'Chữa bệnh thừa tiền' cho ngân hàng: Tháo gỡ pháp lý, điều kiện thủ tục cho vay

09/09/2023 07:12 GMT+7

Trong khi ngân hàng thừa tiền thì nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vẫn không vay được khiến dòng vốn bị tắc nghẽn, không hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Doanh nghiệp vẫn cần vốn

Tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm 2023 vẫn ở mức thấp, thua xa cùng kỳ năm trước khiến chính các ngân hàng (NH) thương mại và NH Nhà nước (NHNN) cũng sốt ruột. Ông Trần Đức Nghĩa, giám đốc một công ty tại TP.HCM, lắc đầu cho hay vẫn chưa có ý định vay vốn thời điểm này. Từ cuối năm 2022, trước bối cảnh lãi suất leo cao, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, doanh nghiệp (DN) thu hẹp sản xuất, trả nợ cho phía NH và dự báo cuối năm 2023 kinh tế khởi sắc hơn, có thể công ty sẽ tính toán đến mở rộng lại sản xuất kinh doanh. Thế nhưng đến thời điểm này, kinh tế vẫn còn khó khăn, không có đơn hàng, sức mua yếu nên DN cũng không tính toán mở rộng hoạt động, vì vậy không phát sinh nhu cầu tín dụng.

'Chữa bệnh thừa tiền' cho ngân hàng: Tháo gỡ pháp lý, điều kiện thủ tục cho vay - Ảnh 1.

Các ngân hàng thừa tiền nhưng nhiều doanh nghiệp không thể vay được vốn

NGỌC THẮNG

Trường hợp của ông Nghĩa không hiếm nhưng số DN cần vốn mà không vay được cũng chiếm đa số. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói thẳng câu chuyện về vốn vẫn không có gì thay đổi. Đó là tình trạng nhiều công ty muốn được vay để đầu tư, khôi phục sản xuất nhưng không đáp ứng được điều kiện của NH. Trong đó, khó nhất là tài sản đảm bảo phổ biến là bất động sản đều bị NH xem xét thận trọng, đánh giá kỹ ngay từ đầu năm và hạ hạn mức tín dụng.

"Không như trước đây, giờ NH làm chặt lắm, định giá bất động sản kỹ càng và ở mức thấp hơn nhiều. Vì vậy là nhiều đơn vị muốn vay tiền tỉ thì không đủ tài sản thế chấp nên đương nhiên không thể vay được vốn. Chuyện này đã nói rồi nhưng không có cách giải quyết", ông Nguyễn Kim Đoán chia sẻ. Còn ở dạng thứ hai thì theo ông là do nhu cầu thị trường xuống thấp, giá bán của các hộ chăn nuôi từ heo gà hay trâu bò đều lên xuống thất thường, nhiều khi thấp hơn giá thành, nguy cơ thua lỗ cao. Trong khi lãi vay có giảm hơn trước nhưng vẫn chưa nhiều, cũng loanh quanh ở mức 9 - 10%/năm. 

Điều này khiến các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ càng không dám vay vì khó có lời. "Nhà nước đang khuyến khích hoạt động chăn nuôi lớn, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường… Để đáp ứng điều đó hầu hết ngành chăn nuôi cần phải đầu tư lớn, nhất là quỹ đất ở vùng xa và đầu tư trang thiết bị công nghệ xử lý vệ sinh. Thế nhưng các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nói chung dù có thì vẫn khó tiếp cận. Chỉ riêng gói hỗ trợ lãi vay 2% nói từ năm trước đến nay mà hầu như chưa thấy hộ chăn nuôi nào tiếp cận được vì điều kiện, thủ tục quá khó khăn. Nếu như có hỗ trợ hay lãi suất xuống thấp hơn nữa thì nhiều người mới mạnh dạn nghĩ đến việc vay vốn để đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi", ông Đoán nói.

NH nói dư tiền mà không nới cho vay, cũng như yêu cầu những giấy tờ không cần thiết thì không ai vay được. Nói NH thừa tiền, lãi suất tiết kiệm đi xuống chứ NH chưa giảm tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) ở mức 3,5% thì khách hàng vẫn sẽ chịu lãi vay cao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, thẳng thắn: Nếu NH không có các chính sách đồng hành cùng DN mà vẫn giữ nguyên điều kiện cho vay thì dòng tiền vẫn tiếp tục tồn kho. NH vẫn lo ngại và muốn giảm rủi ro cho mình nên rất e dè khi xét duyệt cho vay. Với ngành dệt may, nhu cầu vốn ngắn hạn có giảm do đơn hàng ít, tiêu thụ ở mức thấp. Tuy nhiên, các DN cần phải đầu tư công nghệ, đảm bảo sản xuất xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới mà nhiều thị trường nước ngoài đã công bố. Thế nhưng vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ đầu tư công nghệ xanh cho DN. Đây là nhu cầu dòng vốn trung, dài hạn nên DN cần được hỗ trợ vay với lãi suất ổn định ở mức chỉ từ 7 - 7,5%/năm; có thể ân hạn nợ gốc 1 - 2 năm đầu tiên.

Cần chính sách cho cá nhân vay mua nhà trên 3 tỉ đồng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận xét các DN xuất khẩu không có đơn hàng như may mặc, đồ gỗ… thì nhu cầu tín dụng khó triển khai. Nhưng kể cả lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn lớn nhất, lan tỏa cao, thúc đẩy các ngành nghề lĩnh vực khác là bất động sản cũng khó khăn. Thế nên phải tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý cho các dự án. Chẳng hạn như trên địa bàn TP.HCM hiện nay có hơn 81.000 căn hộ chưa có sổ hồng, con số chưa thống kê còn cao hơn. 

Giá bình quân mỗi căn hộ khoảng 3 tỉ đồng thì chỉ cần cơ sở pháp lý được giải quyết, chủ dự án thu hồi được 5% phần tiền còn lại từ khách hàng thì con số có thể lên cả tỉ USD. Lúc này, DN có nguồn tiền để làm dự án khác, tiếp cận được nguồn vốn vay NH. Trong quá trình đầu tư, DN bỏ một phần vốn ban đầu, lúc này NH có thể tham gia cho vay khoảng 10 - 30% vốn dự án và quản lý dòng tiền vay, mục đích sử dụng vốn để đi đúng chỗ. Những DN có giấy phép xây dựng có thể vay được tỷ lệ 50% vốn dự án. 

"NH nói dư tiền mà không nới cho vay, cũng như yêu cầu những giấy tờ không cần thiết thì không ai vay được. Nói NH thừa tiền, lãi suất tiết kiệm đi xuống chứ NH chưa giảm tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) ở mức 3,5% thì khách hàng vẫn sẽ chịu lãi vay cao", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Châu cho rằng với thông tin từ NHNN, cho vay tiêu dùng hiện nay đang giảm. Trong cho vay tiêu dùng thì chủ yếu là để mua nhà, sửa chữa nhà, mua ô tô… Điều này cho thấy niềm tin của khách hàng cá nhân đối với thị trường nhà ở đang sụt giảm. Dù có ý kiến đánh giá thị trường bất động sản qua đáy và đang dần hồi phục, nhưng cũng có nhiều người chưa tin để xuống tay mua nhà hay vay vốn NH. Trong khi nhu cầu về nhà ở trên thị trường là cao. Do đó, cần có chính sách để cá nhân vay mua nhà giá trên 3 tỉ đồng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển chia sẻ việc thừa tiền của hệ thống NH xuất phát từ các chính sách tiền tệ được thực thi từ cuối năm 2022 đến nay. Cộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh đang ở giai đoạn tăng trưởng thấp nên nhu cầu vốn của DN sụt giảm. Để thúc đẩy dòng vốn ra nền kinh tế, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải có nhiều chính sách khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu dùng. Từ đó hoạt động sản xuất sẽ được gia tăng và nhu cầu vốn của DN cũng tăng trở lại.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển là trong những giai đoạn khó khăn như hiện tại, cần hướng đến người lao động nhiều hơn. Chẳng hạn tập trung hỗ trợ đối tượng vừa bị giảm thu nhập hay bị thất nghiệp, tạo ra chính sách cho vay vốn thuận lợi hơn để những cá nhân có nhu cầu cũng dễ dàng tiếp cận được NH. Từ đó cũng giúp lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng hơn. Song song đó, các chính sách đã đưa ra như triển khai những gói vay cho dự án nhà ở xã hội, ngành nông lâm ngư nghiệp… thì cần xem xét để đơn giản hóa thủ tục, điều kiện. Từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhanh hơn.

TS Đinh Thế Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.