48 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30.4.1975 - 30.4.2023)

Chung dòng máu Lạc Hồng: Gầy dựng nền móng công nghệ sinh học

TS Nguyễn Quốc Bình
(Kiều bào Canada, nguyên Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM)
29/04/2023 08:18 GMT+7

Sẽ không thể nào quên được cột mốc năm 2004 khi tôi quyết định cùng gia đình rời Canada, trở về Việt Nam theo lời đề nghị của lãnh đạo UBND TP.HCM để phát triển trung tâm công nghệ sinh học chỉn chu đầu tiên của cả nước và mang tầm quốc tế.

THÀNH QUẢ TRỞ VỀ

Những trăn trở khi đánh đổi cuộc sống ổn định ở nước ngoài vì tình yêu với quê hương, niềm ước vọng lớn và nỗ lực để gây dựng nền móng cho Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM vẫn vẹn nguyên khi nghĩ lại.

Chung dòng máu Lạc Hồng: Gầy dựng nền móng  công nghệ sinh học - Ảnh 1.

TS Nguyễn Quốc Bình trở về quê hương gây dựng nền móng cho Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM

NVCC

Từ những khó khăn ban đầu về nhân sự, nghiên cứu, đào tạo…, đến nay Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM đã đạt được trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới. Qua đó, có nhiều sản phẩm - dịch vụ để phục vụ nhu cầu của xã hội trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp (tạo giống cây trồng, phát triển vắc xin phòng ngừa bệnh ở thủy sản…), môi trường (chọn, cải biến các chủng vi sinh vật bằng công nghệ gien để xử lý chất thải gây ô nhiễm…) hay y dược (phát triển vắc xin cho người và vật nuôi phòng ngừa các bệnh phổ biến…).

Tôi thực sự tự hào về điều đó nhưng cũng có không ít suy nghĩ.

Thực tế mà nói, từ lâu, thế giới coi công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực có thể làm thay đổi nhanh chóng nền kinh tế. Chẳng những vậy, đó còn là "công nghệ" có giá thành phải chăng, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tạo thuốc chữa bệnh, vắc xin, kit test, tế bào gốc...

Việt Nam mình đã và đang cố gắng đi theo hướng phát triển của thế giới và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nền công nghệ sinh học của Việt Nam hiện vẫn chưa đóng góp được nhiều vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) của đất nước.

Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào? Chúng ta thực sự cần đến công nghệ sinh học chưa? Nếu cần thì ai cần và cần như thế nào? Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như vậy, câu trả lời cũng đã có nhiều. Tuy nhiên câu "làm như thế nào?" thì ít người chỉ ra được.

GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC

Đầu năm 2023, Việt Nam đã ra Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới". Nhưng tôi cho rằng đây mới chỉ là cơ sở pháp lý về đường lối để đầu tư, triển khai các chương trình… Chúng ta cần thực sự bắt tay vào công việc cụ thể.

Là người trong cuộc và mang trong mình niềm hy vọng lớn để đóng góp cho quê hương, tôi tin chúng ta cần phải nhận diện và giải quyết có kết quả một số vấn đề sau:

Một là về vấn đề con người. Chúng ta để những tiến sĩ đang trong độ tuổi chín muồi về nghiên cứu, giảng dạy (từ 60 - 65 tuổi) nghỉ hưu, tôi cho rằng là lãng phí. Theo trung bình ở các nước phát triển thì lãng phí ít nhất 10 - 15 năm. Nhà nước cần tạo điều kiện làm việc thực sự cho nhóm người này trong lúc chúng ta đang thực sự thiếu người tài.

Hai là về quản lý khoa học. Chúng ta đang quản lý khoa học theo cách "trả công cho việc làm". Điều này vô tình tạo ra các đề tài để nghiệm thu chứ không cho ra những đề tài có tính sáng tạo cao. Chúng ta nên học hỏi các nước phát triển. Họ xét hồ sơ xin đề tài dự án bởi một hội đồng khoa học và dựa trên tổng ngân sách nghiên cứu khoa học cho lĩnh vực đó mà phân bổ cho từng đề tài. Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm báo cáo kết quả cuối cùng cho hội đồng khoa học và không nhất thiết phải đúng với chương trình dự kiến trước đó. Nếu đề tài thành công với nhiều bài báo khoa học thì lần xin tiếp theo sẽ được ưu tiên. Nếu ngược lại thì sẽ phải vất vả.

Về phần kinh phí thì đã có bộ phận kế toán của đơn vị quản lý chi tiêu theo đúng pháp luật. Đơn vị cấp kinh phí không phải làm việc này. Tất cả các lệnh chi tiêu đều phụ thuộc vào chủ nhiệm đề tài, kể cả việc trả lương cho cộng sự. Như vậy chủ nhiệm đề tài dự án hoàn toàn chủ động trong việc mình phải làm gì, kể cả thay đổi hoàn toàn đề cương ban đầu nếu tự xét thấy sai hướng, miễn sao cho ra kết quả nghiên cứu tốt nhất. Làm đến lúc nào hết kinh phí thì thôi.

Như vậy mới thực sự phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu. Vì nếu biết trước kết quả thì đâu còn là nghiên cứu mới. Việc này giải phóng các công việc không đáng có như báo cáo giữa kỳ, báo cáo cuối kỳ kèm theo một lô lốc hóa đơn chứng từ làm sao cho khớp với đề cương. Các nhà khoa học mất nhiều thời gian làm các công việc rườm rà này hơn là để tâm sáng tạo.

Ba là về chính sách. Chúng ta hiện nay vẫn chưa mạnh dạn hỗ trợ cho các kết quả có tính ứng dụng cao. Tôi lấy ví dụ như hiện nay vắc xin cho cá, vắc xin cho Covid-19, interferon (ngừa vi rút) cho gia cầm... chưa được thông qua các hội đồng kiểm định. Trong khi đó, ngay cả các công ty lớn như Pfizer cũng phải cần hỗ trợ "cấp phép đặc biệt" để đưa ra ứng dụng mặc dù chưa có thể hoàn thiện tất cả các hạng mục theo quy định.

Dường như đến nay chưa có bộ ngành nào xem việc đưa hoặc hỗ trợ sản phẩm công nghệ sinh học ra ứng dụng là nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Họ sợ trách nhiệm.

Bốn là rất ít chương trình đặt hàng của các bộ, các đơn vị sản xuất, các thành phố... cho các chương trình nghiên cứu. Thông thường, các chương trình đặt hàng sẽ có ít nhất 2 nhóm khác nhau cùng làm song song. Nhóm nào có kết quả tốt hơn sẽ được đầu tư tiếp, nhóm nào kết quả kém hơn thì dừng lại. Nhưng hiện mình lại đang áp dụng chính sách "làm không ra phải hoàn tiền", điều này khiến không ai dám mạo hiểm hết, không tạo ra sự đột phá.

Từ những vướng mắc này, tôi tin chúng ta cần có giải pháp và hành động ngay để giải quyết.

THOÁT KHỎI "CHIẾC ÁO CHẬT"

Trở lại TP.HCM và Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, có thể nói dù nhiều người trong nước chưa biết đến nhưng thực tế, trung tâm đã đạt được nhiều thành quả và nhiều nước biết.

Nhưng có vẻ như trung tâm vẫn còn đang "mặc chiếc áo chật" khi vẫn thuộc cơ quan chủ quản của Sở NN-PTNT TP.HCM. Bởi đây là một trung tâm nghiên cứu mang tầm quốc gia - một trung tâm nghiên cứu tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, môi trường, giảng dạy… Hiện tại TP.HCM đã mạnh dạn đầu tư bằng ngân sách của thành phố cho một cơ sở nghiên cứu về công nghệ sinh học (tức đã có phần cứng). Tuy nhiên, TP.HCM chưa trao cho nó cơ chế quản lý như một cơ quan ngang sở nhằm có được điều kiện hoạt động tự chủ hơn, mạnh mẽ hơn. Nếu trung tâm được cấp kinh phí nhiều hơn, đơn vị chắc chắn có những đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của TP.HCM, không chỉ ở vị thế đầu tàu kinh tế, mà còn là chỗ dựa khoa học của vùng.

Trên "đường đua", tôi cho rằng TP.HCM cần có nhiều động thái mạnh mẽ hơn để tiếp sức cho đơn vị khi mà thành phố mình còn nhiều vấn đề về ô nhiễm sông rạch, xử lý nước thải, công nghệ chế biến, công nghệ dược sinh học và vắc xin phục vụ nông nghiệp của toàn vùng.

Trung tâm đã tạo ra các chất kháng, ngừa vi rút cho gia súc, gia cầm, vắc xin cho cá tra… Song, việc đưa vào sản xuất cần sự tiếp sức của TP.HCM và các bộ ngành liên quan. Tôi tin rằng TP.HCM sẽ chuyển mình, Việt Nam sẽ chuyển mình, để công nghệ sinh học của Việt Nam có thể đóng góp xứng đáng vào phát triển của đất nước trong tương lai gần. (còn tiếp)

TS Nguyễn Quốc Bình, sinh năm 1954 tại Cà Mau, sau đó cùng gia đình tập kết ra Quảng Bình. Năm 1972, ông du học tại Đại học Tổng hợp Kisinhov thuộc Cộng hòa Moldavia (Liên Xô trước đây). Sau khi tốt nghiệp, ông về nước làm giảng viên Đại học Tổng hợp TP.HCM (cũ).

Năm 1986, chính phủ Pháp cấp học bổng cho ông học thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Paris 11. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ và tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Laval ở Québec (Canada).

Năm 2004, theo lời đề nghị của TP.HCM, ông về xây dựng và công tác tại Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM.

Phạm Thu Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.