Chưa đầu tư tuyến đường sắt Cần Thơ đi Cà Mau

Mai Hà
Mai Hà
25/03/2022 18:49 GMT+7

Bộ GTVT cho biết đang lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, dự kiến đầu tư giai đoạn 2026 - 2030. Song đường sắt Cần Thơ - Cà Mau chưa đầu tư do không cạnh tranh được đường bộ, đường thuỷ.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Cần Thơ về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Cà Mau để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các địa phương trong khu vực.

Bộ GTVT cho biết, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt thời kỳ trước có định hướng phát triển tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và kéo dài đến Cà Mau. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2030 cần thiết phải đầu tư tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Hướng tuyến đường sắt từ TP.HCM đi Cần Thơ

T.N

Trước mắt chưa đầu tư xây dựng tuyến từ Cần Thơ đến Cà Mau, do không phát huy được hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh so với đường bộ và đường thủy nội địa, vận tải ven bờ.

Cụ thể, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, về đường bộ đã hoàn thành đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp quy mô 2 làn xe; đã và đang đầu tư nâng cấp, mở rộng một số đoạn tuyến QL1A quy mô 4 làn xe.

Mặt khác, đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 để thực hiện dự án tuyến cao tốc 4 làn xe từ Cần Thơ đến Sóc Trăng và Cần Thơ đến Cà Mau. Về đường thủy, tiếp tục khai thác tuyến vận tải ven biển.

Hơn nữa, về đầu tư, do tính đặc thù, việc đầu tư các tuyến đường sắt đòi hỏi nguồn lực lớn, yếu tố kỹ thuật phức tạp đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài. Hiện Bộ GTVT đang tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Cần Thơ với quy mô là dự án quan trọng quốc gia làm cơ sở trình Quốc hội huy động nguồn lực đầu tư, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

Hiện, Ban Quản lý dự án đường sắt đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt này được định hướng phát triển với quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, chiều dài khoảng 174 km. Đây là dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong đó dự kiến cần vốn Nhà nước hơn 11.000 tỉ nên theo quy định, phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện tư vấn vẫn đang lập báo cáo, chưa có kết quả cụ thể.

Dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối đến ga Cái Răng (thuộc quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Tuyến đi qua, kết nối 6 địa phương, đó là tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với khoảng 13 ga và 2 trạm khách.

Trên địa phận Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km. Dự kiến, hướng tuyến đi giữa trục đường 1A khu công nghiệp Hưng Phú 1, sau đó qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Trên đoạn tuyến này đường sắt đi trên cao, vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với QL91 và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.