Tổ chức bất thành đại hội cổ đông: Nỗi ám ảnh của hội đồng quản trị

27/03/2010 11:13 GMT+7

(TNTT>) Ngày 14.3, CTCP Cáp và vật liệu viễn thông (SAM) không thể tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2010 như kế hoạch vì cổ đông không đến đủ tỷ lệ theo quy định (từ 65% trở lên). Đây là nỗi ám ảnh chung của các nhà quản trị doanh nghiệp.

Khó mời họp đầy đủ

Năm 2009, SAM cũng phải dời ĐHCĐ thường niên sang lần thứ hai cũng với lý do tương tự. Theo ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SAM - theo danh sách cổ đông  chốt quyền tham dự ngày 3.2 thì công ty có gần 14.000 cổ đông trải dài trên cả nước, kể cả các tổ chức và cá nhân ở nhiều nước khác, việc tham dự ĐHCĐ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều cổ đông không ghi địa chỉ rõ ràng nên thư mời họp đều bị gửi trả lại công ty cũng góp phần khiến số lượng đi họp không đầy đủ.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp nào có các nhà đầu tư tổ chức hoặc hội đồng quản trị nắm giữ CP với tỷ lệ áp đảo, chắc chắn ĐHCĐ sẽ luôn thành công tốt đẹp mà không phải lo nơm nớp vì không đủ tỷ lệ tham dự. Nhìn dưới một góc độ khác thì NĐT cá nhân với tâm lý đầu tư ngắn hạn sẽ ít quan tâm đến chiến lược hoạt động của doanh nghiệp và cũng không cần phải đi dự ĐHCĐ.

Nên thay đổi quy định

SAM không phải là trường hợp duy nhất tổ chức ĐHCĐ lần thứ nhất không thành. Trong năm 2009, khá nhiều doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ thường niên hay bất thường lần đầu không thành công. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, ĐHCĐ chỉ được tiến hành khi số cổ đông tham dự đại diện ít nhất 65% số vốn góp có quyền biểu quyết. Trong trường hợp ĐHCĐ lần thứ 1 không được, ĐHCĐ lần 2 chỉ cần có số cổ đông chiếm 51% vốn góp sẽ được tiến hành. Và nếu lần 2 vẫn không thực hiện được thì sẽ tiến hành ĐHCĐ lần thứ 3 mà không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện ủy quyền. Ông Đỗ Văn Trắc cho rằng nên thay đổi quy định theo thông lệ quốc tế là cứ có số cổ đông đại diện cho hơn 50% số vốn là có thể tiến hành ĐHCĐ, đồng thời cho phép gửi xác nhận hay ủy quyền tham dự qua thư điện tử.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng đã từng kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sửa đổi quy định về điều kiện tiến hành ĐHCĐ lần đầu xuống còn 51% để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VAFI cũng đề xuất cho biểu quyết bằng thư điện tử, tiện ích cho những người không có điều kiện tham dự.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng quy định như hiện tại buộc các công ty phải có sự chuẩn bị cho ĐHCĐ kỹ hơn để đạt được kết quả ngay lần đầu tiên. Ví dụ công ty phải thay đổi cách thông báo cho cổ đông thay vì theo thủ tục là gửi thư mời và thụ động ngồi chờ phản hồi. Bên cạnh đó, nội dung và cách thức tiến hành ĐHCĐ cũng phải được linh động rút ngắn, dành nhiều thời gian cho phần hỏi-đáp để NĐT nhận thấy tham dự đại hội là cần thiết.

Trung Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.