Chủ động kéo giảm sự cố và tai nạn điện

15/07/2016 09:00 GMT+7

Thời tiết phức tạp cộng với tình trạng vi phạm các quy định về an toàn điện dẫn đến những sự cố lưới điê%3ḅn và nhiều tai nạn điê%3ḅn đáng tiếc đang là một thực trạng nhức nhối ở miền Nam.

Sự cố do thiên tai
Miền Nam đang bước vào mùa mưa nên thời tiết diễn biến phức tạp, mưa kèm theo giông, lốc xoáy ở nhiều nơi đã gây ra không ít sự cố cho lưới điện. Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), tính đến cuối tháng 6.2016, mưa giông, lốc xoáy đã gây ra 3 vụ sự cố trên lưới điện 110 kV và 36 vụ sự cố trên lưới điện 22 kV, làm gián đoạn cung cấp điện và gây thiệt hại cho lưới điện. Chi phí khắc phục các sự cố trên ước khoảng 3,2 tỉ đồng. Trong đó, một số vụ việc nghiêm trọng như ở TX.Đồng Xoài và H.Đồng Phú (Bình Phước) xảy ra giữa tháng 5. Mưa lớn kèm gió và lốc xoáy cục bộ cuốn mái tôn, cây xanh ngã đổ gây sự cố cho 6 tuyến đường dây 22 kV với chi phí khắc phục và củng cố lại lưới điện 470 triệu đồng. Ngày 24.5, tại xã Cần Đăng (H.Châu Thành, An Giang) đã xảy ra lốc xoáy làm gãy 2 trụ điện và hư hỏng 2 trạm biến áp 3x15 kVA với chi phí khắc phục 250 triệu đồng. Đặc biệt nghiêm trọng là ngày 19.6 vừa qua, ở 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu mưa lớn, kèm lốc xoáy gây gãy đổ 12 trụ điện với chi phí khắc phục ước tính khoảng 2 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng giám đốc EVN SPC, cho biết trước các sự cố trên, nhờ công tác chuẩn bị nên việc khắc phục khá nhanh, khôi phục hoạt động cung cấp điện tại những khu vực đã bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, giảm thiểu thiệt hại. “Tuy nhiên, sau những sự cố trên, EVN SPC đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không chỉ tập trung vào lưới điện mà phải quan tâm hơn đến các công trình kiến trúc (trụ sở làm việc, kho tàng). Tích cực phát quang, dọn dẹp hành lang lưới điện một cách triệt để tránh những sự cố điện do cây xanh, biển hiệu, biển quảng cáo khi có mưa giông xảy ra. Bởi thực tế trong 39 sự cố lưới điện do giông gió, lốc xoáy gây ra thì sự cố do cây xanh 22 vụ, sự cố do mái tôn 11 vụ, sự cố do biển quảng cáo 3 vụ, sự cố do tấm bạt 2 vụ và 1 trường hợp lốc xoáy gây ngã trụ đường dây 110 kV”, ông Hợp thông tin thêm.
Tai nạn điện vẫn nhức nhối
Từ tháng 3.2015, EVN SPC đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phối hợp, hỗ trợ Công ty Lưới điện cao thế miền Nam và các Công ty Điện lực tỉnh, thành trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp nhưng đến nay, các sự cố do vi phạm an toàn về điện vẫn xảy ra ở nhiều nơi và tăng mạnh so với năm 2015. Cụ thể, lưới điện 110 kV xảy ra 12 sự cố, tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Riêng lưới điện 22 kV xảy ra 37 sự cố, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2015 và gây ra 10 vụ tai nạn điện làm chết 3 người, 10 người bị thương. Nguyên nhân là do chặt cây ngoài hành lang, thả diều, phương tiện giao thông va chạm vào dây, trụ điện; phương tiện cơ giới thi công, lắp đặt ăng ten, giàn giáo, biển hiệu, sửa nhà, thi công cáp quang…
Theo EVN SPC, hiện trạng lưới điện vẫn còn nhiều tồn tại nên xác suất xảy ra sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp cao như một số tuyến đường dây 110 kV đi qua khu vực trồng cây cao su có khoảng cách pha đất (khoảng 7 m) thấp hơn nhiều so với chiều cao cây cao su; lưới điện 22 kV đi qua khu vực đông dân cư, khu vực nhiều cây xanh đa phần sử dụng dây trần; một số vị trí đường dây cao áp giao chéo với đường bộ chưa bảo đảm khoảng tĩnh không theo quy định. Đặc biệt là các loại cáp thông tin, cáp viễn thông, lưới điện hạ áp khách hàng treo trên trụ điện lực chưa đảm bảo khoảng cách theo quy định…
EVN SPC đã chỉ đạo các điện lực tỉnh, thành bằng mọi cách phải giảm thiểu tai nạn về điện đối với người dân và giảm 50% sự cố lưới điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp so với năm 2015. “Để làm được việc này, cần tổ chức nhiều giải pháp tổng thể từ việc kiểm tra hành lang lưới điện và lập kế hoạch xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp đến việc chủ động phòng tránh các sự cố. Trong đó, việc đầu tiên cần làm là xử lý triệt để những biển hiệu, biển quảng cáo, ăng ten, cây xanh có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện; nhà ở, công trình chưa đủ điều kiện. Cùng với đó là thực hiện các giải pháp kỹ thuật củng cố lưới điện, quản lý chặt chẽ hành lang lưới điện, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm, không để phát sinh số vụ vi phạm mới”, ông Hợp cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.