Chuyển đổi số trong các phong trào sinh viên

20/12/2023 08:00 GMT+7

Tại các tổ thảo luận trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ XI, nhiều đại biểu cho rằng cần chuyển đổi số trong các phong trào sinh viên để mang lại giá trị mới và hiệu quả hơn.

Áp dụng công nghệ để gìn giữ văn hóa truyền thống

Chia sẻ tại tổ thảo luận về "Sinh viên (SV) tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng" các đại biểu (ĐB) cho rằng hoạt động tình nguyện cần ứng dụng công nghệ số phù hợp với SV. Theo ĐB Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Trường ĐH Hàng Hải, Hải Phòng), đối với SV còn bận việc học tập, nên Hội cần áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện để đa dạng hóa phương thức tổ chức và tận dụng ưu thế của SV trong việc nhanh nhạy về công nghệ.

Chuyển đổi số trong các phong trào sinh viên - Ảnh 1.

Các ĐB thảo luận tại tổ về “SV tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”

NGỌC THẮNG

Nhiều bạn trẻ cũng mong muốn tổ chức các hoạt động tình nguyện trực tuyến để thuận lợi cho SV tham gia. ĐB Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, cho rằng cần áp dụng công nghệ số trong hoạt động tình nguyện như: khuyến khích SV tham gia xây dựng trang web, ứng dụng điện thoại kết nối với nhau. Đặc biệt, Vân cho biết các bạn trẻ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý, sức khỏe tinh thần. Do đó cần tổ chức các hoạt động, chương trình cải thiện tâm lý cho các bạn trẻ vượt qua áp lực học tập, cuộc sống.

ĐB Nguyễn Phúc Đức, SV Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), cho biết hoạt động tình nguyện đã giúp những bạn khuyết tật và yếu thế trong xã hội được thể hiện bản thân. Từ đó các bạn có thể hòa đồng hơn, tự tin hơn, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Tại tổ thảo luận với chủ đề "SV giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc", các ĐB đã đề xuất giải pháp trong công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc, góp phần giúp SV tiếp cận và yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhiều ý kiến đã đề xuất phải có một kênh thông tin chính thống để giới trẻ, SV tìm hiểu về văn hóa của dân tộc VN. Từ đó có thể phát huy các kiến thức về văn hóa, cội nguồn của dân tộc đến mọi thế hệ, vươn ra thế giới. ĐB Trần Thị Quỳnh Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên VN Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đất nước VN có 54 dân tộc nhưng hiện nay những thông tin các dân tộc rất hạn chế và khó tìm trên mạng, nếu có, chỉ là những thông tin chung, thậm chí chưa được kiểm chứng. Để giúp SV tìm hiểu kỹ về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, Quỳnh Anh đề xuất cần áp dụng chuyển đổi số để tạo ra những kênh thông tin có đầy đủ nội dung này.

ĐB Nguyễn Đặng Hoàng Trọng, Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng trang thông tin về văn hóa không chỉ chứa đựng những thông tin, văn bản mà còn phải có những video, hình ảnh để các SV tại VN hay những người đang sinh sống tại nước ngoài có thể hình dung rõ hơn về những truyền thống, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Với chủ đề "SV tiên phong trong chuyển đổi số", nhiều ĐB kiến nghị cần phải nâng cao nhận thức cho SV, hội viên về chuyển đổi số, vai trò của chuyển đổi số đối với kết quả thực hiện phong trào, chương trình của Hội Sinh viên các cấp.

Theo ĐB Võ Duy Kha, Chủ tịch Hội Sinh viên VN tỉnh Phú Yên, muốn chuyển đổi số thành công, trước tiên các SV phải tiên phong về chuyển đổi số ở địa phương, đó là biết cách sử dụng các ứng dụng (app), giới thiệu người dân về chuyển đổi số. ĐB Kha đề xuất: "T.Ư Hội Sinh viên VN có thể tích hợp, kết nối vào app Sinh viên VN để tìm kiếm việc làm cho SV. Những đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đang cần trình độ, vị trí việc làm nào, các bạn có thể lên đó để tìm việc".

Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả một số giải pháp chuyển đổi số trong công tác Hội và phong trào SV, ĐB Phạm Bích Ngọc, Trường ĐH Hàng Hải VN, bày tỏ: "Muốn chuyển đổi số cần chuyển đổi về nhận thức trước. Mỗi cán bộ hội viên, SV cần nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của chuyển đổi số. Hiện các trường đều có trang web của hội sinh viên, nhưng chưa được nhiều SV biết đến, chúng ta phải xem lại cách tuyên truyền đã phù hợp với SV, với gen Z hay chưa. Tại sao chúng ta không học cách xây dựng nội dung số trên các fanpage, số hóa các cuộc thi, số hóa các hoạt động tuyên truyền dễ dàng thu hút SV tham gia".

Bên cạnh tích hợp thông tin về việc làm, ĐB Phạm Bích Ngọc đề xuất, app Sinh viên VN có thể tích hợp thêm các trò chơi, mang lại giá trị giải trí cho SV. Bên cạnh đó, T.Ư Hội Sinh viên VN có thể đơn giản hóa quản lý văn kiện thông qua mô hình quản lý hồ sơ một cửa. Thay vì gửi công văn giấy tờ bằng văn bản, có thể gửi qua đường lên cổng thông tin một cửa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.