Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Không để lọt vào BCH T.Ư những người tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt...'

(TNO) Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm, Hội lần thứ 11 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 7.5.

(TNO) Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm, Hội lần thứ 11 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 7.5.

Bế mạc Hội lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
  
Ngày làm việc thứ tư (7.5), BCH T.Ư Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về việc thực hiện chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đã xác định trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng.
Chiều cùng ngày, BCH T.Ư Đảng làm việc tại Hội trường. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên bế mạc.
Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, thay mặt Bộ Chính trị đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về phương hướng công tác nhân sự BCH T.Ư Đảng khoá XII về số lượng đại biểu và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị đọc báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết một số nội dung về phương hướng công tác nhân sự BCH T.Ư Đảng khoá XII và về mô hình tổ chức chính quyền địa phương thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 BCH T.ƯĐảng khóa XI.
Đồng chí Tổng bí thư phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 11.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhân sự BCH T.Ư khóa XII (*)
Theo đó, thứ nhất về phương hướng công tác nhân sự BCH T.Ư khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XII, với tinh thần coi cán bộ và công tác bán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là “then chốt của then chốt”, BCH T.Ư đã thảo luận kỹ lưỡng và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và thống nhất cao với Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị.
Cụ thể, đối với yêu cầu xây dựng BCH T.Ư khóa XII, T.Ư nhất trí việc xác định tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các Nghị quyết của Đảng; đặc biệt là: Phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ CHí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả.
Đồng thời, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc. Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của BCH T.Ư…
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu của BCH T.Ư về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; đã tham gia Ban chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ…
“Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị…”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, BCH T.Ư cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa và phát triển. Tăng số lượng Ủy viên T.Ư ở các vị trí, địa bàn chiến lược, lĩnh vực công tác quan trọng; chú ý tăng thêm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.
BCH T.Ư khóa XII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50-60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình BCH T.Ưxem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.
Về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự BCH T.Ư khóa XII, Trung ương nhất trí cao với báo cáo của Bộ Chính trị, trong đó có khâu giới thiệu của các đồng chí Ủy viên T.Ư khóa XI, giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị trực thuộc Trung ương.
Phân bổ đại biểu dự Đại hội XII của Đảng 
Thứ hai, về việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, bằng kinh nghiệm thực tiễn tổ chức đại hội đảng ở các cấp, các đồng chí Ủy viên T.Ư đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng. Trung ương nhất trí cao với những nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đại biểu đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương và giao cho Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu.
Bế mạc Hội lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 
Thứ ba, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, T.Ư khẳng định, đổi mới kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau nên phải tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc và đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Chính trị, T.Ư đã thảo luận, phân tích kỹ những ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án và đã quyết định chọn phương án “Tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân)”. Ưu điểm nổi bật của phương án này là: bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia địa giới hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương cùng với các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội…
Dự án sân bay Long Thành
Thứ tư, về Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, sau khi thảo luận, xem xét các vấn đề nêu trong Tờ trình và Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, T.Ư tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã dược Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 12/2011) đề ra, coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. T.Ư yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, lộ trình, phân kỳ đầu tư sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Khái quát những kết quả chính về kinh tế - xã hội đạt được cũng như nêu rõ “khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để có thể hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2015, tiến tới Đại hội XII của Đảng, đề nghị mỗi đồng chí T.Ư nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XI, các Nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt là chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị thật tốt nhân sự BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XII; bầu chọn đủ số lượng, bảo đảm về chất lượng, cơ cấu đại biểu tham dự Đại hội theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương lần này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.