Trẻ ngủ chuồng gà, bị xích cổ - Kỳ 3: Roi vọt có nảy tình thương?

21/08/2015 08:52 GMT+7

(TNO) Từ những ứng xử đau lòng như cha xích cổ con trai vào gốc cây, mẹ đánh đuổi con gái khiến trẻ phải ngủ ở chuồng gà, nhiều người giật mình đặt câu hỏi, với những đứa trẻ 'cứng đầu', bạo lực có là giải pháp để dạy dỗ chúng?

(TNO) Từ những ứng xử đau lòng như cha xích cổ con trai vào gốc cây, mẹ đánh đuổi con gái khiến trẻ phải ra ngủ chuồng gà, nhiều người giật mình đặt câu hỏi, với những đứa trẻ 'cứng đầu', bạo lực có là giải pháp để dạy dỗ chúng?

Chỉ trích con cái - chỉ làm cho trẻ ngày càng xa cách cha mẹ - Ảnh: Shutterstock
Mềm mỏng là biện pháp hiệu quả lâu dài
Để việc dạy con có hiệu quả và giúp trẻ nhanh chóng nhận thức được lỗi lầm của mình, PGS.TS Trần Thị Thu Mai, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng: Cha mẹ nên áp dụng phương pháp dạy trẻ mềm mỏng để không đánh mắng mà vẫn hiệu quả. 
Để con trẻ nghe theo lời dạy dỗ, cha mẹ cần hiểu nguyên nhân của hành vi sai phạm của con. Đặc biệt cần phải bình tĩnh, biết lắng nghe và tìm hiểu rõ vì sao trẻ hành động như vậy.
Hành vi có lỗi của con trẻ có thể do nhiều mục đích khác nhau như để thu hút sự chú ý của người khác, thể hiện “quyền lực”, trả đũa hay bỏ cuộc,… Trong bất kỳ hoàn cảnh nào  thái độ mềm mỏng, kiên trì, biết tự kìm chế cảm xúc của bậc cha mẹ bao giờ cũng có hiệu quả tích cực và lâu dài hơn là dùng đòn roi với trẻ.
PGS.TS Trần Thị Thu Mai phân tích: “Phụ huynh nên phản đối nhẹ nhàng bằng cách nói với trẻ cho trẻ hiểu, nêu hình thức phạt nếu không thực hiện. Còn nếu hành vi của trẻ sai ở mức độ nhẹ mà không gây hậu quả nghiêm trọng cha mẹ nên lờ đi".
"Còn các biện pháp mạnh như tạm lắng hoặc tạm thời cách ly hay tước bỏ quyền lợi bằng cách cho trẻ ngồi vào một nơi không có thứ gì vui thích chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, không nên quá 15 phút và trước khi thực hiện phải nói rõ lý do cho trẻ biết”, PGS.TS Trần Thị Thu Mai chỉ ra thêm.
Cũng theo PGS.TS Trần Thị Thu Mai, cha mẹ nên tạo cho trẻ cơ hội sửa chữa, tức là cha mẹ cần giải thích hậu quả gây ra từ những hành vi sai trái để trẻ biết cách khắc phục. Sau đó, không khen ngợi gì vì nếu khen, trẻ sẽ nhận được nhiều chú ý và có thể tái phạm lại khuyết điểm.
Ứng xử như thế nào khi những đứa trẻ không chịu nghe lờiBé gái bị mẹ dùng chổi đánh tới tấp - Ảnh cắt từ clip
Thương có phải là "cho roi cho vọt”?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giảng viên khoa Công tác Xã hội, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Cha mẹ nên hiểu con mình. Những đứa trẻ ở độ tuổi khác nhau sẽ có cách tiếp cận, ứng xử khác nhau. Đừng vì một phút cảm tính mà có hành vi bạo lực đối với trẻ. Chính vì thế, cha mẹ nên là những người bạn, người đồng hành cùng trẻ. Cha mẹ nên tìm hiểu, bên cạnh, tương tác nhiều hơn với con cái để những hành vi của trẻ đúng đắn hơn, không sai trái”. 
Hành vi ngang ngược của trẻ được hình thành từ nhiều yếu tố, một trong số tác động trực tiếp đến hành vi của đứa trẻ đó là môi trường sống xung quanh. Tính "cứng đầu" hay phá phách của trẻ có thể xuất phát từ việc bắt chước phim ảnh hoặc từ internet. Ngoài ra, môi trường học đường cũng ảnh hưởng khá lớn đến tính cách của trẻ.
Khi con trẻ không chịu nghe lời, không ít cha mẹ đã áp dụng biện pháp đòn roi hoặc trừng phạt trên thân thể như: đánh, cấu, véo, đá, bắt quỳ, không cho ăn uống, thậm chí là xích cổ,… như một cách "giáo dục" con cái.
Các bậc phụ huynh vẫn tưởng rằng bằng các biện pháp mạnh này có thể khiến trẻ thay đổi, vì sợ hãi mà không tái phạm nữa. Tuy nhiên, dạy trẻ nhỏ bằng đòn roi có rất nhiều tác hại, đặc biệt về mặt tâm lý như làm trẻ lo lắng, sợ hãi, không hiểu tại sao cha mẹ nói yêu thương nhưng lại đánh mắng mình, tìm cách trả thù, đối phó, trở nên trơ lì không biết sợ hoặc trẻ có thể hiểu sai rằng bằng bạo lực có thể giải quyết được vấn đề.
Nguy hiểm hơn, nếu còn nhỏ mà trẻ hay bị trừng phạt bằng đòn roi sẽ dễ bị ảnh hưởng tâm lý và hình thành nhân cách không ổn định sau này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.