Ứng cử ĐBQH khóa XIII: Phải trung thực khi kê khai tài sản

05/03/2011 00:11 GMT+7

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Hướng dẫn việc giới thiệu những người ứng cử ĐBQH khóa XIII của các cơ quan tổ chức đơn vị ở T.Ư do Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức ngày 4.3, Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết quy định về kê khai tài sản (KKTS), kiểm chứng việc KKTS có trung thực hay không đối với người ứng cử ĐBQH vẫn chưa có gì thay đổi so với trước. Việc kê khai trước hết dựa vào sự tự giác của những người ứng cử.

Thưa ông, cử tri rất khó kiểm chứng tính trung thực của bản KKTS của người ứng cử khi luật hiện hành chỉ quy định công khai bản kết luận KKTS người ứng cử (tại hội nghị tiếp xúc cử tri nơi người ứng cử cư trú và nơi công tác) mà không bắt buộc công khai tài sản đã kê khai?

Phải KKTS có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên

Hướng dẫn KKTS của người ứng cử ĐBQH, ông Lê Tiến Hào cho biết, các ứng viên phải kê khai trung thực tài sản của bản thân, vợ (chồng) và con chưa thành niên. Các loại tài sản phải kê khai là nhà, quyền sử dụng đất, tài sản, tài khoản ở nước ngoài, lương và thu nhập khác; ô tô, mô tô, tàu thuyền, đá quý, cổ phiếu, sổ tiết kiệm, tiền... có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

Sau Hội nghị Hướng dẫn việc giới thiệu những người ứng cử ĐBQH khóa XIII, các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở T.Ư sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn để giới thiệu, lựa chọn những ĐB tiêu biểu của đơn vị mình ra ứng cử ĐBQH khóa XIII.

Trước hết người kê khai phải trung thực. Thứ hai là cơ quan quản lý nhận bản kê khai của người ứng cử thì phải có trách nhiệm xem xét, nếu phát hiện có vấn đề phải yêu cầu người ứng cử xác minh. Ngoài ra còn có thể thông qua kênh tố cáo, phản ánh của người dân, cá nhân nào đó (không phải đơn thư nặc danh - pv) để kiểm chứng. Luật quy định bản KKTS đó không phải công khai thì phải thực hiện theo luật.

Việc bầu cử ĐBQH khóa XII có phát hiện ra nhiều trường hợp KKTS không trung thực không?

Theo tôi biết cũng đã phát hiện ra một số trường hợp và những trường hợp đó đã bị xử lý bằng nhiều cách. Một số trường hợp đưa ra khỏi danh sách bầu cử, ứng cử, số khác bị kỷ luật, thậm chí có người đã bị cách chức.

Theo đánh giá của ông thì biện pháp kiểm soát tính trung thực của các bản KKTS theo quy định hiện hành liệu có đảm bảo phát hiện được những trường hợp gian lận khi kê khai?

Như tôi đã nói, người ứng cử phải thực hiện kê khai theo đúng pháp luật, còn Chính phủ cũng đang giao nghiên cứu sửa đổi Nghị định 37 (về minh bạch tài sản, thu nhập - pv). Hiện nay, luật và các quy định chủ yếu dựa vào sự tự giác của những người kê khai, còn biện pháp kiểm soát thì có rất nhiều, được ghi rõ trong luật, tất nhiên là cũng chưa thể kiểm soát hết được.

Việc người ứng cử KKTS với số lượng lớn thì có ảnh hưởng gì đến cơ hội trúng cử hay không? 

 Theo tôi nhiều hay ít tài sản không quan trọng, nếu đó là những tài sản chính đáng, vì chúng ta có chính sách khuyến khích làm giàu chính đáng. Nếu người ứng cử ĐBQH làm giàu một cách chính đáng thì việc có nhiều tài sản là tốt. Kể cả  trường hợp công nhân viên chức cũng vậy.

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.