Chưa cần thiết xây dựng luật về bảo vệ nhân chứng

14/02/2023 16:16 GMT+7

Chưa cần thiết ban hành mới luật điều chỉnh về bảo vệ nhân chứng, thay vào đó cần giữ nguyên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tính ổn định.

Trong bộ tài liệu đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 được Bộ Tư pháp công bố mới đây, một nội dung đáng chú ý là việc nghiên cứu có cần xây dựng luật về bảo vệ nhân chứng hay không.

Chưa cần thiết xây dựng luật về bảo vệ nhân chứng - Ảnh 1.

Lực lượng công an dẫn giải các bị cáo trong một vụ án đến tòa

PHÚC BÌNH

Theo kết quả nghiên cứu, nhiều quốc gia trên thế giới đều coi trọng công tác bảo vệ nhân chứng, tuy nhiên cách thức xây dựng pháp luật và thực hiện có sự khác nhau.

Ví dụ ở Mỹ, Chương trình bảo vệ nhân chứng được thiết lập bởi luật Kiểm soát tội phạm có tổ chức năm 1970. Hay ở Nga, việc bảo vệ người làm chứng được quy định là một nguyên tắc trong bộ luật Tố tụng hình sự; các quy định cụ thể do luật Bảo vệ nhân chứng năm 2004 điều chỉnh…

Tại Việt Nam, việc bảo vệ nhân chứng hiện được quy định trong nhiều luật, bộ luật. Ví dụ bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) dành riêng một chương để quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại, người tham gia tố tụng khác. Các biện pháp bảo vệ có thể triển khai như: bố trí lực lượng canh gác; hạn chế việc đi lại, tiếp xúc; di chuyển, giữ bí mật chỗ ở; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng…

Tương tự, bộ luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều quy định người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình.

Trường hợp người làm chứng bị đe dọa, khống chế hoặc mua chuộc, tòa án có quyền quyết định buộc người đe dọa chấm dứt hành vi; nếu có dấu hiệu tội phạm thì tòa án yêu cầu viện kiểm sát xem xét về trách nhiệm hình sự.

Hay như luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 hoặc luật Tố cáo cũng đều có các quy định để bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng.

Như vậy, quá trình xây dựng các luật, bộ luật trong lĩnh vực tư pháp, tố cáo và phòng chống tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã quan tâm để đưa các biện pháp bảo vệ người làm chứng vào luật.

Về thực tiễn áp dụng quy định bảo vệ người làm chứng, kết quả nghiên cứu cho biết, từ 1.1.2018 đến 30.6.2022, tòa án các cấp đã giải quyết 361.806 vụ án hình sự và 631.807 bị cáo; trong đó có 187.547 lượt người bị hại, 229.839 lượt người làm chứng tham gia tố tụng.

Từ năm 2016 đến nay, một số trường hợp người làm chứng mặc dù biết rõ các tình tiết của vụ án nhưng do ngại va chạm nên từ chối cung cấp thông tin. Dù vậy, tòa án các cấp chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu mua chuộc, khống chế, đe dọa, trả thù người làm chứng, bị hại để họ rút đơn yêu cầu khởi tố hoặc không ra làm chứng, không cung cấp chứng cứ.

Tính từ ngày 1.1.2018 đến ngày 30.6.2022, các cơ quan điều tra của ngành công an mới ban hành 5 quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ, đến nay đã chấm dứt áp dụng; các cơ quan điều tra của quân đội thì không ban hành quyết định nào.

Riêng trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ có nhận được một số thông tin, đơn thư phản ánh việc trù dập, trả thù và đề nghị được bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Cơ quan này đã triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong công tác giải quyết tố cáo và bảo vệ người tố cáo.

Thêm vào đó, khi cho ý kiến về vấn đề này, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính và Bộ NN-PTNT đều đề nghị cần giữ nguyên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ người làm chứng, bị hại, người tố cáo, nhằm đảm bảo tính ổn định.

Từ các dữ liệu đã phân tích, tài liệu do Bộ Tư pháp công bố nhận định chưa cần thiết phải ban hành mới luật điều chỉnh về bảo vệ nhân chứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.