Trung Quốc xâm lấn Biển Đông ngay tại các thư viện nước ngoài

31/07/2015 14:11 GMT+7

(TNO) Trung Quốc xâm lấn Biển Đông không chỉ bằng các hành động phi pháp trên biển mà còn ngay tại các thư viện ở nước ngoài.

(TNO) Trung Quốc đang xâm lấn Biển Đông không chỉ bằng các hành động phi pháp trên biển mà còn ngay tại các thư viện ở nước ngoài, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, nhận định.

 Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng giới thiệu những tư liệu thành văn và các bản đồ cổ cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - Ảnh: Trung tâm nghiên cứu Quốc tế cung cấp
Trong buổi tọa đàm khoa học “Tranh chấp Biển Đông - Vấn đề tư liệu và quan điểm chính thống”, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, nhận định trên mặt trận thông tin, Trung Quốc cũng đang có những hành động xâm lấn hết sức nguy hiểm.
Buổi tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Biển đảo, Trung tâm nghiên cứu Quốc tế cùng phòng Quản lý Khoa học và Dự án, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức ngày 30.7
Bàn về hành động của Trung Quốc, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhận định: “Trung Quốc không chỉ xâm lấn trên Biển Đông mà còn xâm lấn chúng ta ngay tại các thư viện ở nước ngoài”. 
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết tính tới ngày 15.6.2015, số bài viết của Trung Quốc về chủ đề này đăng trên các tạp chí, chuyên san trong và ngoài nước là 25.864 bài, trong đó năm 2014 là 20.722 bài và 6 tháng đầu năm 2015 là 6.422 bài. Bên cạnh đó, hàng nghìn các công trình nghiên cứu về Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã được công bố.
Theo tiến sĩ Sơn, thời gian qua, Trung Quốc đã phát hành hàng loạt tài liệu, sách vở tuyên truyền cho những yêu sách phi lý của mình. Những ấn phẩm này có mặt khắp các thư viện lớn ở nước ngoài, trở thành một công cụ truyền thông rộng rãi. Trong khi đó, số lượng đầu sách và các công trình khoa học về biển đảo của Việt Nam lại xuất hiện chưa nhiều ở nước ngoài.
Trao đổi với Thanh Niên Online, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nói: "Khi vào thư viện của Đại học Harvard (Mỹ), người phụ trách thư viện cho tôi biết trước đây Trung Quốc và Việt Nam có khoảng không gian như nhau dành cho sách vở, tài liệu tại thư viện này. Thế nhưng càng ngày Trung Quốc càng in ấn rất nhiều, và tặng nhiều ấn bản cho thư viện Đại học Harvard, trong đó có nhiều tài liệu về biển đảo. Còn số lượng đầu sách của Việt Nam không tăng lên bao nhiêu".
Tại buổi tọa đàm, giáo sư - tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm, tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng đồng ý rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động trên mặt trận thông tin thông qua các bài báo, bài nghiên cứu. Mặc dù những bài báo, bài nghiên cứu ấy là phi lý, nhưng Việt Nam đang thiếu nguồn lực để phản bác, do những hạn chế về tư liệu cũng như khả năng ngoại ngữ.
Buổi tọa đàm cũng đã thu hút một số học giả Việt Kiều tới dự. Những học giả này bày tỏ mong muốn được góp sức vào công tác nghiên cứu, tuyên truyền về biển đảo để dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn và góp phần đập tan những luận điệu phi lý của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.