Trẻ ngủ chuồng gà, bị xích cổ - Kỳ 2: Bí bách nên cứ... trút giận vào con

20/08/2015 09:00 GMT+7

(TNO) Gia đình xảy ra nạn bạo hành đối với con cái thường là những gia đình không hạnh phúc, có mâu thuẫn giữa vợ chồng, nên có trường hợp 'giận cá chém thớt', vợ chồng giận nhau, nên trút giận vào con.

(TNO) Gia đình xảy ra nạn bạo hành đối với con cái thường là những gia đình không hạnh phúc, có mâu thuẫn giữa vợ chồng, nên có trường hợp "giận cá chém thớt", vợ chồng giận nhau, nên trút giận vào con.

 Không chỉ đánh đập trẻ mà ngay cả việc chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình, trường lớp cũng là gián tiếp bạo hành trẻ - Ảnh: ShutterStock
Trẻ bị bạo hành sẽ có xu hướng bạo lực như cha mẹ
Thạc sĩ  Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng trong các vụ ngược đãi, hành hạ con cái trong gia đình, cha mẹ thường có học vấn thấp, cuộc sống khó khăn, không có điều kiện nuôi dạy con cái tốt. Con cái không được quan tâm, chăm sóc nuôi dạy tốt nên thường ngỗ nghịch. Còn cha mẹ bức xúc, không kiềm chế được trước sự ngỗ nghịch, bướng bỉnh của con cái nên coi hành động bạo lực với con mình là cách dạy dỗ thường ngày.
“Dường như nhiều bậc làm cha mẹ đang thiếu kỹ năng trong nuôi dạy con cái, họ chỉ dạy con theo bản năng. Chính những người này cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, cách giáo dục cha mẹ họ trước đó... Không phải vì ghét mà họ đánh đập con, chỉ vì họ không có kĩ năng, họ dồn nén sự bực bội lên con mình để giải tỏa mà vô tình không biết nó ảnh hưởng cả cuộc đời và nhân cách của con trẻ. Để lại vết thương tâm lý cực lớn, tự ti, ám thị và sau này khi lớn lên đứa trẻ đó cũng có xu hướng bạo lực giống như cha mẹ ngày xưa đối xử với nó”, thạc sĩ An nói.
Tiến sĩ Đỗ Hạnh Nga, Trưởng khoa Công tác Xã hội, Trường đại học KHXH&NV TP.HCM cho rằng, gia đình xảy ra nạn bạo hành đối với con cái thường là những gia đình không hạnh phúc, có mâu thuẫn giữa vợ chồng, nên có trường hợp "giận cá chém thớt", vợ chồng giận nhau, nên trút giận vào con.
Như trường hợp của người cha Nguyễn Kim Hoàng (36 tuổi, huyện Chư Prông, Gia Lai) hành hạ con ruột của mình là cháu Nguyễn Kim Nhật (13 tuổi) vì mẹ của cháu Nhật đòi ly hôn với Hoàng.
Cha mẹ gây ra tội với con đa số là người bị bách bí về mặt tinh thần. Vì có những biến cố trong cuộc sống như mất việc, mất nguồn thu nhập, bị tại nạn... nên thay đổi tính tình, có người bị trầm cảm, stress nên thiếu kiềm chế, gây hậu quả cho con, như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Giáp ở Bắc Ninh từ một người hiền lành, tốt tính, nhưng do gặp tai nạn trong lao động, mâu thuẫn trong làm ăn, không còn khả năng tài chính nên thay đổi tính nết, dễ cáu bẳn rồi siết cổ con trai 4 tuổi đến chết.
Những trường hợp như thế này gây ra nỗi đau to lớn cho những người trong gia đình, vì rạn nứt tình cảm gia đình, mất tình cảm cha con, vợ chồng, và thường mất rất nhiều thời gian để hàn gắn nỗi đau.
Về lý do tại sao cha mẹ lại hành xử với con ruột của mình như thế, T.S Nga cho rằng bậc cha mẹ đó đã quan niệm “thương cho roi cho vọt” nên coi chuyện đánh con là bình thường, họ nghĩ rằng đó là cách để giáo dục con mình. Tuy nhiên, cách giáo dục này là không hiệu quả.
Nếu cha mẹ có hành vi đối xử tàn ác với con cái, làm con đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như: đánh đập, giam hãm không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm… thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác.
“Dạy con có nhiều cách mà không cần roi, đứa trẻ còn nhỏ, chưa hiểu biết gì thì tại sao lại nuôi dạy trẻ bằng cách đánh đập. Những hành động dã man gây thương tích nặng nề cho trẻ về mặt thể chất, tinh thần. Chúng thường học theo tấm gương của cha mẹ, nên muốn giáo dục con thì cha mẹ phải là tấm gương về phẩm chất đạo đức với trẻ, những lời chửi mắng, đánh đập đều ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục trẻ, hình thành nhân cách của trẻ. Đứa trẻ có thể hung hãn khi trưởng thành chỉ vì bị cha mẹ đánh đập từ nhỏ”, T.S Nga nói.
Đánh đập khiến trẻ bị trầm cảm
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Thanh Minh (chuyên gia pháp luật tại TP.HCM), cha mẹ nên gần gũi con cái, dạy dỗ từ lời ăn tiếng nói và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Nên lắng nghe ý kiến của con trẻ để nắm bắt những chuyển biến, phát triển tâm sinh lý và đưa ra những lời khuyên định hướng thích hợp. Ngoài ra, cần tạo môi trường sống tốt, tự lập và phát huy tích cực chủ động của trẻ em.
Ông Minh cho rằng, nguyên nhân tình cảm dẫn đến các vụ bạo hành con trẻ chủ yếu là do cha mẹ luôn muốn hướng con cái đến chân, thiện, mỹ nhưng lại bắt ép con cái phải theo khuôn mẫu đã định trước, mang tính độc đoán dẫn đến hình thành khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
"Như vậy sẽ khiến con họ trở nên trầm cảm, hình thành tâm lý chống đối, tự ti và có tâm lý tiêu cực, dễ bị ảnh hưởng bởi tệ nạn xã hội", ông Minh nói.
Thứ hai, cha mẹ chăm lo về vật chất mà chưa chú tâm đến nhu cầu tình cảm và giúp con định hướng hình thành nhân cách. Đặc biệt là lắng nghe và góp ý khi con gặp khó khăn về tình cảm, giải quyết các mối quan hệ xã hội, khi con có những biểu hiện thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì.
Theo ông Minh, trẻ em cần tránh xa khi cha say xỉn, hay lúc cha mẹ cãi nhau bởi lúc đó các em sẽ có nguy cơ bị trút giận.
Ông Minh khuyên, khi đó các em hãy chạy đến gặp người lớn như ông bà, bố mẹ, chú bác, hàng xóm kêu cứu... Còn các bậc cha mẹ nên bỏ suy nghĩ lạc hậu cổ xưa ‘thương cho roi cho vọt’...

Mời bạn đọc đón xem Kỳ 3 - Roi vọt có nảy tình thương?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.