Xử nghiêm quảng cáo sai sự thật

15/11/2011 05:25 GMT+7

Thảo luận tại nghị trường sáng 14.11 về dự luật Quảng cáo (QC), đa số ĐBQH đề nghị phải bổ sung thêm các quy định xử phạt nghiêm các nội dung QC sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thảo luận tại nghị trường sáng 14.11 về dự luật Quảng cáo (QC), đa số ĐBQH đề nghị phải bổ sung thêm các quy định xử phạt nghiêm các nội dung QC sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Làm tăng bất bình đẳng giới

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) là người đầu tiên đưa ra nhận xét này khi phát biểu về dự luật QC. Theo bà Nguyệt, QC nếu không nhằm góp phần nâng cao bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em thì rất dễ góp phần tạo nên các định kiến về giới.

Bà Nguyệt dẫn chứng: Thực tế hiện nay trên truyền hình còn xuất hiện những QC với nội dung cho thấy những sản phẩm liên quan đến gia đình như nước lau sàn, nước rửa bát, nồi cơm điện, gia vị, thực phẩm, máy giặt, tủ lạnh... hầu hết các nhân vật trong clip QC là phụ nữ. Trong khi đó hình ảnh người đàn ông thì nam tính hơn ở các hoạt động nước uống, xe máy, xe hơi, điện thoại di động, ti vi... “Như vậy chính các QC này tự động phát đi một thông điệp méo mó, đó là phụ nữ thì suốt ngày phải lo việc nội trợ phục vụ gia đình, lo việc phục vụ chồng, phục vụ gia đình và chiều con”, bà Nguyệt nhận định và đề nghị dự luật QC phải bổ sung quy định cấm các QC có nội dung tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến người xem về sự phân biệt đối xử không công bằng giữa nam và nữ. 

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cũng cho rằng số QC gây khó chịu về bình đẳng giới hiện nay tuy không nhiều nhưng đến một lúc nào đó, người xem QC có cảm giác bất bình trước cách cư xử với phụ nữ trong phim, trong hình ảnh QC, bất bình bởi cách cư xử thiếu tôn trọng trong QC có thể lây lan trong đời sống thực. Vì vậy, ông Minh cũng đề nghị “cần phải bổ sung quy định cấm QC gây bất bình đẳng giới”. 

Cùng quan điểm, ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung vào các hành vi cấm trong dự luật để hạn chế những tác nhân làm tăng định kiến về giới, vai trò của giới dẫn đến việc làm tăng sự phân biệt phiến diện thường thấy trong QC. Theo ĐB Thắm, việc dùng hình ảnh nhân vật nữ với các công việc giặt giũ, nấu nướng, phơi bày hình thể để QC sản phẩm hay phục vụ cho QC chương trình giải trí, còn hình ảnh nam là các nhà nghiên cứu khoa học, các doanh nhân thành đạt… “không chỉ gây bất bình đẳng giới mà còn ảnh hưởng không tốt tới việc giáo dục trẻ em”.


ĐB Lê Thị Nguyệt cho rằng QC rất dễ góp phần tạo nên các định kiến về giới - Ảnh: Ngọc Thắng

Chế tài nghiêm

Qua thảo luận, vấn đề ĐBQH tập trung “mổ xẻ” nhiều nhất là tình trạng QC sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, và đề nghị phải có chế tài nghiêm để xử lý.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) than phiền về tình trạng các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay nhiều QC sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiếp nhận nhưng không biết khiếu nại với ai. Ông Tuyết đề nghị bổ sung thêm nội dung trong trường hợp cơ quan thanh, kiểm tra phát hiện người QC cung cấp thông tin sai về hàng hóa, dịch vụ thì ngoài yêu cầu ngừng phát hành QC, cần thực hiện QC đính chính có thời lượng bằng thời lượng QC đã phát trước đó về sản phẩm, dịch vụ.

Cũng là ĐB đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân nhấn thêm: “Để bảo vệ cho quyền lợi của người tiếp nhận QC, cần phải quy định cụ thể đối tượng tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề bồi thường thiệt hại do sự QC sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”.

Cùng lo ngại, bức xúc trước thực tế có rất nhiều QC không đúng, chưa đúng sự thật, dễ gây hiểu nhầm được đăng tải và phát sóng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và người sử dụng hàng hóa, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị “cần có chế tài mạnh đối với người vi phạm". Vì theo ông Sang, hiện nay việc áp dụng biện pháp xử lý nhắc nhở bằng văn bản, phạt hành chính đối với người vi phạm không hiệu quả.

Ngoài vấn đề trên, đa số ĐBQH đề nghị giao Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về QC, thay vì dự luật quy định nhiệm vụ này là của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

Dành 43.300 tỉ đồng chi tăng lương 2012

Chiều 14.11, QH thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách T.Ư năm là 493.675 tỉ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỉ đồng, tổng cộng 762.900 tỉ đồng. Về dự toán chi, QH chấp thuận tổng số chi cân đối ngân sách T.Ư năm tới 633.875 tỉ đồng, trong đó chi cho cải cách tiền lương 43.300 tỉ đồng; chi cho phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý hành chính là 277.132 tỉ đồng; chi cho đầu tư phát triển hơn 95.000 tỉ đồng; ngân sách cũng dành 100.000 tỉ đồng chi cho trả nợ và viện trợ quốc gia...

Đối với 2.097 tỉ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách của địa phương, QH đồng ý phân bổ, nhưng yêu cầu ngân sách T.Ư tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Về 820 tỉ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương, QH yêu cầu trên cơ sở đánh giá tính cấp bách, mức độ cần thiết hỗ trợ, Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, phương án phân bổ 820 tỉ đồng vốn hỗ trợ đầu tư cho các địa phương trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định trước 31.12.2011. QH cũng chấp thuận tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương 3% so với năm 2011 cho 50 địa phương nhận trợ cấp từ ngân sách T.Ư...

Anh Vũ

 Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.