Trắng tay trên đồng nước lũ

08/10/2011 00:32 GMT+7

Mười năm lũ lớn mới trở lại đồng bằng. Lũ lớn như một bức tranh hai mặt, xấu xí khi phá hoại và đẹp đẽ khi mang phù sa, tôm cá về cho sông rạch, ruộng đồng.

Mất hết rồi

1 giờ sáng ngày 2.10, nông dân Trần Văn Phúc (ngụ ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) điện thoại liên tục cho chúng tôi. Linh cảm chuyện chẳng lành, bắt máy lên đã nghe tiếng anh bần thần: “Bể đê Bắc Viện rồi, nước tràn vào, 11 công lúa của anh bị chìm, 30 kg cá rô giống, 300 con cá tra đi theo lũ”.

Đêm 30.9, hay tin đê Bắc Viện bảo vệ hơn 400 ha lúa bị lũ đánh vỡ, chúng tôi đã tới ghi hình và mừng thầm khi hàng trăm người đã gia cố được đê. Tối đó, người người thay nhau canh đê, những ánh đèn pin tuần đê cứ nhấp nháy liên tục, những tiếng la hớt hải vang lên khi phát hiện đoạn đê bị nứt, bị nước xì vào. Những gương mặt âu lo, căng thẳng cứ nhìn về đồng lúa đang trổ đòng. Lúc đó, Phúc còn “máu”  lắm, anh nói vụ thu đông gần thu hoạch, xong phá đê cho nước tràn vô mang theo phù sa vào đồng ruộng, năm sau trúng mùa lắm. Rồi anh nhấp nhổm: “Chú biết không, vụ này mà lúa mất trắng thì nhà nông như anh phải làm 3 năm mới trả hết nợ nần”.

Nỗi lo của Phúc đã thành sự thật. Anh chép miệng than, đã 40 tuổi, sống cùng nước lũ mấy chục năm nhưng năm nay lũ lớn quá, ai ngờ.

Cũng vì không ngờ lũ lớn mà chị Phan Thị Kiều Thu (xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) khóc ròng. Chị Thu nuôi 120 ngàn con cá tra trong đê bao Tân Hội. Chiều 23.9, lái tới chồng tiền, dứt giá 1 kg 36.000 đồng, sáng ngày sau cân. Rồi 4 giờ sáng ngày 24.9, chị tưởng người ta nói đùa khi ai đó hét qua điện thoại: “Còn ngủ à, vỡ đê kìa, cá của chị đi hết”. Rụng rời, chị bơi vội xuồng ra kênh Tân Hội và hoa mắt khi hầm cá mất tăm trong nước lũ. Lúc này nước chảy băng băng, chị Thu vẫn cố tới túm lưới bao quanh hầm cá bắt được con nào hay con nấy. Có tiếng hò hét, la thất thanh và chị bị kéo vào bờ. Xót của quá nên chị nhào ra, có tiếng ai thét giận dữ: “Nước chảy vậy ra đó có nước chết,  bà còn đòi ra tụi tôi trói lại à, người ta mất trắng 200 ha lúa chứ đâu riêng bà đâu mà liều mạng với lũ”. Từ ngày mất mấy trăm triệu theo con nước, chị Thu như mất hồn, bơi xuồng một hồi lại ra ao cá. Chị tự trách, sống trong vùng lũ, thấy lũ lớn mà không biết lo xa, phải chi bán cá trước đâu đến nỗi nào.

Lo chống lũ trước đi, tiền bạc đừng nói đến

Chị Ngô Thị Kiều Diễm, ngụ ấp 9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp

Trên cánh đồng lũ, các câu chuyện thương tâm lại hiện về, đó là những người đắm ghe chìm xuồng; trong con nước dữ, những đứa trẻ té sông mất mạng. Tại Đồng Tháp đã có 6 trẻ em chết đuối đều dưới 6 tuổi. Chúng tôi lội ruộng ra ấp Phú Lợi, xã An Long, huyện Tam Nông ngồi chia buồn với gia đình anh Nguyễn Ngọc Hiếu. Đôi mắt đỏ hoe, Hiếu kể nhà nghèo, lũ lớn cá tôm nhiều nên vợ chồng anh ham, lo thả lưới mà quên chú ý bé Nguyễn Ngọc Thảo Nhi, 3 tuổi. Sáng 30.9, đi kéo cá ở đồng, đột nhiên Hiếu thấy dạ bất an, anh vội vã về nhà thì bé Nhi được người ta vớt từ dưới nước lên, thân thể lạnh ngắt.

Đi dọc theo các tỉnh lộ Đồng Tháp, cảnh xưa trong lũ lại tái hiện. Những ngôi nhà chìm trong nước, những cụ già ngồi bó gối nhìn nước lên từng ngày, những mái lều che mưa gió tạm nằm dọc theo lộ lớn, nhiều ngôi nhà, gia súc, gia cầm né lũ ở chung với người. Nhiều ngôi nhà kê kích cao tới mức trẻ 7 tuổi đi gần đụng đầu, người lớn ra vào phải ngồi bò từng bước.

Trong ngôi nhà che tạm của anh sáu Nghĩa ở xã Tân Hội, cái nắng nóng hầm hập, đang ngồi nói chuyện bất chợt mưa ầm ầm, giọt mưa rơi trên bạt nghe như tiếng người ta gõ vào thùng thiếc điếc tai. Vậy mà Nghĩa lại cười, giọng lạc đi trong mưa gió: “Tôi nhớ ông bà nói mưa cạnh dưới nước lên, cạnh trên nước giựt (nước xuống), mà mưa cạnh dưới lớn vậy, nước sớm giựt lắm đa!”. Mắt anh ngời sáng hy vọng, nhìn căn nhà nằm chìm lút dưới nước lũ.

Những tấm lòng trong lũ

Khi nước lũ tràn về, tình người trong lũ đã ấm lên, hoạn nạn đỡ đần nhau. Thời điểm căng thẳng nhất là cần cây tràm, đất cát để gia cố lại đê chống lũ nhưng tìm rất khó vì ai cũng gom mua chống lũ. Lúc này, sức dân lại ngời sáng. Chị Ngô Thị Kiều Diễm (ngụ ấp 9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông) khi hay tin các đê bao sắp vỡ mà chẳng có cừ tràm liền vội vàng điện thoại ban phòng chống lụt bão: “Tôi có 2 ha bạch đàn, mấy ông cứ đốn thay tràm chống lũ”. Quá bất ngờ trước sự sốt sắng của chị, mấy anh cán bộ phòng chống lụt bão nói qua lũ sẽ đền bù lại, chị cười: “Lo chống lũ trước đi, tiền bạc đừng nói đến”.

Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp, nước lũ làm ngập 11.470 căn nhà, 54 căn nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Số hộ bị ngập nhiều nhất là ở các huyện đầu nguồn như Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình… Hộ ông Hoàng Văn Sáu (ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự) không nỡ nhìn hai hộ Nguyễn Thị Giáo và Huỳnh Văn Dứt với 9 nhân khẩu ở trong hai căn nhà cheo leo giữa lũ nên tự nguyện tới địa phương xin cho hai hộ đó về ở tạm nhà ông.

Ông Sáu kể: “Hai nhà trên đều có con nít, cụ già 83 tuổi mà ở trong căn nhà bốn bề là nước nguy hiểm lắm, lơ là không chú ý té sông là mất mạng. Chưa kể sạt lở, rồi mưa bão thổi qua nhà sập liền”. Ông Huỳnh Văn Dứt, 63 tuổi cho biết ban đêm nằm nghe sóng gió mà ngủ chẳng ngon giấc, sợ nhà sụp, sợ nước dâng lên cuốn trôi. Mà ngặt cái muốn dời xa nơi nguy hiểm chẳng biết đi đâu khi nhà bà con dòng họ đều ngập lũ. Thế rồi hay tin anh Sáu dang tay chia sẻ, ông Dứt lật đật hối con cháu dọn đi.

Chiều trên cánh đồng ở đê Bắc Viện chúng tôi không quên hình ảnh hào hùng và dữ dội khi anh Hồ Văn Côn hy sinh chiếc phà để chống lũ dữ. Lúc này đoạn đê bị vỡ miệng dài hơn 3m, lực lượng cứu hộ thảy bao cát, cừ tràm đều bị nước cuốn trôi. Lúc đó Côn lái chiếc phà ngang qua, thấy cảnh vỡ đê anh thét to cho đám đông trên bờ lội xuống phụ anh lật chiếc phà chắn ngang nước lũ cứu đê. Thấy nhiều người nhìn không hiểu, Côn hét: "Tài sản của tôi, tôi không tiếc, mấy ông lo gì!".

Ông Nguyễn Hùng Tráng, Phó chủ tịch thị xã Hồng Ngự, xúc động cho biết trong mấy ngày lũ lên nhanh, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, người dân ở khắp xứ đến chung tay. Người tặng áo quần, gạo, cá khô, cây tràm, bao bố, người tình nguyện nấu ăn cho lực lượng cứu đê. Ngay cả các chùa, tịnh xá cũng vào cuộc chống lũ.

Lũ sông Cửu Long tiếp tục lên

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đang lên chậm. Dự báo, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng ĐTM và TGLX tiếp tục lên chậm và duy trì ở mức cao.  Lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục duy trì trên BĐ3 từ 0,1 - 0,2m đến cuối tháng 10. Cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập lụt sâu còn tiếp diễn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long và ĐTM, TGLX.

M.Vọng

Thời tiết nguy hiểm do có áp thấp trên biển

Hôm qua 7.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển, do trên biển Đông đã xuất hiện một vùng áp thấp (AT). Lúc 13 giờ ngày 7.10, vị trí trung tâm vùng AT ở vào khoảng 12,0 -14,0 độ vĩ bắc; 111,0 - 113,0 độ kinh đông. Trong 24 giờ tới, vùng AT này hầu như ít di chuyển. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng AT nên khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biền quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác. Trong cơn giông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.

Q.Duẩn

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.