Việt Nam tự hào về Thủ tướng Võ Văn Kiệt

15/06/2008 00:40 GMT+7

* Tiếc thương Ông Sáu Vì Dân * Thế giới đánh giá cao những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt * Hàng trăm đoàn đại biểu đến viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt Lễ viếng Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (VTV) Lễ truy điệu Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (VTV) Lễ an táng Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (VTV)

 

* Người tạo diện mạo cho ĐBSCL
* Báo chí quốc tế viết về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
* Người bạn lớn của bóng đá trẻ Việt Nam
* Một bộ óc lớn đã ngừng tư duy 

Sáng qua 14.6, tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, lễ viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang.

Lễ viếng chính thức bắt đầu từ 8 giờ sáng, nhưng từ rất sớm, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội... đã vào thắp nén nhang thơm tiễn biệt người đồng chí, một tấm gương hết lòng vì sự nghiệp cách mạng.

Linh cữu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt trang trọng giữa hội trường, phủ lên lá cờ đỏ sao vàng, phía trên ghi dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Văn Kiệt. Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam".

Lễ viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo nghi thức Quốc tang  - Ảnh: Đ.Trung

Đúng 8 giờ, đoàn đại biểu cấp cao Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh dẫn đầu vào viếng. Cùng đi có nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Mỗi người thắp một nén nhang, rồi chầm chậm bước lại nhìn mặt người đồng chí lần cuối. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tuổi đã cao, khi đến viếng phải ngồi xe đẩy, nhưng ông vẫn yêu cầu những người trợ giúp nâng dậy, dìu đến bên quan tài để tiễn "người bạn chiến đấu thân thiết, người đồng chí đã vượt qua mọi hiểm nguy gian khó, vượt qua bao nhiêu đau thương mất mát... hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước phân công".

Cả cuộc đời tận tâm, tận lực vì nước, vì dân
Theo Ban tổ chức Lễ tang, tính đến 18 giờ chiều qua, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có gần 1.000 đoàn đến viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong đó có khoảng 50 đoàn nước ngoài.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh viết vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Văn Kiệt, người đảng viên Cộng sản mẫu mực, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, trọn cuộc đời chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Suốt gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của mình, trên nhiều cương vị lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương, trong thời chiến cũng như trong hòa bình, được trui rèn trong đấu tranh cách mạng với bản lĩnh cách mạng và sáng tạo, gắn bó máu thịt với nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn và xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, để lại tình cảm sâu nặng với đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Đồng chí là tấm gương trong sáng và mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là người con thân yêu của đất nước và của nhân dân ta”.

Đoàn đại biểu cấp cao Ban Chấp hành Trung ương Đảng viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: Đ. Trung

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ nỗi buồn sâu sắc: “Vĩnh biệt anh, người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc.

Anh, một người lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, một người lãnh đạo tích cực đổi mới, năng động, sáng tạo...

Ở Anh, một tầm nhìn chiến lược, một tư tưởng lớn, một tấm lòng bao dung, một tính cách tự tin, quyết đoán... một tính cách Võ Văn Kiệt.

Chúng tôi nguyện tiếp bước con đường của Anh, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn”.

Một trong những người kế nhiệm ông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí VÕ VĂN KIỆT - SÁU DN. Người con ưu tú, thủy chung của dân tộc Việt Nam - của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi sổ tang - Ảnh: Đ.Trung

Người ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN tận tụy, kiên trung, bất khuất, anh hùng. Cả cuộc đời tận tâm, tận lực vì nước, vì dân.

Một nhà lãnh đạo đầy tâm huyết, tài năng, đổi mới, kiên định, lịch lãm, nghĩa tình và luôn sáng tạo. Một nhà lãnh đạo tầm cỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Người học trò mẫu mực, xuất sắc của Chủ tịch HỒ CHÍ MINH.

Người Thủ tướng đầy bản lĩnh, hành động, quyết đoán và chịu trách nhiệm rất cao. Việt Nam sẽ luôn tự hào về Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT.

Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ và trân trọng công lao to lớn với dân, với nước của Đồng chí. Chúng tôi nguyện học tập noi gương và nỗ lực phấn đấu hết mình để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc TỔ QUỐC VIỆT NAM XHCN - dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà đồng chí hằng mong muốn".

Quên cả khi đầu bạc...

Với nhiều người đồng chí, đồng đội và người dân, sự ra đi của ông quá đột ngột, nhiều người bàng hoàng và không tin đó là sự thật vì mới đó còn thấy ông lặn lội từ Nam ra Bắc, đi đến nhiều địa phương để lắng nghe tiếng nói từ cơ sở về những vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay; rồi dự định đi Hà Lan học hỏi kinh nghiệm chống ngập... Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu xúc động: "Anh ra đi đột ngột. Đồng chí, đồng bào thương tiếc anh. Một người cộng sản kiên cường, một nhà hoạt động chính trị thực tiễn, năng động, dám nghĩ, dám làm, giàu nghị lực, tri thức còn rất sung sức và còn rất trẻ. Anh có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng, tư duy nhạåy bén trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước hiện nay". Với nguyên Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương, tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi khiến ông “thật sự bàng hoàng”. “Với tôi, anh là người đồng chí, người anh em. Tôi không nghĩ anh lại ra đi trước tôi vì anh còn rất phong độ" - ông Trần Quốc Hương bùi ngùi.

Ngồi trước cuốn sổ tang, cảm xúc cứ trào dâng trong nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được. Và, ông điền vào đó một bài thơ đầy xúc cảm, khắc họa một con người rất Võ Văn Kiệt:

“Anh ơi:
Thời gian đếm từng Xuân
Tuổi xanh qua từng phút
Quên cả lúc chồn chân
Quên cả khi đầu bạc
Trong nụ cười ánh mắt
Anh để lại cho dân
Những công trình có thật
Những câu nói chân thành
Anh ơi rằng: đi vội
Ý tưởng nào dở dang
Bao mùa Xuân đang tới
Nâng niu sợi tơ đàn
Vĩnh biệt anh Sáu Dân
Trời mưa đẫm nước mắt
Từng giây ta bắt gặp
Hình anh lúc khải hoàn..
.”.

“Không thể không đến viếng ông Sáu”

Do lễ viếng diễn ra trong 1 ngày đêm, nên vào buổi sáng 14.6 Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp để các đoàn Trung ương, các tỉnh và ngoại giao đoàn vào viếng trước. Vì thế, nhiều đoàn đến viếng phải chờ từ sáng tới trưa mới đến lượt. Chờ, nhưng không một lời phàn nàn. Vì với họ, đến viếng chú Sáu Dân là để tỏ lòng kính trọng đối với một nhân cách lớn hết lòng vì nước, vì dân. Như đoàn giáo hội Thánh Cao Đài Việt Nam gồm gần 20 cụ tuổi đã cao, nhưng vẫn lặn lội từ Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Cần Thơ... về lập đoàn vào viếng. Hầu hết các cụ phải đi xe đò từ suốt đêm hôm trước, sáng sớm đã có mặt tại Hội trường Thống Nhất. Tái Đầu sư, Trưởng ban thường trực Cao Đài Minh Chơn Đạo hội Trần Đức Tăng cho biết: “Chúng tôi nghe tin ông Sáu Dân mất thì tự gọi điện cho nhau tập hợp về thành phố để viếng ông lần cuối, vì khi ông Sáu hoạt động ở dưới đó, ông thâm nhập vào các hội thánh, dìu dắt các hội thánh Cao Đài phía Nam thành lập một khối đoàn kết để đấu tranh với chế độ Sài Gòn cũ. Chúng tôi rất quý trọng ông”.

Chờ vào viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: Đ.Trung

Tương tự, hơn 30 nữ cựu tù chính trị khi hay tin chú Sáu Dân mất cũng tự tập hợp nhau lại đi viếng. Các cụ tuổi đều đã cao, như cụ Đoàn Thị Kim Hương, 83 tuổi, nguyên quán ở Quảng Ngãi, đến viếng phải có người đi cạnh để dìu, nhưng “không thể không đến viếng ông Sáu”. Chấm dòng nước mắt trào ra, cụ kể: "Vào những năm đầu khi đất nước mới giải phóng, tôi làm kiểm tra Đảng ở Phú Nhuận, còn ông Sáu là lãnh đạo thành phố. Tôi còn nhớ lần đó tôi nằm ở bệnh viện Thống Nhất, ông Sáu cũng bị bệnh phải nằm viện. Nhưng khi nghe một đồng chí vào báo cáo thành phố đang rất thiếu lương thực, thế là ông Sáu vùng vậy, xách cặp về miền Tây lo gạo cho người dân thành phố. Người như thế mà...”. 

Đ.T

Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.