'Chợ' di động vùng biên

20/03/2014 10:20 GMT+7

Bà con ở vùng biên giới H.Tân Châu (Tây Ninh) không còn phải đi chợ xa và công nhân cạo mủ cao su ở đây dù chưa có tiền lương vẫn có thể mua được thực phẩm từ “chợ” di động này.

Bà con ở vùng biên giới H.Tân Châu (Tây Ninh) không còn phải đi chợ xa và công nhân cạo mủ cao su ở đây dù chưa có tiền lương vẫn có thể mua được thực phẩm từ “chợ” di động này.

 Chợ di động
Chợ di động giúp bà con vùng biên giới thuận tiện trong sinh hoạt - Ảnh: Giang Phương

Đó là mô hình “chợ” di động mà vợ chồng anh Nguyễn Thanh Phong (37 tuổi) và chị Nguyễn Thị Được (33 tuổi, ngụ ấp 6, xã Suối Ngô, H.Tân Châu) đến bán phúc vụ bà con hàng ngày.

Từ 7 giờ sáng, chiếc xe tải chứa hầu hết các loại lương thực, thực phẩm cần thiết được mang đến bán cho người dân dọc trục lộ biên giới dài hơn 20 km từ xã Suối Ngô kéo đến khu vực Suối Bà Chiêm (thuộc H.Tân Châu). Xe cứ chạy được khoảng 500m hoặc 1km lại dừng ở một điểm cố định để bán hàng cho bà con. Anh Phong tươi cười cho biết: “Mỗi điểm đến thường đúng giờ để bà con tiện đến mua. Bữa nào đông khách mà mình chưa đến kịp phải gọi điện thông báo để bà con biết mà không phải chờ đợi sốt ruột”. Theo anh Phong, đã gần 7 năm nay vợ chồng anh rong ruổi bán hàng cho người dân ở vùng biên giới này. Lúc đầu chỉ có chiếc xe máy cà tàng, gắn thêm thùng lôi phía sau để chở hàng, bất tiện là nắng mưa thì lãnh đủ. Từ khi bị cấm xe lôi, cả 2 vợ chồng cắt củm dành dụm được hơn 100 triệu đồng, vay mượn thêm bạn bè rồi mua lại chiếc xe tải có chỗ che nắng, che mưa và chứa được nhiều hàng hơn. Trên chiếc xe tải này, từ rau tươi, thịt cá cho đến các nhu yếu phẩm khác như nước ngọt, xà bông, kem đánh răng, dầu gội… đều có đầy đủ.

Đang loay hoay lựa mua rau, thịt cho bữa trưa, bà Trần Thị Hảo (58 tuổi) vui vẻ nói: “Chợ xã cách nhà hơn 7km nên mua ở đây tiện lắm, hầu như thứ gì cũng có”.

Vợ chồng anh Phong cho biết hàng hóa được bán cho người dân khu vực biên giới, trong đó chủ yếu là phục vụ công nhân cạo mủ cao su vì họ không có thời gian đi chợ. Thế nhưng, để giữ được mối, vợ chồng anh phải cho bán thiếu với hình thức bao ăn trọn tháng mới thanh toán một lần. Chị Được cho biết thêm: “Chị em công nhân đến tháng lãnh lương mới trả được. Trung bình mỗi người thiếu vài chục ngàn đồng/ngày nhưng mỗi tháng cộng lại thì tổng số tiền cũng không nhỏ. Hiện tại tổng số tiền nợ của công nhân cũng lên đến gần 400 triệu đồng. Phần lớn anh chị em đều thanh toán đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên cũng có một vài người vì lý do này kia không trả được thì mình cũng phải chấp nhận lỗ”, chị Được chia sẻ.

Giang Phương

>> Triển khai xây dựng chợ biên giới VN-Campuchia
>> Đi chợ biên giới
>> Chợ biên giới Đồng Tháp Mười 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.