'Xích lô'… Nguyễn Bá Thanh

13/02/2015 15:32 GMT+7

(TNO) Gần 12 năm trước, Đội xích lô du lịch TP.Đà Nẵng ra đời từ chủ trương của ông Nguyễn Bá Thanh. Chủ trương này không chỉ giải quyết việc làm cho người nghèo, mà còn xóa bỏ tình trạng chèo kéo khách, giành giật mối chạy xe, vốn gây nên hình ảnh xấu cho TP Đà Nẵng.

(TNO) Gần 12 năm trước, Đội xích lô du lịch TP.Đà Nẵng ra đời từ chủ trương của ông Nguyễn Bá Thanh. Chủ trương này không chỉ giải quyết việc làm cho người nghèo, mà còn xóa bỏ tình trạng chèo kéo khách, giành giật mối chạy xe, vốn gây nên hình ảnh xấu cho TP Đà Nẵng.

“Xích lô”… Nguyễn Bá ThanhHình ảnh những chiếc xích lô đẹp đẽ, bắt mắt góp phần quảng bá du lịch Đà Nẵng
Nhận không gần 1 lượng vàng
"Xích lô... Nguyễn Bá Thanh" là tên mà các thành viên trong Đội xích lô du lịch đặt thân thương cho đội mình. Vì từ chủ trương của ông Thanh, đội xích lô này ra đời cách đây 12 năm đã giải quyết việc làm cho 70 người đàn ông thất nghiệp, trong khi họ là trụ cột của những gia đình nghèo, đông con, thân nhân nhiều bệnh tật mà không tìm ra sinh kế.
Như ông Bùi Quang Gia (55 tuổi), trước đây làm đủ nghề nhưng không đủ nuôi vợ và 2 con. Năm 2003, ông Gia được nhận vào Đội xích lô du lịch và thoát nghèo nhờ chủ trương này.
Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng tổ 3 đội xích lô nhớ lại, sau khi đi bộ đội về, ông Minh làm công nhân đến năm 2003 thì nghỉ do thu nhập bấp bênh. Lúc bấy giờ đang thất nghiệp thì ông hay tin ông Nguyễn Bá Thanh chủ trương thành lập Đội xích lô du lịch, nhằm giải quyết việc làm cho người thất nghiệp, đồng thời xây dựng hình ảnh Đà Nẵng, thành phố du lịch văn minh, thân thiện với du khách.
Thấy tiêu chí ưu tiên người thất nghiệp, bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo, từng đạp xích lô và yêu thích công việc này đều phù hợp nên ông nộp đơn đăng ký. Sau 2 tháng trải qua nhiều đợt phỏng vấn, xác minh của địa phương và các ban ngành, 70 người trong đó có ông Minh được chọn, nhận xe tại Nhà máy cơ khí ô tô (cũ).
Đội xích lô này ra đời tháng 9.2003, xuất quân hoành tráng tại Nhà hát Trưng Vương TP.Đà Nẵng. Đặc biệt ở chỗ, toàn bộ 70 chiếc xe đều do ngân sách đặt đóng và cấp cho thành viên.
“Trị giá chiếc xe hồi đó (2003) là 4,5 triệu đồng, tương đương 1 lượng vàng, người không biết thì thấy chiếc xích lô là bình thường, nhưng có rơi vào hoàn cảnh như tui, hồi trẻ cả 3 cha con đạp chung 1 chiếc xích lô cũ kỹ, thì mới quý tài sản mà thành phố trao tặng để làm cần câu cơm này”, ông Minh kể.
Ông Nguyễn Văn Minh (người đầu tiên) trong một chương trình quảng bá sản phẩm bằng xe xích lô
Các thành viên chỉ cần cam kết không được bán xe, nếu không hành nghề nữa thì trả lại cho thành phố, mỗi năm thành phố tổ chức hai đợt kiểm tra định kỳ bảo dưỡng, còn lại các thành viên tự chủ động quản lý, sử dụng.
Lo tết cho anh em
Mặc dù thu nhập từ nghề đạp xích lô không cao, nhưng việc làm ổn định và sự hỗ trợ của thành phố khiến các thành viên rất tâm huyết và gắn bó với nghề.
Trước đây, nghề đạp xích lô ở Đà Nẵng đã tồn tại từ lâu nhưng chủ yếu là chở hàng, phương tiện cũ kỹ. Việc cho ra đời Đội xích lô du lịch với giàn xe bằng inox sáng choang, sạch sẽ, mái che tươm tất đã tạo nên diện mạo mới. Các thành viên đồng phục áo mũ gọn gàng, được đào tạo ngoại ngữ góp phần giữ gìn hình ảnh du lịch Đà Nẵng với du khách quốc tế, đặc biệt là dẹp nạn chèo kéo khách du lịch.
“Từ trước đến nay thành phố cũng đã tổ chức 3 đợt học ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật cho 70 thành viên, tuy không chuyên sâu nhưng chúng tôi cũng nắm được các câu giao tiếp căn bản, thể hiện lòng hiếu khách và thân thiện, đại diện cho hình ảnh du lịch thành phố” , ông Minh nói.
“Xích lô”… Nguyễn Bá Thanh 2Đội xích lô du lịch còn nhận rước dâu
“Xích lô”… Nguyễn Bá Thanh 4Ông Nguyễn Bá Thanh trong những lần đi tiếp xúc trò chuyện với bà con Đà Nẵng
Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Văn Tiến, 60 tuổi, thành viên Đội xích lô du lịch Đà Nẵng: “Từ 2007, hằng năm, cuối năm anh xem xích lô xe thồ của chú thường nhận được số tiền trợ cấp của thành phố 250.000 đồng/người ủng hộ để ăn tết, chủ trương của thành phố đưa ra, anh em chú rất biết ơn ông Nguyễn Bá Thanh đã giúp cho công việc làm ăn và hằng năm hỗ trợ số tiền này”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Minh: “Thu nhập từ nghề xích lô dù không cao nhưng vẫn đỡ hơn nghề công nhân trước đây, giờ giấc chủ động, siêng đạp thì nhiều tiền, trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng cũng đủ trang trải cho gia đình mà điều làm chúng tôi cảm động là sự quan tâm của thành phố, lãnh đạo đã không quên bọn tôi, tạo điều kiện để nuôi vợ con”.
Những ngày nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh, mọi người ai cũng rất quan tâm và trông ngóng, ai cũng dành những lời chúc tốt lành đến vị lãnh đạo từng rất sâu sát và có nhiều hỗ trợ đến người lao động nghèo.
Ông Nguyễn Văn Tiến, 60 tuổi, thành viên Đội xích lô du lịch Đà Nẵng: “Chúng tôi cũng có đọc báo biết được tình hình sức khỏe bác Thanh, lo lắng lắm. Mong ông sớm hồi phục”.
Còn ông Nguyễn Hoàng Lâm (52 tuổi) chỉ mong: “Mình biết thì cũng chỉ để trong lòng và mong ông Thanh khỏi bệnh”.
Những lời cầu mong của các thành viên đội xích lô đã không thể thành sự thật. Ông Nguyễn Bá Thanh đã chia tay họ mãi mãi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.