ăn vào trong máu của ông.

“Chết” để làm nhiệm vụ đặc biệt

Phelix Dadaev sinh năm 1923 tại một vùng núi ở nước Cộng hòa Dagestan (thuộc Liên Xô trước đây và Nga ngày nay). Từ nhỏ Dadaev đã say mê các điệu nhảy và từng học ballet, vì thế khi gia đình chuyển đến Ukraine, chàng trai trẻ liền gia nhập vũ đoàn Lezgynka. Đến năm 1939 thì Dadaev được nhận vào làm ở Nhà hát ca múa nhạc Ukraine. Trong Thế chiến II, Dadaev phục vụ tại đoàn văn công sư đoàn 132. Trong thời gian này, từng có lúc ông làm nhiệm vụ của một tình báo viên. Tuy nhiên, đến năm 1942 thì Dadaev bị thương. Ông nhớ  lại: “Người ta mang đến trạm quân y 7 cái xác, nhưng trong số đó có 2 người còn sống và tôi là một trong 2 người đó”. Tuy nhiên, sau đó gia đình Dadaev đã nhận được giấy báo tử từ chính quyền và mọi người đều nghĩ rằng ông đã chết. Riêng với lực lượng bảo vệ thì từ đây Dadaev sẽ sống một cuộc sống khác, tất cả chỉ là vì ông quá giống Stalin. Đến năm 1943, các nhân viên an ninh bí mật bố trí một chuyến máy bay riêng để đưa Dadaev về Moscow, họ đưa ông đến một căn biệt thự nằm trong một khu hẻo lánh ở ngoại ô thành phố. Tại đây, Dadaev được nuôi dưỡng rất tốt và sau đó họ thông báo về nhiệm vụ đặc biệt của ông.


Phelix Dadaev hiện nay và người thân - Ảnh: ITAR-TASS & RIA-Novosti
Để sắm vai Stalin, Dadaev phải ăn nhiều để tăng thêm 11 kg. Người ta may quần áo giống như của Stalin cho ông mặc và sau đó cho phép ông sử dụng trang phục của Stalin. Tuy khi đó Stalin đã ngoài 60 tuổi, còn Dadaev thì còn khá trẻ, nhưng trải qua cuộc sống khổ nhọc nên trông ông già hơn tuổi thật của mình. 

Nghệ thuật hóa trang khi đó còn khá đơn giản, Dadaev phải tự trang điểm cho lớp da trở nên như rám nắng. Ông lấy chiếc lược chải tóc có bọc các lưỡi thép ở răng lược để đâm vào mặt mình nhằm tạo gương mặt rỗ giống Stalin. Để đào tạo Dadaev, trong vòng mấy tháng liền người ta liên tục cho ông xem phim tư liệu về Stalin, rồi tập cách biểu lộ gương mặt, nhái giọng nói, bắt chước dáng đi... Chiều cao giữa hai người không khác nhau là mấy (Stalin cao 1,72m, còn Dadaev cao 1,70m). Duy chỉ có tai là có sự khác biệt: Dái tai của Stalin dô ra, vành tai hơi dựng lên, còn dái tai của Dadaev lại khá vuông vức. Nhưng bằng biện pháp nghiệp vụ, các chuyên gia cũng chỉnh sửa cho chúng khá giống nhau.

Những vai diễn hoàn hảo 

Sau khi đã được huấn luyện thành thạo, Dadaev được sử dụng để đóng thế Stalin trong những tình huống cần thiết, gây sự chú ý đối với công chúng. Chẳng hạn, ông ngồi trên xe và đi ra khỏi Điện Kremlin (trong khi đó Stalin lại đi bằng cổng sau). Việc này khá đơn giản, nhưng sau đó là những công đoạn phức tạp hơn, như đóng giả Stalin đứng trên lễ đài dự mít-tinh hoặc duyệt binh.

Vào năm 1945, Dadaev từng đóng giả Stalin đứng trên khán đài ở lăng Lenin tại Quảng trường Đỏ để dự cuộc diễu binh nhân Ngày thể thao. Khi các vận động viên diễu hành qua khu vực lăng Lenin, họ giơ tay vẫy chào người đóng thế mà vẫn tin đó là Stalin thật. Trong khi đó, Stalin thật thì lại đang ở nơi nào đó tại Moscow. Sự kiện này được quay thành phim tài liệu, dài 7 phút và nhiều lần được phát trên truyền hình mà không ai nghi ngờ đó không phải là Stalin. Đoạn phim hiện vẫn được cất tại Kho lưu trữ phim tài liệu quốc gia. Đây cũng chính là lần sát hạch đầu tiên đối với Dadaev. Qua sự kiện này, người ta kiểm tra xem người đóng thế có đủ tự tin và bình tĩnh khi đối mặt với đám đông hay không. Cuốn phim tài liệu khi ấy cho thấy Dadaev hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng chính vì thế, sau này có lúc ông còn được sắm vai Stalin để đọc diễn văn tại một vài hội nghị, thậm chí còn tiếp một số đoàn đại biểu, hoặc đến nhà hát lớn để xem một buổi biểu diễn.

Một trong những lần mà Dadaev nhớ nhất là lần ông đóng vai Stalin lên đường dự hội nghị Tehran - 43. Ông kể lại: “Lúc ấy người ta dự định sẽ có hai chuyến bay đến Tehran. Trong đó có một chuyến “đánh lạc hướng” mà tôi sẽ đóng giả Stalin. Tôi được các nhân viên bảo vệ đón ra xe và đưa ra sân bay nhằm thu hút sự chú ý của tình báo nước ngoài. Những tưởng sẽ được lên máy bay, nhưng khi ra đến sân bay thì họ lại đưa tôi trở về, bởi Stalin thật khi ấy đã ở Tehran”. Cũng cần nói thêm rằng, tại Tehran - 43, phía Liên Xô cho dù chuẩn bị khá kỹ lưỡng các phương án bảo vệ Stalin, nhưng tại đó ông cũng bị ám sát hụt. Sau sự kiện này, có 7 quan chức thuộc KGB đã bị kỷ luật nặng.

Giờ đây, Phelix Dadaev đã bước vào tuổi 85, ông sống yên vui cùng gia đình và dường như không muốn nhớ về quá khứ lừng lẫy của mình. Có lẽ ông muốn quên đi cuộc sống thứ hai - một cuộc sống mang lại cho ông nhiều lo âu phiền muộn hơn là niềm vui, hạnh phúc.  

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.