VN sử dụng công nghệ an toàn cao cho điện hạt nhân

17/03/2011 00:33 GMT+7

Hôm qua 16.3, Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã tổ chức họp báo khẳng định sự cố điện hạt nhân tại Nhật Bản do động đất là bài học kinh nghiệm cho VN nhưng không ảnh hưởng đến việc phát triển điện hạt nhân tại VN. Công nghệ mà VN áp dụng có độ an toàn rất cao.

 

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khảo sát địa điểm dự kiến đặt nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận năm 2009 - Ảnh: Thiện Nhân

Theo dõi chặt chẽ sự cố ở Nhật

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến, sau khi xảy ra sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về hạt nhân, Bộ KH-CN đã quyết định thành lập tổ công tác gồm các chuyên gia và nhà quản lý đại diện 3 cơ quan chức năng chính của Bộ là: Viện Năng lượng nguyên tử VN; Cục An toàn bức xạ hạt nhân; Cục Năng lượng nguyên tử, thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố. Các chuyên gia cũng đã trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại VN, các tổ chức trong Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin, đảm bảo cung cấp thông tin cho các ngành, các cấp và xã hội một cách kịp thời, chính xác về sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

“Có nhiều thông tin hiện nay gây hoang mang cho nhân dân, chúng tôi thấy rằng, để định hướng đúng đắn cho thông tin về sự cố hạt nhân, sau buổi họp báo này, tổ công tác sẽ trực tiếp tổng hợp thông tin và cấp thông tin cho báo chí một cách chính thức. Quan điểm của Bộ KH-CN là dựa vào những nguồn tin chính thống của các cơ quan chức năng của Nhật Bản, của IAEA  và trực tiếp với đại diện của Nhật Bản có trách nhiệm tại VN. Các thông tin sẽ được cập nhật hằng ngày trên báo đài và được đăng tải tại trang web của Bộ KH-CN”, ông Tiến nói.

Ngày 15.3, Bộ KH-CN đã có báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng về toàn bộ sự cố xảy ra tại Nhà máy điện Fukushima 1 của Nhật Bản. Thứ trưởng Lê Đình Tiến nhấn mạnh: “VN đang bắt đầu chương trình điện hạt nhân. Những thông tin, đánh giá về sự cố điện hạt nhân sẽ là cơ sở cho các cấp lãnh đạo có thẩm quyền sau này có phương hướng, định hướng đúng đắn cho việc phát triển điện hạt nhân tại VN”.

Bài học kinh nghiệm cho điện hạt nhân VN 

Theo PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, yếu điểm của hệ thống giải nhiệt dư của Nhà máy Fukushima vẫn là sử dụng nguyên lý an toàn chủ động (active safety features), tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp. Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 1960 và 1970 thuộc thế hệ thứ 2, cho nên nguyên lý an toàn thụ động chưa được áp dụng.

Cục An toàn bức xạ đang xây dựng thông tư hướng dẫn các tỉnh và các cơ sở xây dựng kế hoạch khi có sự cố. Sau sự cố của Nhật Bản, các công việc sẽ được đẩy nhanh và tăng cường hơn, đặc biệt là tại một số khu vực giáp ranh với Trung Quốc - nơi có nhà máy điện hạt nhân gần biên giới VN. Hiện nay một số địa phương đã xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố gồm: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa.

“Ở Nhà máy điện Ninh Thuận của VN, những lò phản ứng thế hệ thứ 3 mà chúng ta lựa chọn theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ có đặc tính an toàn thụ động. Cho nên trong trường hợp xảy ra sự cố tương tự như ở Nhà máy Fukushima thì nhà máy sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung”, ông Tấn cho hay.

Về khả năng chống lại động đất và sóng thần của nhà máy điện hạt nhân VN, TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho biết: “Nhật Bản thường xuyên có động đất nên trong thiết kế đã tính toán đến chống động đất. Tuy nhiên, khi động đất ở mức cao đương nhiên tất cả tính toán đều không thể chống lại thiên tai. Trong tính toán của các chuyên gia, vùng đất được lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân của chúng ta khả năng sinh ra động đất không như ở Nhật nhưng chúng ta cũng phải đề phòng để làm sao trong tính toán thiết kế tính được với độ an toàn hơn”.

Theo ông Nhân, liên quan tới an toàn, ngoài công nghệ ra còn có yếu tố con người. “Đây là yếu tố quan trọng bởi nếu chúng ta không đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật có tính chuyên nghiệp cao thì việc vận hành khi có sự cố là rất khó khăn. Chính vì lý do đó, chúng ta tìm mọi cách để đào tạo con người. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này, phải ban hành và tuân thủ quy trình an toàn, đặc biệt là với sự vận hành, bảo dưỡng, xây dựng, kết hợp với xây dựng và thực hiện tự giác văn hóa an toàn. Nếu thực hiện được như vậy, tôi nghĩ rằng nhà máy điện hạt nhân của VN sẽ đảm bảo an toàn hơn. Mặc dù đây là sự cố, nhưng không làm mất đi mong muốn của chúng ta trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đây sẽ là bài học lớn khi triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại VN”, TS Nhân nhấn mạnh.

Về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại VN, TS Đặng Thanh Lương cho biết, Bộ KH-CN đã xây dựng dự thảo thông tư liên quan đến xây dựng cơ sở hạt nhân, dự thảo này được trao đổi với nhiều chuyên gia quốc tế của Mỹ, Nga, cũng như chuyên gia của IAEA để đưa ra tiêu chí và yêu cầu địa điểm làm thế nào đảm bảo an toàn nhất.

Mây phóng xạ không bay sang VN

TS Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH-CN) cho hay: “Các trạm quan trắc của VN đo 24 giờ/7 ngày, chưa phát hiện có sự bất thường. Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Kỹ thuật hạt nhân đo độ phóng xạ trong không khí, các số liệu mẫu cho thấy lãnh thổ VN chưa bị ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân từ Nhật. Theo tính toán của các chuyên gia khí tượng quốc tế, đám mây phóng xạ bay theo hướng đông bắc của Nhật Bản, theo hướng gió ra ngoài biển. Dự báo tính đến ngày 18.3, tất cả đám mây phóng xạ bay phần lớn theo hướng đông bắc ra ngoài biển và chắc chắn không bay sang VN”.

Trả lời báo chí, VN sẽ ứng phó sự cố như thế nào trong trường hợp giả định gió đổi chiều và sự cố tiếp tục có chiều hướng xấu? TS Hoàng Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN) cho rằng, trong trường hợp xảy ra sự cố thì cũng không thể lặp lại giống như vụ nổ Chernobyl. TS Tuấn phân tích: “Chernobyl và Nhật Bản hoàn toàn khác nhau về bản chất. Lò phản ứng của Chernobyl không có lò bảo vệ bê tông cốt sắt, nổ tung trong khi đang hoạt động với công suất lớn. Còn lò của Nhà máy Fukushima được bảo vệ bằng một lõi thép dày từ 15 - 20 cm. Chúng tôi nghĩ rằng, cơ bản phóng xạ hạt nhân đang nằm trong lò. Dù nóng chảy có thể xảy ra, nhưng chỉ ảnh hưởng cục bộ ở nhà máy, còn ảnh hưởng đến con người rất thấp”.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.