Trường Sa thiếu nước ngọt

06/01/2008 23:48 GMT+7

Ở quần đảo Trường Sa, những người lính đảo từ bao lâu nay vẫn chung sống với cái thiếu nước thường kỳ và khao khát những cơn mưa như một câu trong bài hát Mưa Trường Sa nổi tiếng: "mưa đi, mưa đi, đảo nhỏ chờ mưa!".

Hơn 100 đảo chìm và đảo nổi trong khu vực quần đảo Trường Sa là hơn 100 điểm nằm trong khu vực 4 tháng mưa không thấy mặt trời và 8 tháng không có lấy một giọt mưa. Thời gian khô hạn gấp đôi thời gian mưa đã cho thấy thời gian thiếu nước với những người sống ở đảo mới dài dằng dặc xiết bao.

Với những đảo nổi, có một số đảo có mạch nước ngầm, người ở đảo đào giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng mùa khô thì nếu như biển mặn 10, nước lấy từ dưới lòng đất lên cũng mặn đến 7, 8 phần. Nước ngầm không có đủ cung cấp nên người ở đảo thường chỉ trông chờ từ nguồn nước thiên nhiên, cụ thể ở đây là mưa. Mỗi khi có mưa, các đảo nổi sẽ tập trung hứng nước mưa từ mái nhà chuyền về các bể ngầm dưới mặt đất.

Bồn trữ nước ngọt trên đảo - Ảnh: T.Tú

Đảo chìm nước càng khó khăn. Mùa mưa nước sẵn đó nhưng không có đủ diện tích để mà chứa nước cho cả 8 tháng còn lại nên lượng nước dự trữ cho mùa khô rất có giới hạn. Các đảo thậm chí phải lên lịch cho bộ đội tắm, có khi tuần mới tắm 1 lần, giặt giũ nửa tháng mới có một lần. Khi tắm thì tắm nước mặn và chỉ  được  "tráng" lại nước ngọt. Người ở đảo tiết kiệm nước đã thành thói quen, khi tắm thường phải đứng trong một cái khay để tận dụng nước đã tắm mà tưới rau. Quy định theo tiêu chuẩn của Nhà nước là 140 lít mỗi người một ngày nhưng hiện tại nước cung cấp cho các chiến sĩ chỉ khoảng 30 đến 40 lít nước mỗi ngày, cho mọi sinh hoạt. 

Khi chúng tôi tò mò về việc tại sao không chở nước ngọt ra cho đảo, mọi người ở đây đều lắc đầu bởi việc chở nước ngọt ra đảo dù chỉ trong cuối mùa khô cũng là không khả thi do sự tốn kém và khó khăn về phương tiện chuyên chở. Các chuyến tàu thường chỉ để chở nhu yếu phẩm, thuốc men và nhiều vật dụng cần thiết khác cũng đã mất nhiều công sức. Chưa kể xa xôi, đi có khi hơn 2 ngày mới đến một đảo, chở bao nhiêu nước là vừa?

Mỗi đảo chìm sức chứa nước dự trữ chỉ được khoảng 60 khối. Đến mùa khô, lịch cấp phát nước ở đảo chìm bắt đầu theo ngày và luôn phải cân đối được lượng nước dự trữ bắt buộc phải dùng đủ cho hết mùa khô, đến khi có mưa xuống để dự trữ nước cho mùa tiếp nối.

Thế mới hiểu tại sao bài hát Mưa Trường Sa với những câu hát trong đó thực sự là những khao khát của người lính đảo, chờ mỗi một cơn mưa xuống dường như mát lành còn hơn cả nụ hôn của người yêu. Quần áo của người sống ở đảo khi giặt cũng là giặt xuống biển, giặt thật sạch sau đó "nhúng" lần cuối qua nước ngọt để phơi. Bởi nước ngọt đó cũng dùng để tưới rau hoặc làm các công việc cần nước ngọt khác. Nhiều khi những người dân đánh cá cũng vào xin nước ngọt của anh em, nhưng lượng nước có ít nên phải điện báo cáo vào chỉ huy và thường thì không từ chối dân bao giờ, do đó càng thiếu nước. Cũng như mỗi khi có khách đất liền, người ở đảo chắt chiu là vậy vẫn hào phóng múc từng thau nước cho khách rửa mặt, rửa tay. Nhưng khách đất liền biết cái khô hạn của đảo, thường không nỡ…

Mùa khô lượng nước cho mỗi người trong mỗi ngày được phân phát theo lon. Trung úy Hoàng Đình Luân, một người lính hải quân đã từng sống ở đảo chìm Tốc Tan C kể với chúng tôi: "Trong suốt 8 tháng trời của mùa khô hạn, không một cơn mưa cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi mỗi ngày chỉ được khoảng 20 lít nước hoặc thậm chí ít hơn. Trung bình 4 ngày tắm 1 lần. Nỗi khao khát nước là những khi bất chợt có những cơn mây đen kéo đến, lính đảo ngửa cổ lên trời mà chờ đợi nhưng đôi khi gió từ đâu thổi lại làm những đám mây hứa hẹn những cơn mưa ấy bay đi mất. Không có mưa, đó là nỗi thất vọng vô cùng lớn cho lính đảo".

Đến mùa mưa, trước khi những cơn mưa đầu tiên trút "nước của trời" xuống, người ở đảo phải rửa sạch hành lang (đặc trưng đảo chìm là bể chứa nước ngầm nên không dùng máng xối như ở đất liền) hứng nước, chuẩn bị cho việc trữ nước mùa khô. Khoảng 4 tháng mùa mưa đó phải bằng mọi cách lấy nước dự trữ cho đảo. Nên bất cứ cái gì đựng được nước đều dùng để trữ nước. 4 tháng mưa là tháng 11, 12, 1, 2. Sau Tết bắt đầu những tháng khô. Mùa khô nỗi khổ nhất của người lính là ít được tắm, nhất là khi đi câu cá lấy thức ăn, mùi cá ngấm vào người. Chịu đựng và chắt chiu từng hạt nước đã thành nếp. Vì thế nên trên thành bể nước thường viết câu "nước là máu". Quần áo lính đảo vì thiếu nước cũng luôn có mùi đặc trưng của muối, mà anh Luân gọi là "mùi hắc hắc".

Cả nước đang hướng về Trường Sa, Hoàng Sa. Đời sống của những người ở đảo đang được cải thiện rất nhiều, nhưng nước thì vẫn thiếu.

Báo Thanh Niên kêu gọi bạn đọc hiến kế giải pháp và mô hình cung cấp nước ngọt tại chỗ cho Trường Sa

Từ phản ánh của phóng viên Báo Thanh Niên, vấn đề bảo đảm nước ngọt cho Trường Sa có thể giải quyết theo hai hướng: Một là xây dựng nhiều công trình chứa nước mưa để bảo đảm nước mưa được dự trữ nhiều nhất, hai là áp dụng công nghệ xử lý biến nước mặn thành nước ngọt. Về áp dụng công nghệ xử lý nước, chúng tôi có trao đổi với anh Nguyễn Hoàng Long, chuyên gia Hiệp hội chất lượng nước Hoa Kỳ, hiện là Giám đốc Công ty M-Kitech (TP.HCM). Anh Long rất hoan nghênh Báo Thanh Niên đặt vấn đề vận động bảo đảm nước ngọt cho Trường Sa và cho biết anh sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nếu áp dụng công nghệ xử lý biến nước mặn thành nước ngọt. Công nghệ này đang được áp dụng để cung ứng nước ngọt trên các tàu biển, tuy nhiên nếu đưa công nghệ này lên Trường Sa thì gặp vấn đề nan giải là nguồn điện để chạy máy.

Báo Thanh Niên kêu gọi các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp và bạn đọc hiến kế giải pháp cũng như mô hình cung ứng nước ngọt tại chỗ cho Trường Sa. Sau khi chọn được giải pháp và mô hình khả thi, Thanh Niên sẽ mở cuộc vận động bạn đọc đóng góp để thực thi nhằm sớm đáp ứng đủ nước ngọt cho các chiến sĩ đang ngày đêm đứng đầu sóng ngọn gió canh giữ chủ quyền quần đảo và biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về Tòa soạn Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: ykien@thanhnien.com.vn.

Lê Thị Thái Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.