Chương trình ngữ văn mới có mất 'chất văn'?

09/09/2023 09:21 GMT+7

Sau một năm môn ngữ văn lớp 10 được đưa vào giảng dạy cuốn chiếu theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên đưa ra những nhận xét khác nhau, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng 'cảm thấy mất... chất văn'. Vì sao như vậy? Làm sao để không mất 'chất văn' khi dạy chương trình ngữ văn mới?

Mất "chất văn" do giáo viên ít có cơ hội truyền cảm hứng

Thầy N.V.C, dạy ngữ văn tại một trường THPT ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nhận xét: "Thay đổi lớn của chương trình mới là lấy học trò làm trung tâm, giáo viên chủ yếu giao việc cho học sinh. Cùng với đó, mỗi bài học được dạy rập khuôn theo các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Nếu cứ trung thành với cách dạy này, lâu dần môn ngữ văn sẽ trở nên khô cứng, máy móc, thiếu lửa, thiếu đi 'chất văn' từ giáo viên truyền cảm hứng đến cho học sinh".

Làm sao để không mất 'chất văn' khi dạy chương trình ngữ văn mới? - Ảnh 1.

Năm nay chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 tiếp tục triển khai cho lớp 10, 11 ở cấp THPT

ĐÀO NGỌC THẠCH

Giáo án mới yêu cầu người dạy phải tuân thủ theo 4 bước hoạt động (khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng), theo đó thầy chủ yếu "giao việc" cho trò. 

Nếu giáo viên cứ dạy theo kế hoạch bài dạy này thì không còn thời gian để truyền "chất văn" cho học sinh. Hơn nữa, định hướng của bài học cũng có giới hạn theo yêu cầu cần đạt vì vậy, những tâm đắc, những cảm nhận sâu sắc, những cái hay cái đẹp của tác phẩm... giáo viên ít có cơ hội được dạy.

Ai đã học văn trước đây chắc đã từng trải nghiệm có những tiết học mà lớp học im phăng phắc, còn thầy cô thì "độc diễn". Thế nhưng, có cả một thế giới hình ảnh, cảm xúc mở ra trong đầu, trong tim học trò. Những giảng viên đại học nổi tiếng cũng truyền đạt đến sinh viên theo cách như thế. Đồng ý rằng, cách dạy học ấy trong bối cảnh ngày nay ít còn phù hợp, nhưng không thể từ bỏ hoàn toàn đối với việc dạy học văn.

Cần sự chủ động của người dạy

Để không mất "chất văn" khi dạy chương trình ngữ văn mới cần đến sự chủ động của giáo viên và sự "cởi trói" của tổ bộ môn. Người dạy không nên quá máy móc, lệ thuộc hoàn toàn vào giáo án, tổ bộ môn cũng không quá cứng nhắc khi dự giờ đánh giá. 

Giáo viên không nên áp dụng rập khuôn 4 kỹ năng  vào tất cả bài học vì như thế dễ khiến học sinh cảm thấy nhàm chám, đơn điệu. 

Trong buổi bồi dưỡng giáo viên hồi tháng 8.2022, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thành viên biên soạn bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo) cũng đã nêu quan điểm: "Dù sách giáo khoa chương trình mới được soạn theo trục chính 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết nhưng thầy cô không nên cứng nhắc. Có bài học chú trọng kỹ năng này mà giảm nhẹ kỹ năng kia và ngược lại". 

Thực tế cho thấy, đối với các bài học (trong sách ngữ văn 10 bộ Chân trời sáng tạo), các kỹ năng này có sự liên kết với nhau từ thao tác đọc đến viết và nói cùng đồng dạng văn bản. Do đó, nếu giáo viên biết kết hợp các tiết thì sẽ giúp việc dạy và học trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực.

Làm sao để không mất 'chất văn' khi dạy chương trình ngữ văn mới? - Ảnh 2.

Một giờ dạy học môn ngữ văn lớp 10 theo chương trình mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bên cạnh đó, để có "chất văn" cho tiết dạy, cần đến sự mềm dẻo, linh hoạt từ giáo viên. Giáo viên không hoàn toàn sa đà vào thuyết giảng một chiều nhưng cần có khoảng thời gian "vàng" để truyền "lửa" cho học trò. 

Tiến sĩ  Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 11 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), từng nhấn mạnh: "Khi gặp câu thơ hay, hình ảnh đẹp, chi tiết độc đáo, phép tu từ sáng tạo..., giáo viên cần biết dừng lại để bình giảng sâu kỹ, nhằm lột tả hết cái hay cái đẹp của văn chương". Chỉ khi ấy thì môn văn mới thật sự hết khô cứng, người dạy và người học văn mới cảm thấy hết đơn điệu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.