Tự tử vì mạng xã hội

02/11/2015 12:53 GMT+7

(TNO) Những cái chết đau lòng chỉ vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội ngày càng nhiều, gióng hồi chuông báo động về cách hành xử trên thế giới ảo.

(TNO) Những cái chết đau lòng chỉ vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội ngày càng nhiều, gióng hồi chuông báo động về cách hành xử trên thế giới ảo.

Tháng 6.2013, P.U.N., nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử. Người nhà N. may mắn phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được tiết lộ sau đó, chỉ vì N. bị trang fanpage B.M.T.C.C.H.Đ.T. viết bài vu khống để thóa mạ, bôi nhọ lên Facebook. Nhiều dân mạng đã a dua chỉ trích, xúc phạm N. thậm tệ. Quá mệt mỏi, N. tìm đến cái chết.
Sao Việt mệt mỏi vì Facebook
Tháng 7.2015, nam ca sĩ Tuấn Hưng đã từng chia sẻ với Thanh Niên Online phải ngừng sử dụng Facebook vì không chịu được áp lực từ mạng xã hội này, cảm thấy mệt mỏi và chán chường trước những bình luận chửi rủa của dân mạng. Các hoa hậu Diễm Hương, Kỳ Duyên, ca sĩ Bảo Thy… cũng từng ta thán quá sợ những chỉ trích, xúc phạm, “búa rìu” từ mạng xã hội.
X.P
Câu chuyện đau lòng kể trên không ngoại lệ, bởi có không ít nữ sinh tìm đến cái chết chỉ vì mạng xã hội.
Ngày 27.6.2013, N.T.C.L. khi đó là nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở H.Thạch Thất (Hà Nội), đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng xã hội này đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L., khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết.
Cách đây không lâu, vào ngày 17.6, N.T.A.T., nữ sinh lớp 9 của một trường THCS ở H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ. Cái chết tức tưởi này vì lý do T. phát hiện đoạn video clip ghi lại cảnh ân ái của T. và người yêu bị phát tán và lan truyền trên mạng. T. tự tử vì cảm thấy tủi hổ và không chịu nỗi áp lực từ những bình luận ác ý của dân mạng.
Nhiều chuyên gia tâm lý cũng chia sẻ đã từng gặp vô số trường hợp các nữ sinh tìm đến các trung tâm tư vấn tâm lý, hoặc gọi điện thoại với lời kêu cứu: “Phải làm gì bây giờ, bởi không thể chịu nỗi những áp lực vô hình đến từ mạng xã hội”.
Lá thư của nữ sinh N.T.T.L để lại đề cập đến nguyên nhân khiến nữ sinh này tự tử - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Chuyên gia tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn, kể có những lần nửa đêm, nghe giọng cô gái khóc tức tưởi trong điện thoại, trải lòng rằng không còn muốn sống, chỉ muốn chết ngay mà thôi, vì bị xỉ vả, xúc phạm đủ điều trên Facebook.
Bà Hằng phân tích, những áp lực mà các nữ sinh gặp phải phần lớn là từ những bình luận mang hàm ý “ném đá hội đồng”, cố tình mạt sát, thóa mạ của dân mạng. Những bình luận ác ý ấy đã đẩy dồn nạn nhân vào bước đường cùng. Vì còn khá trẻ, tâm sinh lý chưa vững vàng, họ không đủ bình tâm, bản lĩnh và kỹ năng, kiến thức để đối đầu với những sóng gió từ mạng xã hội, cũng như cách để vượt qua áp lực. Họ cảm thấy không còn lối thoát rồi dại dột tìm đến cái chết.
Đừng “ném đá” người khác
Theo bà Hằng, giá như khi phát hiện những hình ảnh bị gán ghép, những bài viết trên mạng nhằm bêu riếu người khác, những video clip phản cảm bị phát tán, dân mạng đồng loạt báo cáo sai phạm cho mạng xã hội chủ quản, không hưởng ứng, không chung tay chỉ trích, xúc phạm họ. Đồng thời những nạn nhân đủ bình tâm, chia sẻ sự việc với gia đình… thì những chuyện đau lòng, cái chết tức tưởi đã không xảy ra.
Ngày 29.10, tại phiên thảo luận về dự luật luật An toàn thông tin mạng tại Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần hành lang pháp lý bảo vệ thông tin riêng tư để chặn các vụ tương tự trường hợp một nữ sinh phải tự vẫn do không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội - Ảnh: Ngọc Thắng 
Trước thực trạng một bộ phận dân mạng ngày càng bị nhiễm “bệnh ném đá hội đồng” người khác, vô tình dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, khuyên đừng bao giờ “ném đá” bất kỳ ai. “Vì sẽ làm méo mó hình ảnh của bản thân. Không chỉ vậy, còn khiến người khác bị tổn thương thể lý lẫn tinh thần. Và mạng xã hội tuy ảo nhưng thật, đôi khi những cái like (thích), share (chia sẻ) hay comment (bình luận) có thể giết chết người. Những sự việc nữ sinh tự tử vì không chịu nỗi áp lực từ mạng xã hội là minh chứng rõ ràng. Chính vì cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội”, ông Duy nói.
Với những ai đã và đang là nạn nhân của việc “ném đá” trên mạng xã hội, ông Duy cho rằng: “Thái độ cần có là bình tĩnh và chia sẻ. ình tĩnh để không hành động dại dột, chia sẻ để tìm thêm nguồn động lực nâng đỡ lúc yếu thế. Hãy chia sẻ với những người thân mà mình tin tưởng. Sau đó cần nhìn nhận xem việc ném đá đúng sai thế nào. Nếu sai thì sửa, nếu đúng thì không cần bận tâm đến những bình luận của những người trên mạng, những người mà có khi cả đời mình không gặp”. 
Ý kiến
“Mỗi người hãy biết quý trọng bản thân, đừng dại dột tìm đến cái chết bởi những tác động từ mạng xã hội. Phụ huynh cần biết quan tâm con cái nhiều hơn, hãy là chỗ dựa tinh thần, là người bạn đồng hành để vực dậy con cái khi chúng bị rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội. Và mỗi dân mạng hãy hành xử văn minh hơn, ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác thì những câu chuyện đau lòng sẽ không còn xảy ra nữa”, (Lê Thành An, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
“Tham gia vào mạng xã hội thì đừng vô cảm. Vô cảm ở đây chính là chia sẻ những bài viết có ý bôi nhọ người khác, và bình luận kiểu a dua, vào hùa ác ý, cố tình xúc phạm người khác, khiến họ bế tắc đến tận cùng” (Hà Ngọc Quý, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM).
“Có bao sự việc đau lòng, cướp đi những mạng người chỉ vì mạng xã hội. Đã đến lúc cộng đồng mạng hãy có ý thức hơn khi sử dụng nó, ý thức trong từng lời nói, hành động, đừng tàn nhẫn giết người với vũ khí mạng xã hội nữa”, (Võ Tường Vy, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM).
 
 Nhiều vụ tự tử vì mạng xã hội trên thế giới
Tháng 10.2008, nữ diễn viên nổi tiếng người Hàn Quốc Choi Jin Sil đã bị căng thẳng nặng do những lời đồn đại, những tin nhắn mang tính phỉ báng cô và các con của cô trên mạng. Chịu không nổi áp lực quá lớn từ những kẻ vô danh trên mạng và dư luận, nữ diễn viên nổi tiếng đã tìm đến cái chết.
Tháng 8.2013, bé gái có tên Hannah Smith đã treo cổ tự vẫn vì nhận được những câu hỏi trêu đùa ác ý trên trang ask.fm. Sau đó cha của Hannah Smith đã kêu gọi nên đóng cửa trang ask.fm vĩnh viễn.
Tháng 9.2013, bé gái Rebecca Ann Sedwick (12 tuổi, ở bang Florida, Mỹ) đã nhảy lầu tự tử. Cảnh sát đã kết luận bé gái này chết vì bị tác động bởi những lời bắt nạt trên mạng xã hội. Rebecca Ann Sedwick liên tục bị những người tương tác trên mạng nguyền rủa, đề nghị: “hãy hủy hoại bản thân”, “hãy tự chết đi”, “tại sao mày vẫn còn sống trên đời”…
Ngày 29.5.2015, bé gái 13 tuổi người Mỹ Izabel Laxamana đã nhảy cầu tự tử. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này được cho là bị bố tung video clip bêu xấu lên mạng.
Ngày 9.6.2015, chàng trai 17 tuổi Ronan Hughes (Bắc Ireland) cũng tìm đến cái chết do bị lừa đảo và đăng ảnh bêu xếu trên các diễn đàn mạng. Khi cảnh sát đang tiến hành điều tra những kẻ ẩn danh xúc phạm danh dự của Ronan Hughes thì chàng trai này tự tử.
22.10.2015, cô gái chuyển giới Ashley Hallstrom (26 tuổi, Mỹ) đã tự tử bằng cách lao mình vào một chiếc xe tải đang lưu thông trên đường cao tốc. Trước khi chết, Ashley Hallstrom viết tâm thư “tôi không thể trụ vững để sống tiếp qua ngày mai”, mà nguyên nhân là vì cảm thấy mệt mỏi với những chỉ trích trên mạng xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.