Trung ương không bao giờ để ngư dân ‘tự bơi’

30/06/2015 05:19 GMT+7

Ngày 29.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tổ ĐBQH đơn vị 1 tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM), lắng nghe và giải đáp nhiều bức xúc của người dân.

Ngày 29.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tổ ĐBQH đơn vị 1 tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM), lắng nghe và giải đáp nhiều bức xúc của người dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ bà con cử tri TP.HCM Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ bà con cử tri TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tại buổi tiếp xúc, có gần 30 ý kiến của cử tri tập trung phản ánh về giá điện, giá xăng tăng bất hợp lý; nợ công và lãng phí trong đầu tư công; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn... Đặc biệt nhiều cử tri lo lắng về tình hình Biển Đông hiện nay. Việc Trung Quốc mở rộng, bồi lấp các đảo chìm là hành động xâm lấn chủ quyền của VN. Hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân VN đang bị đe dọa, bị ảnh hưởng rất lớn vì Trung Quốc gây rối, cản trở, gây hư hỏng phương tiện.

Chủ tịch nước trân trọng tiếp thu các ý kiến của cử tri. Về vấn đề giá xăng, giá điện, Chủ tịch nước khẳng định sẽ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương nghiên cứu kỹ và cách thức giải quyết thế nào sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Đừng chọn lọc đến mức mà sự thật không nói ra”

 Chủ tịch nước khẳng định T.Ư nhất quán lập trường giữ vững chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ. “Chúng ta không chỉ lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông mà trong các cuộc đàm phán, tranh luận cũng nảy lửa với nhau; song phương, đa phương làm rất là dữ. Không phải chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng mà cả hệ thống chính trị đều làm việc, kể cả cấp cao cũng ra quân liên tục”, ông nói. Chủ tịch nước khẳng định T.Ư không bao giờ để ngư dân “tự bơi”. T.Ư đã xác định việc chăm lo, bảo vệ đời sống và hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân là một trong những trọng tâm lớn của chiến lược biển VN.

Liên quan đến ý kiến cho rằng “những người tham ô do học hành ít”, Chủ tịch nước khẳng định: “Không phải như vậy đâu. Thực tế học nhiều lắm. Vấn đề ở đây là đạo đức. Gọi là suy thoái về đạo đức lối sống, nôm na gọi là hư hỏng, chứ không phải do học ít”. Ông nói thêm: “Phải đấu tranh để làm cho những người này hết suy thoái. Bản thân những người này phải rèn luyện, phải trong sạch, sống và làm việc với tư tưởng phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước thì mới hết tham nhũng được”.

Theo Chủ tịch nước, cán bộ, đảng viên là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân, do vậy cần phải nói lên tiếng nói của dân. “Chúng ta phát biểu có chọn lọc nhưng đừng chọn lọc đến mức mà sự thật không nói ra. Cứ mạnh dạn nói”, ông nói và khẳng định nếu không phản ánh sự thật, không giải quyết những tồn tại, hạn chế thì mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân sẽ không ổn. “Trong chiến tranh giành độc lập dân tộc, đổ máu mấy triệu người, không sợ chết. Vào tù, bị tra tấn ghê gớm, liên tục vẫn không sợ, vẫn giữ được khí tiết trở về với Đảng, với nhân dân. Nhưng bây giờ chuyện nội bộ, chuyện dân mà không dám nói nữa thì rất lạ đời, không hiểu nổi. Vì sao lại thế? Có phải do sợ mất cái ghế? Có ai lấy đi cái ghế của anh đâu. Có phải sợ bị trù dập? Đối mặt với địch còn chưa sợ nhưng ta lại sợ ta. Đây là điều vô lý. Hay là anh với anh đó cùng một lợi ích, lợi ích trong nháy nháy”, Chủ tịch nước nói và khẳng định: “Nói cho cùng những cái sợ mất đó nó không cao cả gì”.

Chủ tịch nước khẳng định ông tán thành và hoan nghênh việc người dân tham gia đấu tranh chống tiêu cực. “Cái nào sai thì vẫn cứ đấu tranh, kiên quyết đấu tranh để tìm chân lý, nhưng đừng vì một hai vụ việc rồi khái quát lên và mất niềm tin hết là không nên”, Chủ tịch nước nhắn gửi.

Đối với vấn đề nợ công và bộ máy nhà nước cồng kềnh, Chủ tịch nước khẳng định không tinh giản biên chế thì cải cách tiền lương không thể tiến hành được. Có một thực tế là những năm qua số lượng cán bộ, công chức cứ tăng lên. Chi thường xuyên để duy trì bộ máy đã chiếm đến 72% tổng ngân sách nhà nước, trong khi cách đây 7 - 8 năm mức chi này chỉ khoảng 50%. “Tôi nói thật là có đi vay để chi thường xuyên. Tôi báo động để bà con cử tri cùng góp sức, kể cả phê phán chúng tôi cũng chịu. Nếu không vay thì cân đối thu chi một hai năm nay không thể đứng vững được. Nhưng bây giờ tăng nợ công là nguy hiểm lắm vì đã cao lắm rồi. Dấn tới nữa thì không chừng đổ vỡ, sẽ không lường hết hậu quả”, Chủ tịch nước nói.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.