Tội tình chỉ chiếc ca nô chịu?

11/08/2013 03:00 GMT+7

Hơn một tuần sau thảm họa kinh hoàng xảy ra tối 2.8 tại vùng biển Cần Giờ, những nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấy đưa về gia đình an táng, những người sống sót cũng lần lượt xuất viện. Thế nhưng, vết thương trong tâm của những người trong cuộc và bức xúc của dư luận vẫn chưa thể nguôi ngoai khi “tội tình vẫn mình chiếc ca nô chịu”.

Bởi lẽ, để dẫn đến tai nạn, chiếc ca nô chở quá tải gần 300%, ca nô đang trong quá trình sửa chữa, ca nô không đăng kiểm, ca nô không có giấy xuất bến... tất cả tội tình dồn lên đầu chiếc ca nô chứ chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm. Chẳng lẽ hàng chục con người đi qua cảng xuống ca nô trong gần 2 tiếng đồng hồ được kiểm soát bởi lực lượng biên phòng, cảng vụ, bảo vệ cảng mà không ai biết để ngăn chặn?

Ở các nước người dân khi có việc khẩn cấp cần cầu cứu thì chỉ cần nhấn nút SOS trong bất kỳ điện thoại nào và nhà chức trách hỗ trợ ngay lập tức. Ở nước ta trên mỗi điện thoại đều có phím gọi khẩn nhưng chỉ để cho vui, các nhà mạng không mở. Sau tai nạn nhiều người ngỡ ngàng vì khi gặp nạn người tham gia giao thông đường thủy không biết phải gọi lực lượng cứu hộ ở đâu mà chỉ biết kêu cứu đến số điện thoại cá nhân. Thậm chí ngay cả những người nhìn thấy tai nạn có đủ thời gian, bình tĩnh hơn cũng không biết phải gọi cứu hộ ra sao. Sau mỗi vụ tai nạn, nhiều bài học đều được rút ra. Nhưng để phải trả giá bằng sinh mạng con người mới biết công tác quản lý còn thiếu sót thì bài học đó quả là nặng nề và đau xót. Tại sao cơ quan chức năng không góp chung thống nhất một số "điện thoại khẩn" để mọi người dễ biết dễ nhớ.

Việc dư luận bức xúc về công tác cứu nạn, cứu hộ khi tai nạn xảy ra là điều dễ hiểu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thảm họa khi 30 người chống chọi với sóng dữ suốt 6 giờ đồng hồ và bị sóng đánh chìm giữa biển. Sự chậm chạp triển khai cứu hộ của những người có liên quan, của những người có trách nhiệm vẫn còn nhiều uẩn khúc và là nguyên nhân tước đi mạng sống của những người vô tội.

Đến nay, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị khởi tố. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khởi tố vụ án, điều tra nhanh chóng và xử lý nghiêm nhưng vẫn chưa có quyết định khởi tố vụ án nào được ban hành. Như vụ gian lận xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) nhức nhối là vậy nhưng từ ngày có đơn tố cáo đến ngày cơ quan điều tra khởi tố vụ án là hai tháng rưỡi. Chắc thảm họa ca nô này cũng phải chờ nhiều tháng, có khi khởi tố vụ án thì chứng cứ không còn, hay bị sai lệch.

Hình như tâm lý "cứ từ từ" đã bám rễ trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Thế nên mới có chuyện cứu hộ từ từ dẫn đến thảm họa.

Luật sư Hải Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.