Trần Quang Cơ, người từ chối chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao

01/07/2015 11:44 GMT+7

(TNO) Tôi quen anh Trần Quang Cơ vào khoảng năm 1947-1948 thời kỳ còn ở Việt Bắc. Lúc đó anh ở Cục Địch vận còn tôi ở Bộ Tổng tham mưu. Sau đó hai người đi theo hai đường khác nhau và mãi đến khoảng năm 1964 - 1965 mới tái ngộ ở Bộ Ngoại giao.

(TNO) Tôi quen anh Trần Quang Cơ vào khoảng năm 1947-1948 thời kỳ còn ở Việt Bắc. Lúc đó anh ở Cục Địch vận còn tôi ở Bộ Tổng tham mưu. Sau đó hai người đi theo hai đường khác nhau và mãi đến khoảng năm 1964 - 1965 mới tái ngộ ở Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Trần Quang Cơ và các thành viên phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế về Campuchia tại Paris (Pháp) năm 1991 - Ảnh: Sách ảnh 65 năm ngoại giao Việt Nam (1945-2010), Nhà xuất bản Thông tấn 2010
Sau một thời gian cả hai cùng đi công tác ở nước ngoài chúng tôi lại gặp lại nhau ở Paris (Pháp) khi cùng làm nhiệm vụ thư ký, trợ lý nghiên cứu cho lãnh đạo phái đoàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Trong thời kỳ đó, anh Trần Quang Cơ làm thư ký cho Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH Xuân Thủy và cố vấn Lê Đức Thọ. Các cuộc gặp giữa các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ với các bên kể cả các cuộc gặp bí mật với Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đều có anh Cơ đi theo ghi chép biên bản.
Tại Hội nghị Paris, trong hàng ngũ chuyên viên, anh Cơ là người đóng góp nhiều ý kiến hơn cả. Có việc gì anh em chúng tôi đều bàn với anh. Trong các cuộc thảo luận của nhóm nghiên cứu anh Cơ thường là người đưa ra kết luận cuối cùng để thâu tóm ý kiến chung để báo cáo cho các ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ.
Anh Cơ là người đã đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo, sắc sảo mỗi khi gặp khó khăn, bế tắc. Ví dụ cách ký Hiệp định ban đầu rất khó khăn vì chính quyền Sài Gòn nhất định không công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN và yêu cầu bỏ tên tất cả các Chính phủ ký trong Hiệp định. Anh Cơ đã đưa giải pháp ký hai bản khác nhau, một bản đầy đủ đại diện các Chính quyền, bản còn lại chỉ ghi là các bên dự Hội nghị...
Giai đoạn những năm 1977 - 1978, anh Cơ lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã trực tiếp tham gia đàm phán về việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đáng tiếc công việc đã không suôn sẻ. Thời điểm ấy quan điểm của ngành ngoại giao nói chung, của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng như anh Trần Quang Cơ đều tán thành việc bình thường hóa mà không kèm theo điều kiện. Nhưng do cấp cao hơn lúc đó cho rằng Mỹ muốn bình thường hóa tức là Mỹ cần mình nên có đặt ra vấn đề bồi thường hơn 3 tỉ USD gắn với bình thường hóa. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tìm cách thuyết phục cấp trên nhưng không thành công.
Sau này khi chúng ta nhận ra tầm vai trò quan trọng của việc bình thường hóa với Hoa Kỳ thì cũng là lúc Mỹ quan tâm tới việc đàm phán bình thường hóa với Trung Quốc hơn. Đó cũng là thời điểm Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, đội mũ cao bồi và tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”. Sau đó các cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước đã làm quá trình bình thường hóa bị gián đoạn. Chúng ta để mất cơ hội bình thường hóa với Mỹ cũng vào thời điểm tiếng nói của ngành ngoại giao không được đáp ứng.
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979 - Ảnh tư liệu
Những năm 80 đất nước trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn. Cùng lúc Việt Nam phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh, một ở biên giới phía bắc với Trung Quốc, một ở phía nam với chế độ diệt chủng Polpot. Trung Quốc lúc đó cùng với Mỹ, được sự hỗ trợ của các nước ASEAN và một số nước phương Tây tiến hành cuộc bao vây, cấm vận nặng nề với Việt Nam. Suốt gần 10 năm đất nước ở trong tình thế hiểm nghèo, kinh tế sa sút, viện trợ không còn, làm không đủ ăn, đồng tiền mất giá, người dân đói khổ…
Về ngoại giao, Việt Nam ở trong thế bị cô lập hầu như hoàn toàn, phải chống đỡ nhiều mặt. Hàng năm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đều có biểu quyết về vấn đề Campuchia do các nước ASEAN dự thảo lên án Việt Nam, đòi Việt Nam rút quân nhanh khỏi Campuchia, tạo thành sức ép quốc tế rất lớn. Có thể nói tính từ ngày thành lập nước 1945 chưa bao giờ ta ở trong tình thế khó khăn như thời kỳ này.
Thời điểm ấy anh Trần Quang Cơ là người thay mặt Bộ Ngoại giao, thay mặt Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lo việc quan hệ giữa ta với bạn Campuchia như một phái viên thường trực. Trong Hồi ký của anh sau này có ghi lại rất cụ thể về giai đoạn đó. Ngoài công việc với Campuchia, anh Cơ cũng là người trực tiếp đi gặp gỡ với các nước ASEAN để từng bước thu hẹp những khó khăn của ta.
Năm 1988, anh Cơ đã có những đóng góp rất quan trọng cùng với Ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đứng đầu xây dựng dự thảo Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị. Nghị quyết này đánh dấu một bước phát triển hết sức quan trọng trong đổi mới tư duy, nhận thức về các vấn đề quốc tế và đề ra những quan điểm, chính sách hết sức mới mẻ trong đường lối đổi mới của Đảng, trong đó bao trùm là vấn đề hòa bình và phát triển.
Nổi bật, Nghị quyết đưa ra quan điểm an ninh đất nước gắn với kinh tế và quan hệ quốc tế. Nghị quyết khẳng định sự yếu kém về kinh tế, bị bao vây cô lập về chính trị là nguy cơ lớn đối với an ninh và độc lập, ảnh hưởng xấu đến vị trí, vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Tại Nghị quyết này lần đầu đưa vấn đề khoa học, kĩ thuật cũng được xác định là một yếu tố của an ninh đất nước.
Nghị quyết 13 cũng “sửa” rất nhiều vấn đề mà trước đó Việt Nam thực hiện theo tư duy ý thức hệ trong đó có vấn đề nghĩa vụ quốc tế với Lào, Campuchia. Nói cách khác Nghị quyết 13 đã vượt ra khuôn khổ ý thức hệ để đi vào lợi ích dân tộc. Trước đó Việt Nam khẳng định giúp hai nước bạn đi lên CNXH, đưa cả 3 nước vào khối SEV (Tổ chức hợp tác kinh tế của các quốc gia thuộc hệ thống XHCN)... Nay với Nghị quyết 13, Việt Nam nêu rõ “Ba nước đã hình thành ba quốc gia độc lập, mỗi đảng chịu trách nhiệm trước dân tộc mình. Mỗi nước đi theo con đường nào là do đảng và nhân dân nước đó quyết định...”
Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng lưu lại những hình ảnh về chế độ Pol Pot - Ảnh: AFP 
Một điểm hết sức quan trọng nữa là trong bối cảnh Việt Nam đang giúp Campuchia chống Khmer Đỏ, biên giới phía bắc chưa yên, bị bao vây cấm vận nặng nề nhưng Nghị quyết 13 đã đưa ra quan điểm “giảm quân số, giảm chi phí quốc phòng”. Đây là đề xuất táo bạo, dũng cảm nhưng đã có sự cân nhắc kỹ càng. Việc giảm quân số có ý nghĩa rộng lớn. Một mặt có nguồn lực để tập trung xây dựng kinh tế, mặt khác ta giảm quân số thì ASEAN và các nước khác thấy Việt Nam thực sự đi vào chiến lược hòa bình, không còn nghi ngờ Việt Nam mà lần lượt tiến hành đối thoại và khôi phục quan hệ với Việt Nam.
Một tư tưởng lớn của Nghị quyết 13 đó là khẩn trương giải quyết vấn đề Campuchia, coi đây là yêu cầu hàng đầu, là chìa khóa của quá trình bình thường hóa. Nhờ sự nhất trí và quyết tâm cao của ta, vấn đề được thúc đẩy rất nhanh. Đến 9.1989, Việt Nam đã cơ bản rút quân khỏi Campuchia. Việc này mang nhiều ý nghĩa to lớn vừa giảm gánh nặng quốc phòng, lại có tác động mạnh đến các bên liên quan, mở đường cho Việt Nam thúc đẩy đối thoại với ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, mở đường cho giải pháp Campuchia.
Được như vậy là vì ta đã tước vũ khí của các bên chủ tâm dùng vấn đề quân đội Việt Nam ở Campuchia để bao vây, cấm vận ta. Như vậy vấn đề Campuchia vốn kéo dài dai dẳng nay được giải quyết. Cục diện Đông Dương thay đổi. Quan hệ Việt Nam với các bên liên quan chuyển sang trạng thái mới và đất nước cũng thoát ra khỏi tình trạng bị bao vây cấm vận. Ta giải quyết được việc này ngay trước khi Liên Xô tan rã, tránh được hiểm họa trong việc phải đơn độc đối phó vấn đề Campuchia...
Năm 1991 sau khi ông Nguyễn Cơ Thạch, người có tầm nhìn chiến lược, thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, anh Trần Quang Cơ đã được mời vào vị trí này. Tuy nhiên anh đã nhất quyết từ chối. Có thể nói đây là lần đầu tiên có một Ủy viên T.Ư không nhận ghế Bộ trưởng của một Bộ trọng yếu. Một năm sau đó anh cũng chủ động xin thôi Trung ương. Đây cũng là trường hợp duy nhất đến nay một Ủy viên T.Ư tự nguyện rút khỏi Ban chấp hành T.Ư Đảng. Sau này có dịp trao đổi thân tình anh cũng đã tâm sự với tôi nguyên nhân lý do mà anh đã đưa ra quyết định đó...
Anh ra đi là một mất mát lớn cho ngành ngoại giao, cho đất nước. Mong rằng tinh thần độc lập, tự chủ, tấm gương về một con người luôn trăn trở với vận mệnh của đất nước, dân tộc của anh sẽ tiếp tục được những thế hệ sau tiếp nối…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.