Chuyện của những người trẻ theo nghề làm đẹp

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
18/08/2023 07:00 GMT+7

Hiện nay nhu cầu làm đẹp ngày càng phổ biến, từ đó các nghề liên quan đến tạo hình thẩm mỹ được nhiều người trẻ quan tâm vì cơ hội nghề nghiệp rộng mở, có được thu nhập "khủng". Tuy nhiên, để theo đuổi ngành này có phải dễ dàng?

Hành trình trở thành bác sĩ tạo hình thẩm mỹ

Bác sĩ Dương Đình Long (28 tuổi), tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2019, đang học chuyên khoa 1 (CK1) chuyên ngành phẫu thuật tạo hình - tái tạo và thẩm mỹ của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: "Nhiều người nghĩ bên ngành của mình đang học chỉ mỗi thẩm mỹ, làm đẹp. Nhưng bên mình cũng có mảng tạo hình, giúp đỡ những bệnh nhân bị khiếm khuyết một phần nào đó trên cơ thể. Mình chọn ngành tạo hình thẩm mỹ là vì muốn giúp những người có hoàn cảnh như trên loại bỏ được những khiếm khuyết trên cơ thể, không còn tự ti, giúp họ có thể hòa nhập được với cuộc sống xung quanh".

Chuyện của những người trẻ theo nghề làm đẹp - Ảnh 1.

Bác sĩ Huy thực hiện phẫu tích trong quá trình học

Đồng quan điểm, bác sĩ Phan Đức Huy (27 tuổi), đang học CK1 chuyên ngành ngoại khoa tại một bệnh viện công ở TP.HCM, chia sẻ: "Ngành tạo hình thẩm mỹ không phải chỉ ở mảng làm đẹp mà còn chữa trị bệnh tật như bao chuyên ngành khác, có thể kể đến như các bệnh nhân bị ung thư da ở vùng mặt phải cắt bỏ đi một lượng lớn diện tích da. Và tất nhiên lúc này phải cần đến các bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ".

Có niềm đam mê với ngoại khoa và cái đẹp nên sau khi tốt nghiệp y đa khoa tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Huỳnh Minh Hải Sơn (26 tuổi), tiếp tục theo học lớp chứng chỉ hành nghề ngoại khoa.

"Hiện tại mình tập trung theo học 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề ngoại khoa, sau đó sẽ tham gia khóa học khoảng 8 tháng ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Và tiếp đó sẽ đi làm 12 tháng để xác nhận thâm niên và đăng ký theo học khóa CK1 tạo hình thẩm mỹ trong 2 năm là mình sẽ đủ điều kiện để xin cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình. Đến lúc đó thì mình mới chính thức trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ", bác sĩ Sơn chia sẻ.

PGS-TS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết phải mất ít nhất 11 năm một bác sĩ mới được cấp giấy phép hoạt động, và có thể đứng mổ cho bệnh nhân ở một phòng khám hay bệnh viện.

"Có một thực trạng hiện nay là nhiều người học chỉ để lấy cái bằng, sau đó đi tiêm filler, botox, sử dụng chỉ căng da mặt… học tạo hình thẩm mỹ nhưng sử dụng các chất liệu nội khoa thẩm mỹ để phục vụ cho lợi ích bản thân. Nếu có đức, có tài, kinh nghiệm sâu dày, được học hỏi từ những người thầy có chuyên môn thì chắc chắn bạn sẽ có cơ hội tốt", PGS-TS Đỗ Quang Hùng nhắn nhủ.

Chuyện của những người trẻ theo nghề làm đẹp - Ảnh 2.

Bác sĩ Trương Văn Tài thực hiện một ca hút mỡ bụng cho bệnh nhân thừa cân

NVCC

ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU KHÓ KHĂN

Bác sĩ Trương Văn Tài, công tác tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết: "Khi thực hiện các ca phẫu thuật, phải bật chế độ tập trung 100%. Theo lời dạy của một người thầy thì để biết mổ chỉ cần 5 năm, mổ giỏi là 10 năm, nhưng biết từ chối ca mổ phải mất 15 năm. Một bác sĩ thẩm mỹ cứng nghề phải biết đánh giá tình hình sức khỏe, chọn lọc bệnh nhân, lường trước được những rủi ro, điều quan trọng nhất là sinh mệnh của họ".

Còn đối với bác sĩ Dương Đình Long, phần gây khó khăn nhất trong quá trình học tạo hình thẩm mỹ là vi phẫu, vì việc bóc tách vạt da cần sự tỉ mỉ rất cao, khi nối mạch máu cũng rất khó, phải dùng kính hiển vi để khâu nối. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần sự chăm sóc hậu phẫu rất cao.

Bác sĩ Tài cho rằng nếu nắm vững kiến thức về vi phẫu thì khi học tạo hình thẩm mỹ là một lợi thế lớn: "Trong quá trình học sẽ được đào tạo thẩm mỹ toàn diện các bộ phận trên cơ thể từ đầu đến chân và chỉnh sửa các biến dạng của cơ thể mắc phải hoặc bẩm sinh. Khó khăn nhất là sửa chữa các biến dạng như sứt môi, hở hàm ếch, hô, móm… hoặc các biến dạng mắc phải do biến chứng phẫu thuật. Quá trình sửa chữa rất phức tạp đòi hỏi bác sĩ sẽ phải có kinh nghiệm và tay nghề cao".

Một trong những khó khăn mà những người trẻ đam mê theo học chuyên ngành liên quan đến phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cũng phải đối mặt, đó chính là kinh phí.

"Sau khi tốt nghiệp đại học y khoa 6 năm với chi phí 10 - 14 triệu đồng/năm (thời điểm học phí khối ngành sức khỏe chưa tăng - PV) sẽ có bằng y đa khoa, sau đó bác sĩ vừa mới ra trường sẽ học 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề với học phí 54 triệu đồng (3 triệu đồng/tháng). Tiếp tục tham gia học lớp sơ bộ thẩm mỹ 8 tháng với mức học phí khoảng 55 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp các lớp trên thì cần làm việc tại đơn vị thẩm mỹ 12 tháng để lấy thâm niên và xin khoa cho phép đi thi CK1, nếu đỗ mức học phí dự kiến phải đóng là 55 triệu đồng/năm và sẽ học trong 2 năm", bác sĩ Sơn kể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.