Chủ tịch Công ty chứng khoán Trí Việt chỉ đạo tiêu hủy chứng cứ

13/01/2023 11:36 GMT+7

Bị can Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty CP chứng khoán Trí Việt, chỉ đạo cấp dưới thay toàn bộ ổ cứng máy tính của công ty và xoá các tin nhắn có liên quan, nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 8 bị can về tội thao túng thị trường chứng khoán. Trong số này có Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings), Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Trí Việt) và Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Trí Việt, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt).

2 bị can Đỗ Thành Nhân (trái) và Đỗ Đức Nam

Bộ công an

Theo cáo buộc, Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam sử dụng hàng loạt chiêu trò để “thổi giá” 2 mã cổ phiếu BII và TGG, qua đó hưởng lợi bất chính hơn 154 tỉ đồng. Giúp sức cho kế hoạch thao túng này, vai trò của Phạm Thanh Tùng không hề nhỏ.

Khởi tố Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Trí Việt

Thu lời chục tỉ nhờ cho vay để thao túng thị trường

Để có tiền “thổi giá” cổ phiếu, Đỗ Thành Nhân bàn bạc, thống nhất với Đỗ Đức Nam sẽ vay tiền của Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt. Do Phạm Thanh Tùng là người quyết định có phê duyệt cho vay hay không, bị can Nam báo cáo với bị can Tùng.

Khi báo cáo, Đỗ Đức Nam nói rõ BII và TGG là những mã cổ phiếu có thanh khoản thấp, không được nhà đầu tư quan tâm giao dịch, hay còn gọi là cổ phiếu rác. Nếu Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt “bơm tiền” cho Đỗ Thành Nhân thâu tóm rồi tạo cung cầu giả, giá cổ phiếu sẽ tăng cao, thu hút được nhà đầu tư.

Bị can Nam còn nói nếu cho vay tiền thì cả 2 công ty do bị can Tùng làm Chủ tịch HĐQT đều được hưởng lợi. Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt thì thu lãi cho vay, còn Công ty CP chứng khoán Trí Việt thì thu phí giao dịch mua bán.

Thấy có lợi, Phạm Thanh Tùng đồng ý đề xuất trên, giao Đỗ Đức Nam phê duyệt chính sách và giải quyết cho vay. Từ chỉ đạo này, Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt đã cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay hơn 748 tỉ đồng nhằm thực hiện kế hoạch thao túng cổ phiếu.

Và thực tế, trong 154 tỉ đồng thu lời bất chính, Đỗ Thành Nhân sử dụng hơn 14 tỉ đồng trả lãi vay cho Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt.

Ngoài ra, lợi dụng việc cho vay tiền, Đỗ Đức Nam yêu cầu và được Đỗ Thành Nhân chi lãi ngoài 500 triệu đồng. Bị can Nam còn đồng ý cho cấp dưới tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt quản lý nhóm khách hàng Đỗ Thành Nhân, từ đó thu phí bất hợp pháp hơn 1,6 tỉ đồng.

Vẫn theo hồ sơ vụ án, trong toàn bộ quá trình thực hiện, Đỗ Đức Nam đều báo cáo Phạm Thanh Tùng diễn tiến về việc cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay tiền để mua bán, thao túng 2 mã cổ phiếu BII và TGG. Bị can Tùng cũng thường xuyên chỉ đạo sát sao về phê duyệt danh mục và tỷ lệ cho vay đối với các mã cổ phiếu, báo cáo giao dịch mua bán cổ phiếu hàng ngày, báo cáo danh sách tài khoản cho vay, tình hình và dư nợ cho vay…

Bị can Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Trí Việt, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt

tvb

Luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội

Quá trình điều tra, bị can Phạm Thanh Tùng bị đánh giá không thành khẩn khai báo, luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội.

Theo đó, khoảng tháng 8 và tháng 9.2021, khi báo chí đưa tin có dấu hiệu bất thường trong việc giao dịch 2 mã cổ phiếu BII và TGG, bị can chỉ đạo bộ phận maketing của công ty làm việc với báo chí để xử lý, đồng thời chỉ đạo Đỗ Đức Nam vẫn tiếp tục cho vay nhưng chia nhỏ các khoản vay để tránh bị phát hiện.

Đến cuối năm 2021, khi biết thông tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra, thanh tra hoạt động của Công ty CP chứng khoán Trí Việt và Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt, Phạm Thanh Tùng chỉ đạo thay toàn bộ ổ cứng máy tính của công ty và xoá các tin nhắn có liên quan.

Bị can này thừa nhận Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay hơn 748 tỉ đồng để mua bán 2 mã cổ phiếu BII và TGG, qua đó thu hơn 14 tỉ đồng tiền lãi; nhưng phủ nhận việc biết và chỉ đạo cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay tiền là để thao túng thị trường chứng khoán.

Để làm rõ tình tiết trên, cơ quan tố tụng cho Phạm Thanh Tùng và Đỗ Đức Nam đối chất. Kết quả, bị can Nam khai bị can Tùng biết rõ các hành vi thao túng của nhóm Đỗ Thành Nhân và là người chỉ đạo hoạt động cho vay đối với 2 mã cổ phiếu BII, TGG.

Đặc biệt, khi bị can Nam báo cáo dư nợ cho vay, bị can Tùng còn chỉ đạo rằng việc CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cho vay hợp tác đầu tư là tế nhị nên sẽ bị soi nhiều, dòng cổ phiếu Louis đang phản cảm, cần đa dạng hóa, chia nhỏ dư nợ hợp tác để không bị nổi cộm.

Từ các chứng cứ thu thập được, Viện KSND tối cao khẳng định Phạm Thanh Tùng có vai trò, thẩm quyền quyết định cao nhất ở cả 2 pháp nhân là Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt và Công ty CP chứng khoán Trí Việt. Tất cả các hoạt động của công ty, bị can Nam phải báo cáo bị can Tùng biết để chỉ đạo, điều hành, định hướng giải quyết.

Trong đó, bị can Tùng biết rõ việc cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay tiền để sử dụng mua bán, thao túng cổ phiếu mã BII và TGG; đồng thời chỉ đạo giải quyết cho vay tổng số tiền hơn 748 tỉ đồng.

Khung hình phạt cao nhất 7 năm tù

Ngoài 3 bị can đã nêu, 5 bị can còn lại gồm: Vũ Ngọc Long và Ngô Thục Vũ (cùng là nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP Louis Holdings), Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Công ty CP Louis Holdings), Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thùy Liên ( nhân viên Công ty CP chứng khoán Trí Việt).

Cả 8 bị can đều bị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán, theo khoản 2 điều 211 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.