Xét xử 'kỳ án bánh mì' ở Bến Tre: Tranh luận căng thẳng nguyên nhân ngộ độc

04/03/2015 04:39 GMT+7

Ngày 3.3, TAND TP.Bến Tre tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do bị ngộ độc khi ăn bánh mì mua tại tiệm Minh Tuyến (P.Phú Khương, TP.Bến Tre, Bến Tre).

Ngày 3.3, TAND TP.Bến Tre tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do bị ngộ độc khi ăn bánh mì mua tại tiệm Minh Tuyến (P.Phú Khương, TP.Bến Tre, Bến Tre).

Bà Nguyễn Thị Kim Thuyên trong một lần tiếp xúc với PV Thanh Niên trước khi phiên tòa diễn ra

Bà Nguyễn Thị Kim Thuyên trong một lần tiếp xúc với PV Thanh Niên trước khi phiên tòa diễn ra - Ảnh: Khoa Chiến

Nguyên đơn lần này là bà Nguyễn Thị Kim Thuyên (53 tuổi, ngụ P.4, TP.Bến Tre). Đây là vụ thứ 2 trong 22 vụ kiện tương tự kể trên.

Trước tòa, bà Nguyễn Thị Biết, đại diện nguyên đơn, tường trình vào lúc 16 giờ ngày 23.5.2013, bà Thuyên mua 1 ổ bánh mì tại tiệm Minh Tuyến. Bà ăn nửa ổ và chia cho con gái là Nguyễn Thị Thúy Linh ăn nửa ổ. Đến 2 giờ ngày 24.5.2013, cả hai đều bị đau bụng, tiêu chảy và sốt, phải tự mua thuốc về uống nhưng không hết. Đến 7 giờ cùng ngày, 2 mẹ con bà Thuyên phải nhập viện tại Bệnh viện Quân y tỉnh Bến Tre. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc do ăn bánh mì, phải điều trị đến ngày 28.5.2013 mới xuất viện. Do đó, bà Thuyên yêu cầu bà Võ Thị Minh Tuyến (chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến) phải bồi thường thiệt hại gồm các khoản như: viện phí, tiền thuốc điều trị, tiền mất thu nhập do nghỉ làm... với tổng trị giá trên 2 triệu đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm vụ kiện đầu tiên hôm 9.2, HĐXX đã bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Hoàng vì cho rằng không đủ chứng cứ chứng minh ông bị ngộ độc là do ăn bánh mì mua tại tiệm Minh Tuyến. Phiên tòa vắng mặt cả nguyên đơn lẫn bị đơn, chỉ có đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và luật sư bảo vệ cho bị đơn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, luật sư bảo vệ bị đơn, không chấp nhận yêu cầu trên. Thừa nhận việc bà Thuyên nhập viện do ngộ độc thực phẩm là có thật, nhưng theo báo cáo kết quả điều tra của Viện Vệ sinh - y tế công cộng TP.HCM, thì thức ăn của các bệnh nhân bao gồm thịt heo kho, bánh mì, cá biển kho, canh rau, hủ tiếu chay, rau sống... nên “lấy cơ sở nào để nói bánh mì Minh Tuyến là tác nhân gây ngộ độc?”. Cũng theo luật sư Dũng, nếu cho rằng bánh mì gây ngộ độc thì cần phải có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm, trong đó chứng minh “có bánh mì hoặc tinh bột gì đó... thì thân chủ tôi sẵn sàng bồi thường”.

Tranh luận với ông Dũng, bà Biết cho rằng việc yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm mới có căn cứ kết luận ngộ độc thực phẩm là không thỏa đáng về mặt pháp lý lẫn y học. Về mặt pháp lý, luật An toàn thực phẩm và Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm của Bộ Y tế quy định việc xác định ngộ độc thực phẩm được biểu hiện bằng những triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy... Về mặt y học, các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) đã có công văn giải thích các trường hợp ngộ độc thực phẩm không nhất thiết đều phải có xét nghiệm.

Cũng theo bà Biết, hoàn toàn có đủ căn cứ để chứng minh bà Thuyên bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì bởi đã có các văn bản kết luận của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nếu cho rằng báo cáo kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm của Viện Vệ sinh - y tế công cộng TP.HCM và của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bến Tre chưa đủ tính pháp lý thì cần phải đưa ra căn cứ khác để bác bỏ. Bà Biết cho rằng đây là vụ kiện liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng về an toàn thực phẩm nên đề nghị HĐXX khi xem xét giải quyết, ngoài việc áp dụng luật Dân sự, cần phải áp dụng luật An toàn thực phẩm và luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Phát biểu tại tòa, đại diện Viện KSND TP.Bến Tre đề nghị cần thu thập thêm các chứng cứ liên quan, trong đó có các mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm.

Theo kế hoạch, sáng nay (4.3) HĐXX tuyên án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.