'Chức năng của Nhà nước không phải là đi buôn đất'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/06/2023 12:59 GMT+7

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) không đồng ý các quy định về phát triển quỹ đất trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội, vì cho rằng việc Nhà nước thu hồi đất rồi bán lại cho doanh nghiệp là sai chức năng.

Sáng 9.6, thảo luận tại tổ về dự án luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung 3 mục tiêu của luật Đất đai sửa đổi vì không thấy trong tờ trình dự án luật trình ra Quốc hội.

Sửa luật Đất đai phải phân phối được chênh lệch địa tô

Thứ nhất là luật Đất đai sửa đổi phải giảm được khiếu kiện đất đai khi thi hành luật vì hiện nay có tới 60 - 70% khiếu kiện trên cả nước liên quan tới đất đai.

'Chức năng của nhà nước không phải là đi buôn đất' - Ảnh 1.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh nêu ý kiến thảo luận tại tổ sáng 9.6

PHẠM THẮNG

Thứ hai, theo ông Minh, luật Đất đai sửa đổi phải phân phối lại chênh lệch địa tô khi chuyển đổi mục đích các loại đất khác sang đất ở.

Cạnh đó, ông Minh cho rằng, luật Đất đai phải tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai vì đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân.

"Sửa luật lần này không tạo tiếp cận đất đai thì làm mất cơ hội dân số vàng, thời cơ vàng nghìn năm của đất nước để thu hút doanh nghiệp", ông Minh nhấn mạnh.

Góp ý trực tiếp vào nội dung cụ thể, ông Minh cho rằng, tại điều 10 dự thảo luật về phân loại đất chia đất đai thành 17 loại, tuy nhiên, điều 121 chuyển mục đích sử dụng đất lại quy định chỉ 9 loại đất khi chuyển đổi mục đích phải xin phép Nhà nước, tức là Nhà nước quản lý.

"Thế thì số lượng phân nhỏ ra 17 loại như vậy nó không có tác dụng quản lý mà lại ảnh hưởng tới hành pháp sau này", ông Minh nói, và đề nghị chỉ cần phân thành 9 loại đất mà khi chuyển đổi mục đích cần có sự cho phép của Nhà nước.

Tương tự, với quy định lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải làm hàng năm, ông Minh cho rằng "hết sức phi lý". "Quy định thế này thì cả huyện lúc nào cũng phải đi lập kế hoạch sử dụng đất. Nó quá nhiều việc cho cấp huyện", ông Minh nói, và cho rằng, chỉ cần có quy hoạch đất đai cấp huyện là đủ điều kiện để triển khai các dự án, không cần tới kế hoạch sử dụng đất.

"Vốn đầu tư công nhạy cảm hơn nhiều mà hiện nay cũng được Quốc hội giao trung hạn 5 năm một lần. Do vậy, đề nghị bỏ quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm"

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau)

Về phát triển quỹ đất, ông Minh cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì thực chất là Nhà nước thu hồi đất của dân sau đó bán cho doanh nghiệp.

"Nó sai chức năng của Nhà nước. Chức năng của Nhà nước không phải đi buôn đất. Đề nghị nên chăng làm thí điểm ở đâu đó chứ làm đồng loạt trong luật Đất đai thì tôi thấy là chưa kỹ, chưa chín", ông Minh nêu.

ĐBQH Đoàn Ngọc Minh: Chức năng của Nhà nước không phải là đi buôn đất

Chỉ một hộ không đồng ý thỏa thuận, dự án cũng không triển khai được

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) băn khoăn về quy định tại điều 127 dự thảo luật về dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất.

Ông Khánh cho biết, thực chất quy định này đang kế thừa quy định của luật Đất đai 2013 hiện hành. Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế này đang gặp nhiều vướng mắc song chưa thấy dự thảo luật trình lần này đưa ra biện pháp tháo gỡ.

'Chức năng của nhà nước không phải là đi buôn đất' - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) thảo luận tại tổ

PHẠM THẮNG

Theo ông Khánh, vấn đề vướng mắc nhất trong việc thỏa thuận của người dân và doanh nghiệp là "giá thế nào".

"Có dự án chủ đầu tư áp giá rất thấp, người dân bị thiệt. Ngược lại, có dự án người dân không chịu mức giá doanh nghiệp đưa ra, so sánh tỉnh này, tỉnh kia để đòi cao hơn, có hộ mức giá thỏa thuận đáng ra chỉ 800 - 900 triệu đồng nhưng đòi tới 3 tỉ đồng. Thỏa thuận mãi họ không chịu khiến kéo dài dự án", ông Khánh cho biết.

Ông cũng dẫn ví dụ ngay tại Lai Châu, có dự án thủy điện tổng vốn lên tới 200 - 300 tỉ đồng nhưng khi thỏa thuận chỉ mắc một hộ không đồng ý thì chủ đầu tư không làm thế nào được.

"Điều này rất thiệt hại cho nhà đầu tư, trong khi tiền thì doanh nghiệp phải vay ngân hàng", ông Khánh nói, và kiến nghị vướng mắc này phải được giải quyết trong luật Đất đai lần này thay vì chỉ quy định lại như luật hiện hành.

Ông Khánh kiến nghị có thể xác lập một nguyên tắc giá thấp nhất phải bằng mức giá Nhà nước quy định tại thời điểm thỏa thuận, đồng thời mức tối đa là bao nhiêu lần. Hoặc, quy định tỷ lệ bao nhiêu người dân đã đồng tình thỏa thuận thì chủ đầu tư đề nghị Nhà nước hỗ trợ thu hồi. Tránh tình trạng dự án 40 - 50 hộ mà chỉ 1 - 2 hộ không đồng ý không triển khai được, kéo dài làm chậm tiến độ.

"Nếu để doanh nghiệp tự thực hiện thế này thì rất khó", ông Khánh nói, và cho biết, đọc tài liệu thì thấy ở một số nước họ đưa ra tòa để quyết định việc này, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu.

Những sự thay đổi lớn của dự thảo Luật Đất đai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.