Tổng thanh tra Chính phủ: 'Xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm'

28/10/2015 13:20 GMT+7

(TNO) Sáng 28.10, báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp.

(TNO) Sáng 28.10, báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp.

Huynh-Phong-TranhTổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: "Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội", ông Tranh nói.
Theo ông Huỳnh Phong Tranh, năm 2015, ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ tham nhũng; Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố 178 vụ, 317 bị can, giảm 61 vụ so với cùng kỳ; Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, giảm 19 vụ so với cùng kỳ; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ; giảm 27 vụ so với cùng kỳ.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp đồng tình cơ bản với đánh giá của Chính phủ về phòng chống tham nhũng nhưng cho rằng, số lượng các vụ án tham nhũng, kể cả các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, xử lý giảm cần phải được đánh giá một cách thật khách quan.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng vẫn đạt hiệu quả thấp, nhất là các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…
Trong khi đó, hoạt động của các đơn vị chuyên trách vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ, trinh sát điều tra, nghiệp vụ cơ bản để phát hiện tham nhũng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong một số vụ án còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc xử lý kéo dài. Việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Ngoài ra, tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có chiều hướng gia tăng, năm 2015 đã có tới 13 vụ án tham nhũng bị khởi tố có liên quan đến cơ quan tư pháp.
“Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân của việc các cơ quan có chức năng chống tham nhũng đã được đầu tư nhiều nguồn lực, nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm trong khi tình hình tham nhũng theo đánh giá trong Báo cáo vẫn nghiêm trọng, phức tạp”, ông Hiện nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.