Trưng cầu ý dân, nếu làm không tốt sẽ mang tính hình thức

01/06/2015 05:41 GMT+7

Tuần này, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Trưng cầu ý dân . Đây là một đạo luật được cho là nhạy cảm, được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội sau nhiều lần trì hoãn. PV Thanh Niên đã phỏng vấn tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, xoay quanh vấn đề này.

Tuần này, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Trưng cầu ý dân. Đây là một đạo luật được cho là nhạy cảm, được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội sau nhiều lần trì hoãn. PV Thanh Niên đã phỏng vấn tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, xoay quanh vấn đề này.
 
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Ngọc Thắng
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo ông, trưng cầu ý dân (TCYD) như thế nào thì phù hợp với thực tế chính trị ở VN?
TCYD làm như thế nào sẽ tùy theo quan điểm của cơ quan đưa ra chủ trương có luật, khi nào anh cần dùng đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Tôi cho là, ở ta không phải cái gì cũng đưa ra để trưng cầu, vì có những vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan đại diện cho dân rồi. Chỉ cần trưng cầu với những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước, vượt quá khả năng quyết định của cơ quan đại diện cho dân. Nhưng trong dự thảo đưa ra cũng chỉ đưa theo Hiến pháp sẽ khó. Bởi vì, sau này sẽ có tranh cãi: trường hợp nào, thế nào là hệ trọng? Tôi nghĩ, cần quy định, có tiêu chí cụ thể để Quốc hội (QH) quyết định vấn đề TCYD.
Theo ông, cách thức tổ chức TCYD như trong dự thảo luật có phù hợp hay không?
Nếu việc tổ chức không tốt, số người đi tham gia không đông, số người ủng hộ tuy quá bán nhưng không đạt tuyệt đại đa số thì cũng sẽ bị cho là hình thức
 
Theo dự án luật thì QH quyết định TCYD và Ủy ban Thường vụ QH là người tổ chức trưng cầu, giống như tổ chức bầu cử. Tất cả các cử tri đủ 18 tuổi trở lên đều đi bỏ phiếu. Bây giờ quy trình đó giống như quy trình bỏ phiếu đại biểu QH hay cơ quan nào thực hiện việc đó. Nhưng có vấn đề đặt ra là xuống đến cấp tỉnh, cấp xã… thì có thực hiện như luật Bầu cử ĐBQH hay HĐND không? Các nước họ có hội đồng bầu cử quốc gia, có quy chế hội đồng bầu cử độc lập với hành pháp và lập pháp thì họ giao cho hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức. Hội đồng bầu cử quốc gia ở mình là một thiết chế độc lập nhưng theo luật Bầu cử HĐND, cơ bản vẫn như trước đây, vẫn là kiêm nhiệm, ở trên là Ủy ban Thường vụ QH, dưới là chính quyền các địa phương. Vậy ai là người tổ chức, tổ chức thế nào cũng nên quy định cho rõ hơn.
Theo ông, làm thế nào để việc TCYD theo luật không mang tính hình thức?
Theo như dự thảo luật quy định nguyên tắc tổ chức là “2 lần quá bán”. Nghĩa là, quá bán tổng số cử tri đi TCYD tham gia là hợp lệ và số trực tiếp tham gia có quá bán đồng ý… Nhưng nếu 2 lần quá bán thực chất là chỉ có 25% trong tổng số dân thôi thì người ta có thể lại bảo đó là hình thức. Nếu việc tổ chức không tốt, số người đi tham gia không đông, số người ủng hộ tuy quá bán nhưng không đạt tuyệt đại đa số thì cũng sẽ bị cho là hình thức. Số tuyệt đại đa số đó không phải là tuyệt đại đa số người dân nên hiệu lực của nó sẽ thấp đi, khi đó việc TCYD cũng thành hình thức.
Có một câu chuyện thực tế chúng ta cần lưu ý, học kinh nghiệm. Ví dụ, cả nước Nga có 106 triệu cử tri nhưng khi TCYD cho bản Hiến pháp của Nga, chỉ có 59 triệu cử tri tham gia và kết quả lại chỉ có 32 triệu người thông qua, còn 27 triệu người không đồng ý. Thế nếu 47 triệu người kia đứng về phía 27 triệu người (thiểu số) thì rõ ràng, đa số lại không đồng thuận. Mà thông thường số không đi bỏ phiếu là không đồng ý. Nên luật quy định “2 lần quá bán” là hợp lệ có khi trên thực tế không phản ánh đúng nguyện vọng đầy đủ của người dân.
Việc vận dụng kết quả nên làm thế nào, thưa ông?
Cũng có nhiều người quan tâm là sau khi kiểm phiếu TCYD thì liệu có giống như bầu cử, có công bố ngay được không? TCYD đúng là phải theo ý dân nhưng được công nhận bằng một văn bản, nghị quyết của QH hay Ủy ban Thường vụ QH phê chuẩn. Những người ủng hộ hay không ủng hộ vẫn phải theo đa số, để cấp trên ra quyết sách thì cũng phải có nghị quyết phê chuẩn đó.
Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông
Trong tuần từ 1 - 5.6, kỳ họp thứ 9, QH khóa 13 sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông vào 5.6. Đây sẽ là phiên họp riêng không có sự tham dự của báo chí.
Theo chương trình làm việc, QH cũng sẽ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận dự thảo luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi), luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND...
Trong chương trình làm việc tại tổ, các ĐBQH thảo luận về các dự án luật TCYD, luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)...
Trường Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.