Chờ chính sách mới, giá vàng 'đứt cương'

10/04/2024 04:10 GMT+7

Tăng phi mã, "lên đồng", thậm chí "điên loạn"... là những gì mà thị trường chứng kiến và gọi tên giá vàng trong phiên hôm qua cũng như những ngày gần đây. Ngay cả vàng nhẫn, trước kia luôn tiệm cận với giá vàng thế giới, cũng đã "đứt cương", tăng liên tục và đang neo ở mức đắt đỏ nhất lịch sử dù chẳng hề độc quyền. Không quá lời khi nói, thị trường vàng đã mất kiên nhẫn trong khi chờ chính sách mới.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, ngày 31.3 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đề xuất các giải pháp sửa đổi Nghị định 24 quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Có 2 nội dung chính được đánh giá sẽ tác động thẳng vào giá là bỏ độc quyền vàng miếng SJC và nới cấp phép nhập khẩu nguyên liệu vàng. Thế nên, thị trường "nén" cả giá và tâm lý vì lo ngại, nguồn cung tăng lên giá sẽ giảm xuống. Thực tế trong quãng thời gian trước khi tới giờ G, một vài thời điểm giá vàng đã giảm khá mạnh vì nhiều người tranh thủ bán ra... Có thể nói, mọi cái đã sẵn sàng để đón nhận chính sách mới nhưng rồi chưng hửng khi ngày 31.3 trôi qua không có động tĩnh gì từ phía cơ quan quản lý.

Qua đầu tháng 4, vẫn im ắng khó hiểu và đến hôm nay đã qua 10 ngày thì sự tích nén không còn giữ được nữa. Vàng nhẫn, vàng miếng chính thức "đứt cương", tăng phi mã, cứ lập kỷ lục rồi phá kỷ lục. Chỉ riêng phiên hôm qua, vàng miếng SJC đã tăng tới hơn 2 triệu đồng/lượng trong khi vàng nhẫn tăng 1,5 triệu đồng/lượng để chốt ở mức đắt đỏ nhất trong lịch sử.

Đến lúc này, không ai dám dự báo đích đến của giá vàng vì mọi điều đều có thể xảy ra. Đến lúc này, cũng không ai hiểu vì sao quá hạn mà NHNN không công bố giải pháp quản lý thị trường vàng, cũng không giải thích lý do vì sao. Và đến lúc này, cũng không biết đến bao giờ, việc sửa đổi Nghị định 24, được đánh giá là đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay mới được thực hiện và công bố. Chỉ có giá vàng là cứ nhảy múa không theo một nguyên tắc nào.

Nhưng đằng sau giá vàng tăng dựng đứng đó là một loạt nguy cơ không thể coi thường. Đầu tiên, vàng trong nước cao hơn thế giới tới 13 - 14 triệu đồng/lượng và việc sửa đổi Nghị định treo lơ lửng đang tiềm ẩn rủi ro lớn cho người mua vàng nội địa. Nên nhớ, kim loại quý vẫn là một kênh trú ẩn và đầu tư hợp pháp của người dân nên việc phải mua đắt đỏ hơn thế giới là thiệt thòi kép của họ. Thứ 2, chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế quá cao sẽ kích thích vàng lậu, vàng giả. Chúng ta đã chứng kiến gần đây, cơ quan công an, quản lý thị trường liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vàng lậu, vàng giả các thương hiệu thế giới. Thứ 3, vàng lậu gia tăng sẽ gây áp lực lên tỷ giá. USD tăng liên tục hiện nay một phần cũng đến từ các cơn sóng trên thị trường vàng...

Cũng bởi những hệ lụy đó, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo, yêu cầu NHNN có giải pháp, biện pháp quản lý thị trường vàng, sửa đổi Nghị định 24, kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Mới nhất trong cuộc họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ một lần nữa yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 24... Và lần này như nói trên, thị trường không còn e dè nữa, vàng cứ lên đồng với hàng loạt cơn sóng giá bất kham.

Ngược về quá khứ, vàng đã từng được mang ra để thanh toán; cũng có thời kỳ, người người xếp hàng mua vàng nhân ngày Thần tài... gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong một thời gian dài và phải đến Nghị định 24 mới "khắc chế" được các vấn đề này. Có lẽ cũng vì thế, thay đổi chính sách quản lý vàng trở thành vùng nhạy cảm với cơ quan có thẩm quyền. Nhưng chiếc áo cơ chế cũ đã quá chật chội trong khi thị trường vàng trong nước và thế giới biến động từng ngày, từng giờ. May một chiếc áo mới phù hợp là việc cần thiết và gấp rút phải làm thay vì để giá vàng "đứt cương" như hiện nay.

Hy vọng NHNN sẽ nhanh chóng công bố các chính sách mới để đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.